Thứ Sáu, 29/11/2024 19:59 CH
Có một núi Nhạn hội tụ nhiều loài cây quý
Thứ Bảy, 11/12/2021 08:00 SA

Núi Nhạn giữa lòng TP Tuy Hòa. Ảnh: THÁI HÀ

Sau gần 30 năm triển khai dự án phủ xanh đồi trọc, từ chân đến đỉnh núi Nhạn đã trải một màu xanh của nhiều loài cây quý. Đây là công trình tâm huyết của các nhà khoa học, lãnh đạo tỉnh, thành phố qua các thời kỳ nhằm sưu tầm, bảo tồn các loại thực vật quý hiếm, tạo cảnh quan, môi trường sinh thái phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch, vui chơi giải trí của nhân dân.

 

“Hòn non bộ” giữa lòng thành phố

 

Từ một ngọn núi đá chỉ lơ thơ vài chục gốc bạch đàn, bằng tầm nhìn, nhiệt huyết và niềm say mê bảo tồn thực vật, các thế hệ trước đã kịp khởi công thực hiện dự án Vườn thực vật cảnh quan Núi Nhạn. Đến thời điểm này, sau gần 30 năm kể từ khi bắt đầu bổ xuống những nhát cuốc trồng cây đầu tiên, khu vườn trên núi Nhạn đã phủ một màu xanh mướt mắt, trở thành lá phổi xanh giữa lòng thành phố.

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng ban phụ trách Ban quản lý Di tích tỉnh (Sở VH-TT-DL), cho biết: Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, đất núi Nhạn được giao cho người dân để trồng bạch đàn. Đến năm 1995, Tuy Hòa thực hiện dự án Vườn thực vật cảnh quan Núi Nhạn. Dự án này được giao cho Lâm trường Thanh niên xung phong thực hiện. Đội trồng rừng của lâm trường lúc đó đã đào xới các vùng đất trên núi, khoanh đất đá thành bồn cây để giữ đất, trồng cây, chăm sóc, tưới nước. Công tác trồng cây vô cùng khẩn trương nên đến năm 2003, vườn thực vật cơ bản hình thành.

 

Ông Lê Văn Thứng, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường khi ấy là Giám đốc Lâm trường Thanh niên xung phong nhớ như in về những ngày khởi công dự án vườn thực vật. Bởi hơn ai hết, ông là người đưa ra ý tưởng ban đầu, thiết kế và dõi theo quá trình thi công dự án này. Thực hiện Quyết định 327 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng về nội dung phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái…, Lâm trường Thanh niên xung phong khi ấy đã lập dự án trình lên cấp trên. Sau đó, TP Tuy Hòa đã giao cho lâm trường thực hiện dự án Vườn thực vật cảnh quan Núi Nhạn. Sau nhiều trăn trở, lâm trường quyết định thay vì trồng rừng thông thường sẽ làm một vườn bon sai nhằm biến nơi này thành vườn bảo tồn các loài thực vật. Các loại cây được lựa chọn trồng trên núi Nhạn bao gồm cây bản địa mọc ở các vùng núi Phú Yên và chọn thêm các loài cây có giá trị lớn của các vùng đất khác.

 

“Chúng tôi đã thuê các thợ rừng ở Đông Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa phát đường lên các ngọn núi lớn trong tỉnh, sau đó đào cây hai bên đường đi để tập trung về trồng trên núi Nhạn. Những cây không có ở các vùng núi địa phương, chúng tôi liên hệ với các tỉnh bạn để mua về. Đến khi dự án hoàn thành đã có khoảng 420 loài cây từ nhiều vùng đất khác nhau bám rễ trên vùng núi Nhạn. Trong đó có rất nhiều loài thông ở xứ lạnh, các loài cây ở phía Bắc, Tây Nguyên đã vươn mình trong nắng gió của Tuy Hòa”, ông Thứng cho biết.

 

Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên phát cỏ, chăm sóc các cây gỗ quý trên núi Nhạn. Ảnh: THÁI HÀ

 

Bảo tồn hàng trăm loài thực vật quý hiếm

 

Từ một dự án phủ cây lên đồi trọc, đến nay, đường lên núi Nhạn đã rợp bóng của nhiều loài thực vật quý hiếm. Nhiều du khách đã phải thốt lên khi nhìn thấy ven đường lên núi là một cây sim tím trĩu quả. Kế bên cây sim, cây kơnia bừng lên sức sống mạnh mẽ với màu lá xanh mướt mắt, với trái lúc lỉu len đặc trên các cành lá. Gần trên núi, phượng tím, móng bò nở hoa rực rỡ. Núi Nhạn bây giờ đã xanh um, như một hòn non bộ nổi lên giữa lòng TP Tuy Hòa.

 

Theo ông Lê Văn Thứng, dự án lúc đó triển khai với mục tiêu sưu tầm, bảo tồn các loài cây đặc hữu, quý hiếm nên trên diện tích 8,4ha, lâm trường đã trồng 450 loài cây. Trong số đó có một số loài đang có nguy cơ tuyệt chủng như: Gõ đỏ, trắc, cẩm lai, chai lá cong; nhiều loài cây quý hiếm như: lát hoa, lim xanh, gỗ tếch, căm xe. Ngoài ra, cây kiền kiền hiện nay hầu như không còn phổ biến trong tự nhiên thì vẫn có thể tìm thấy trên núi Nhạn. “Dù nằm trên một diện tích nhỏ nhưng số loài cây ở núi Nhạn đa dạng hơn các thảo cầm viên ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đó là một điều làm tôi cảm thấy rất tự hào”, ông Thứng phấn khởi nói.

 

Năm 2004, vườn thực vật trên núi Nhạn được giao cho Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên quản lý và tiếp tục phát triển. Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên, cho biết: “Hiện nay, khi mà ở rừng tự nhiên, các loài cây quý hiếm cũng không còn nhiều thì việc được giao quản lý vườn thực vật trên núi Nhạn với đa dạng các loài cây, nhiều loài trong số đó nằm trong Sách đỏ Việt Nam… là nhiệm vụ khiến chúng tôi rất tự hào. Chúng tôi nhận thức được rằng, đây là vườn cây giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về việc bảo tồn gen và chúng tôi luôn nỗ lực để vườn cây duy trì được số lượng ban đầu”.

 

Sau năm 2015, nhiều cơn bão đổ vào Phú Yên, một số cây trồng trên núi bị bão làm cho đổ ngã, bứt gốc. Tuy nhiên, căn cứ trên danh sách cây gỗ trồng ban đầu, hễ cây gì mất đi là Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên đều trồng thay thế bằng cây đó. Nhờ vậy, các loài cây trên núi được giữ nguyên hiện trạng và có bổ sung.

 

Níu chân du khách

 

Núi Nhạn và tháp Nhạn là địa danh lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, chứng kiến mọi thăng trầm, gian khó, ác liệt và đổi thay của vùng đất Tuy Hòa nói riêng, Phú Yên nói chung… Cùng với tháp Nhạn trầm mặc soi xuống dòng sông Ba, hệ thống cây xanh trên núi Nhạn cũng góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp của TP Tuy Hòa.

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Di tích Tháp Nhạn cùng với vườn thực vật trên núi là một địa điểm du lịch để người dân Phú Yên tự hào giới thiệu với bạn bè gần xa mỗi dịp đến thăm vùng đất núi Nhạn sông Đà. Từ trên núi phóng tầm mắt, du khách có thể nhìn thấy các biểu tượng khác của Phú Yên như: núi Chóp Chài ở hướng tây bắc, các cây cầu bắc qua sông Đà Rằng ở hướng đông - đông nam, dòng sông Ba uốn lượn đổ ra cửa biển Đà Diễn, xa hơn là núi Đá Bia... Độc đáo nhất là du khách đứng ở đâu trong TP Tuy Hòa cũng có thể nhìn thấy tháp Nhạn và đứng dưới chân tháp Nhạn có thể nhìn toàn cảnh TP Tuy Hòa. Nằm ngay trong lòng thành phố, lại có di tích lịch sử, có vườn đa dạng các loài thực vật nên những năm qua, số lượng du khách thăm núi Nhạn không ngừng tăng lên; năm 2016 là 70.000 lượt người thì đến năm 2019 đã tăng gần gấp đôi với 137.000 lượt người. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do dịch COVID-19 bùng phát mạnh, hoạt động du lịch bị đình trệ, số du khách vì thế cũng giảm nhiều.

 

Theo ông Lê Văn Thứng, mặc dù hiện nay, cây trên núi Nhạn đã có loại cao hơn 15m, phủ xanh từ dưới chân lên đến đỉnh núi nhưng ở góc độ của một chuyên gia, ông cho rằng cần có sự điều chỉnh trong việc quy hoạch, phát triển để đảm bảo cây xanh trên núi Nhạn có thể phát triển hài hòa, bảo tồn lưu giữ được các nguồn gen quý. Cụ thể, cây cần phải được chăm sóc đúng cách, triệt để bằng cách loại bỏ các loại cây hư hỏng, chất lượng thấp; lọc bỏ bớt các loại cây có số cá thể đang phát triển nhiều, “bon sai hóa” các cây cao bằng cách chặt bớt cành, hạ độ cao của cây để tránh bị bão làm gãy đổ và cuối cùng là trồng bổ sung các loài cây mới.

 

“Vườn thực vật trên núi Nhạn có ý nghĩa trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, nếu nhiều loài cây quý hiếm trên rừng tự nhiên bị biến mất thì giống nòi của chúng vẫn còn ở vườn này và có thể nhân giống. Đây là nơi để các cơ quan nghiên cứu về cây, nơi cho sinh viên lâm nghiệp được trải nghiệm thực tế; đồng thời đây cũng là mô hình để nhân rộng, tìm ra những loài cây đẹp, cây có hiệu quả về kinh tế, cây đường phố”, ông Thứng nói.

 

Cũng nhờ núi Nhạn được bao phủ bởi cây xanh nên nhiều loài động vật hoang dã cũng theo về sinh sống trên núi. Những đàn bướm với đủ loại sắc màu, chim chóc, và thỉnh thoảng, du khách còn bắt gặp những chú sóc nâu chuyền cành thoăn thoắt, ẩn hiện trên các tán lá hay chạy vụt qua các lối lên núi - lên với vườn thực vật giữa lòng thành phố.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek