Trao cho khách thẻ lên máy bay, cô gái mặc đồng phục Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam, khuôn mặt sáng trưng, mỉm cười sau lớp khẩu trang y tế “Chuyến bay về Tuy Hòa hôm nay, vì lý do khai thác, đổi tàu bay thành ATR72, chị nhé”. Không ai có thể phật lòng trước một nụ cười như thế. Tôi gật đầu “được thôi” và chợt có cảm giác như sắp gặp lại “người quen”.
Hơn 10 năm trước, khi có đường bay Hà Nội - Tuy Hòa và ngược lại, tôi đã về thủ đô trên chiếc ATR72. Tôi vẫn nhớ cảm xúc của mình khi máy bay hạ độ cao, hình ảnh đồng bằng sông Hồng rõ dần qua ô cửa sổ. Rồi một thời gian sau đó, đường bay này vắng bóng ATR72, thay vào đó là các loại máy bay khác. Khách đi máy bay cảm thấy hài lòng vì thời gian bay được rút ngắn, và những chiếc máy bay to lớn không ồn ào, “giằng xóc” như chiếc ATR72. Nhưng với người mơ mộng, bay bằng ATR72 cũng có cái thú vị riêng.
Lại nhớ hồi tháng 7 vừa rồi, tình cờ đọc tin Vietnam Airlines xin bán các máy bay ATR72 sau 12 năm khai thác. Với chủ trương thay thế dần các máy bay thế hệ cũ bằng máy bay thế hệ mới, Vietnam Airlines có kế hoạch bán 6 máy bay ATR72 (ngoài 6 chiếc ATR72 mà Vietnam Airlines sở hữu, hãng này còn thuê một chiếc ATR72, sẽ hết hạn vào tháng 8/2022). Lãnh đạo Vietnam Airlines nói rằng từ năm 2019, hãng đã nghiên cứu các loại máy bay có thể thay thế ATR72, trong đó có máy bay RJ.
Vậy là, trước khi được bán (hoặc hoàn thành nhiệm vụ bay thuê), 1 trong 7 chiếc ATR72 đã đưa gần 70 khách, trong đó có tôi, rời TP Hồ Chí Minh về Tuy Hòa. Bay trong mùa dịch, đương nhiên khác. Này nhé: Khách từ địa phương có dịch ở cấp độ 4 (vùng đỏ - nguy cơ rất cao) hoặc cách ly y tế (vùng phong tỏa), hoặc khách xuất phát từ TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ.
Nếu khách không thuộc nhóm trên thì cần có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng được tiêm ít nhất 14 ngày trước ngày khởi hành; hoặc giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương. Và đương nhiên, khách phải tuân thủ 5K, trong đó việc khai báo y tế được thực hiện qua ứng dụng PC-COVID, Tờ khai y tế tại đường dẫn https://vietnamkhoemanh.vn/khaibao-yte trước khi làm thủ tục bay. Không phải ai cũng có thể khai báo y tế trôi chảy trên điện thoại thông minh, nhất là những người lớn tuổi; nhân viên hãng hàng không sẽ hướng dẫn cho họ.
***
Khi chiếc ATR72 tăng tốc trên đường băng, tôi chợt hiểu vì sao lúc nãy, tại cửa ra tàu bay, nhân viên hãng hàng không cầm tấm hình ATR72 thông báo với khách rằng họ sẽ bay bằng loại máy bay này. Lúc đó, ai nấy lướt qua tấm hình máy bay cánh quạt bằng ánh mắt thờ ơ. Giờ thì không thể thờ ơ nữa rồi bởi tiếng động cơ rõ to, và máy bay lắc khá mạnh.
Chợt nhớ từng đọc ở đâu đó rằng các chuyên gia y tế khuyên khách không nên ngủ trong lúc máy bay cất cánh và hạ cánh. Sự thay đổi độ cao một cách đột ngột ảnh hưởng đến áp suất không khí trong tai, tai có cảm giác bị bịt kín và ù. Khi đó, động tác nuốt liên tục hoặc ngáp sẽ giúp cân bằng áp lực tác động lên hai bên màng nhĩ của tai và giúp không khí lưu thông trong tai. Nếu ngủ, làm sao ta nuốt hoặc ngáp? Nhưng tốt quá, tôi không có cảm giác ù hoặc đau buốt tai khi chiếc ATR72 cất cánh, phải chăng vì tốc độ của máy bay cánh quạt chậm hơn?
Bay trong mùa dịch, đương nhiên khác. Khách cần có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương, hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ. Và đương nhiên, khách phải khai báo y tế trước khi làm thủ tục bay qua ứng dụng PC-COVID, Tờ khai y tế… Chuyến bay trong mùa dịch, trên máy bay cánh quạt là một kỷ niệm, nhất là khi biết rằng những chiếc ATR72 rồi sẽ vắng bóng. |
Theo các tư liệu từ “bác” google, máy bay ATR (Avion de Transport Régional) 72 được sản xuất tại Pháp, sử dụng động cơ tuốc bin cánh quạt. ATR72 được phát triển từ ATR42. Hãng ATR đã kéo dài thân máy bay thêm 4,5m, mở rộng sải cánh lên 27,1m, lắp động cơ mạnh hơn và tăng dung tích bình chứa nhiên liệu khoảng 10%. ATR72 có hơn 70 chỗ, trọng lượng cất cánh tối đa 22.500kg, tốc độ tối đa hơn 500 km/giờ, tầm hoạt động gần 1.700km.
Hình ảnh bên ngoài cửa sổ, dưới cánh máy bay ATR72. Ảnh: YÊN LAN |
Động cơ tuốc bin cánh quạt làm cho chiếc ATR72 khá… ầm ĩ trên bầu trời, và nó cũng không “nhanh nhẹn” như Boeing, Airbus. Tuy nhiên, bay bằng máy bay cánh quạt cũng thú vị. Ta có thể ngắm điệp trùng rừng núi, ngắm những dòng sông như sợi chỉ bạc dưới cánh máy bay, thay vì chỉ nhìn thấy tấm màn mây trắng đến chói mắt như khi bay với “anh” Boeing, Airbus.
***
Đội bay ATR72 của Vietnam Airlines đang khai thác các đường bay đến sân bay không tiếp nhận được máy bay Airbus 320 như Côn Đảo, Kiên Giang, Cà Mau, Điện Biên. Hôm đó, vì lý do khai thác, nói cho dễ hiểu là vì số lượng khách ít, hãng sử dụng máy bay ATR72 trên tuyến TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa. Mới đây, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ với báo giới rằng dù đã kích cầu, thị trường nội địa vẫn yếu. Hệ số sử dụng ghế trên đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh những ngày gần đây ở mức 60-62%, còn các đường bay khác chỉ 50-55%. Dự báo thị trường nội địa năm 2022 sẽ bằng 70-75% thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, còn thị trường quốc tế chỉ bằng khoảng 25% và sẽ tăng dần từ quý IV năm sau.
Trong đợt dịch này, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam đã bán 2 máy bay A321, đội bay của hãng còn 104 chiếc, gồm 29 máy bay thân rộng, 68 máy bay thân hẹp và 7 máy bay ATR72. Nhận định tiếp tục thừa máy bay thời gian tới, Vietnam Airlines lên kế hoạch bán 15 chiếc trong tháng 12 này và 12 chiếc trong 2 năm tới, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa đội bay, thay thế những tàu trên 12 năm tuổi. Theo CEO Vietnam Airlines, tháng 12, Vietnam Airlines đưa ra phương án bán 9 máy bay A321 và 6 máy bay ATR72. Từ năm 2022 đến cuối 2023, hãng sẽ bán thêm 12 chiếc A321.
Tôi không phải fan của Vietnam Airlines. Tôi thường đi máy bay của Vietjet Air, chỉ vì thích nụ cười và trang phục rất trẻ trung, năng động của các tiếp viên Vietjet Air. Nhưng hôm đó, tôi thích cách giao tiếp của cô gái trẻ làm việc tại khu vực check-in của Vietnam Airlines ở Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Và, chuyến bay trong mùa dịch, trên máy bay cánh quạt là một kỷ niệm, nhất là khi biết rằng những chiếc ATR72 rồi sẽ vắng bóng.
YÊN LAN