Thứ Sáu, 29/11/2024 23:28 CH
Người thầy truyền cảm hứng
Thứ Bảy, 10/04/2021 10:17 SA

Thầy Nguyễn Đảm là cử nhân Giáo khoa Toán học đầu tiên ở Phú Yên. Một phần tư thế kỷ đèn sách, bất kể khó khăn do đổi thay chương trình giáo dục, do hoàn cảnh sinh sống, thầy vẫn quyết tâm học tập và đạt kết quả mong muốn. Gần 40 năm dạy học, thầy Nguyễn Đảm đã truyền cảm hứng và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhiều thế hệ học sinh. 

 

Thầy Nguyễn Đảm trong ngày hội khóa. Ảnh: P.LONG

 

Thầy Nguyễn Đảm sinh năm 1934 tại thôn Mỹ Lệ, xã Hòa Bình (nay là khu phố Mỹ Lệ, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa). 4 tuổi, thầy được chị Hai dạy hết vần xuôi, vần ngược, tập đọc chừng 10 bài trong Quốc văn Giáo thư. Chị Hai qua đời, mẹ thầy tiếp tục dạy thầy học vỡ lòng. Sau khi cha thầy xin mở trường bên cạnh đình làng (trường chỉ một phòng, một hương sư và chỉ dạy một lớp đồng ấu), thầy học tại ngôi trường này.

 

Một tấm gương học tập

 

Tết 1945, anh trai Nguyễn Bá Quát học ở Quy Nhơn về, kiểm tra học lực của thầy qua một bài luận văn và một bài toán đố, cho dự thi lấy bằng sơ học yếu lược, khỏi học lớp dự bị và lớp sơ đẳng. Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền Việt Minh mở trường, thầy được học lớp nhì ở Trường tiểu học Hòa Bình, sau đó học Trường Lương Văn Chánh, là học sinh của ngôi trường này từ khi trường ở Đồng Me rồi chuyển đến Chợ Sen (xã An Định), An Thổ (xã An Dân), Hóc Lá (xã An Định)...

 

Tốt nghiệp tú tài I ban A (Sinh vật), thầy Nguyễn Đảm học ban A để theo ngành Y, như định hướng của anh trai Nguyễn Bá Quát. Học lớp đệ nhất ban A được hơn một tháng, trong giờ giải lao, thầy nói đùa: “Học ban A chán quá, không biết có ai hoán đổi qua ban B?”.

 

Không ngờ có một người nắm tay kéo vào văn phòng gặp thầy giám học làm thủ tục hoán chuyển lớp, trao đổi sách vở ngay. Sau này, qua báo chí, thầy biết anh này làm giám đốc một bệnh viện lớn ở Sài Gòn.

 

Sau khi có bằng tú tài toàn phần, thầy Nguyễn Đảm không đi dạy hoặc tìm việc làm, dù chuyện này rất đơn giản, mà tiếp tục học lên đại học, lần lượt lấy chứng chỉ MG (Mathématiques Générales - Toán học đại cương), PG (Physique générale - Vật lý đại cương), MR (Mécanique Rationnelle - Cơ học thuần lý), CDI (Calcul différentiel et integral - Tính vi tích phân)...

 

Thầy Nguyễn Đảm từng làm Hiệu trưởng Trường Bồ Đề Tuy Hòa, dạy trung học đệ nhất cấp tại Trường Bồ Đề và trung học đệ nhị cấp tại Trường Nguyễn Huệ. Niên khóa 1962-1963, thầy Nguyễn Đảm đỗ chứng chỉ CDI, hoàn thành cử nhân Toán học. Thầy là cử nhân Giáo khoa Toán học đầu tiên ở Phú Yên.

 

Sau khi thôi làm Hiệu trưởng Trường Bồ Đề, thầy Nguyễn Đảm dạy ở Trường Nguyễn Huệ với tư cách giáo sư khế ước. Thầy ghi tên học chứng chỉ MA (Mathématique Approfondie - Toán học thâm cứu). Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, thầy Nguyễn Đảm tiếp tục gắn bó với ngôi trường Nguyễn Huệ cho đến khi nghỉ hưu, năm 1996.

 

Sinh thời, thầy Nguyễn Đảm từng kể rằng trong thi cử, thầy vui nhất là khi thi đậu MG (Mathématique Générales) vì chứng chỉ này quá khó. Rất ít sinh viên theo học; nhiều năm không có sinh viên nào đậu MG. “Tôi cũng thấy quá khó nhưng thi đậu ngay từ năm đầu tiên nên rất mừng, mở được cánh cửa vào lĩnh vực toán học, phù hợp với sở thích của mình. Thuở nhỏ, tôi chịu ảnh hưởng của anh trai Nguyễn Bá Quát, tôi cũng thích văn chương, nhưng càng lớn “gene” Toán trong tôi càng trội hơn”, thầy chia sẻ.

 

Một người thầy tâm huyết

 

Gần 40 năm dạy học, thầy Nguyễn Đảm đã truyền niềm đam mê khám phá tri thức Toán học cho nhiều thế hệ học trò. Trong số đó có những người rất thành công, trở thành chuyên gia đầu ngành trên một số lĩnh vực. Nhiều người trở thành kỹ sư, bác sĩ..., có người trở thành nghệ sĩ. Dù sống tại quê nhà hay công tác ở nơi xa, họ đều nhớ về thầy Nguyễn Đảm bằng tấm lòng kính yêu.

 

Một cựu học sinh lớp C1 khóa 1978-1981 Trường THPT Nguyễn Huệ, nay đã lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và rất thành công trong lĩnh vực của mình, cho biết: “Thầy là người thầy vô cùng đáng kính. Nhiều người rất tự hào vì được là học trò thầy Đảm”.

 

Thầy Nguyễn Đảm (bên trái) và anh trai Nguyễn Bá Quát khi còn trẻ. Ảnh gia đình cung cấp

 

Theo vị chuyên gia này, thầy Đảm gần như chỉ chuyên tâm vào Toán học và khoa học nên nhìn nhận, xem xét việc gì đều theo quy luật và logic học. “Tôi học được điều lớn nhất từ thầy, đó là mọi sự việc đều có quy luật và logic của nó”, nhà khoa học này cho biết.

 

Họa sĩ Nguyễn Hưng Dũng, cựu học sinh lớp C1 khóa 1978-1981 kể rằng lớp C1 là lớp chọn, quy tụ những học sinh giỏi Toán. Năm học 1978-1979, thầy Nguyễn Đảm làm chủ nhiệm lớp, sau đó thầy dạy Toán lớp này cho đến cuối cấp. “Một tuần chúng tôi học 6 tiết Toán. Thấy học sinh yêu thích và học tốt, thầy dạy thêm cho cả lớp 4 tiết nữa, môn Logic Toán học, chia thành 2 buổi trong tuần. Thầy dạy Logic Toán học rất tuyệt vời! Môn này là hành trang trong cuộc đời tôi”, họa sĩ Hưng Dũng chia sẻ.

 

Trong ký ức của các học trò, cử nhân Giáo khoa Toán học đầu tiên ở Phú Yên là một nhà giáo giàu nhiệt huyết và nghiêm khắc. Kỹ sư hóa học Trần Hữu Tân, cựu học sinh lớp C1, chia sẻ: “Điều mà chúng tôi nhận được từ thầy là tư duy Toán học. Bằng tư duy đó, các học sinh của thầy tự tìm cách giải những bài toán khó, không theo dạng nào. Thầy Nguyễn Đảm là một người thầy tâm huyết”.

 

Cử nhân Toán nghiên cứu thơ, làm thơ và dịch thơ

 

Ngoài niềm đam mê dạy Toán, thầy Nguyễn Đảm còn có thú vui nghiên cứu các thể thơ, sáng tác thơ Đường luật, thơ tự do…, phân tích thơ bằng Toán học, Vật lý học… Thầy đã dành 16 trang giấy A4 để phân tích, giải thích luật thơ bằng các khái niệm Toán học, Vật lý học. Thầy sáng tác nhiều tác phẩm về núi Đá Bia, với nhiều thể loại: thơ - phú và một số làn điệu. Ngoài ra, thầy còn dịch thơ của Đỗ Phủ, Lý Bạch, Thôi Hiệu… Thầy dịch thành thơ thất ngôn bát cú Đường luật thi phẩm Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu:

 

Người xưa cưỡi hạc đã đi lâu

Chỉ còn nơi đây, Hoàng Hạc lầu…

Biền biệt hạc vàng muôn thuở suốt,

Lơ lửng mây trắng vạn năm thâu.

 

Hán Dương sông tạnh, cây phô dáng,

Anh Vũ hoa thơm bãi ngập màu.

Chiều lại, quê nhà đâu? Vọng khắp…

Trên sông khói sóng gợi cơn sầu.

 

Không chỉ có bản dịch này, thầy còn dịch thi phẩm nổi tiếng trên bằng thể thơ ngũ ngôn bát cú, lục bát và… thơ tự do.

 

Năm 2004, với bút danh Yên Lĩnh Nguyễn Đảm, cử nhân Toán đầu tiên của Phú Yên ra mắt tập thơ Vịnh cảnh Phú Yên. Đến năm 2017, với sự hỗ trợ của các cựu học sinh trung học Phú Yên, thầy Nguyễn Đảm có tập Tạp lục Khoa học - Văn chương dày gần 200 trang. Theo một nhà giáo từng là học trò và có nhiều gắn bó với thầy Nguyễn Đảm, tập sách đưa ra những kiến giải sâu sắc về các khía cạnh Văn học, Sử học và Toán học. Đặc biệt, trong tập sách này có một ca khúc về đập Đồng Cam do thầy Nguyễn Đảm sáng tác.

 

Các học trò của thầy Đảm kể rằng, ngoài văn chương, thầy Đảm còn thích chụp ảnh hoa, phong cảnh, sau đó xử lý bằng các hiệu ứng và đưa lên trang facebook cá nhân. Đó là niềm vui của thầy lúc tuổi già.

 

Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, thầy Nguyễn Đảm đã rời cõi tạm vào một ngày cuối tháng ba, để lại bao tiếc thương trong lòng người thân, bạn bè và các thế hệ học trò.

 

Trong dạy học, tôi cảm thấy hạnh phúc vì được dạy nhiều thế hệ học sinh của Phú Yên; nhiều em thích học Toán và sau này thành đạt.

 

Cố nhà giáo Nguyễn Đảm

 

PHAN PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một bông hoa lạ của núi rừng Việt Bắc
Thứ Bảy, 13/03/2021 13:00 CH
“Ảo thuật” sân vườn
Thứ Năm, 11/03/2021 14:32 CH
Tình nguyện viên du lịch Vân Hòa
Thứ Sáu, 19/02/2021 13:00 CH
Bắp ủ chua xuất ngoại
Thứ Hai, 01/02/2021 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek