Tây Bắc, với những cung đường ngoạn mục, thiên nhiên kỳ vĩ, sắc màu văn hóa độc đáo… luôn có sức hút đặc biệt đối với du khách phương xa. Dọc đường Tây Bắc có nhiều điều thú vị.
Con đường đẹp như tranh len qua chập chùng đồi núi Ninh Bình, đưa chúng tôi gặp quốc lộ 6 dẫn đến Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Đường sá bây giờ không như mười mấy năm về trước, khi chúng tôi lần đầu đi Tây Bắc, nhưng cảm xúc trong mỗi lần đến với vùng đất này vẫn rất đặc biệt. Trên hành trình này có nhiều chuyện khó quên.
Trên xứ Mường
Đến Hòa Bình, chúng tôi được các đồng nghiệp ở Hội Văn học Nghệ thuật đón tiếp rất nhiệt tình. Một trong những điểm đến ấn tượng mà các anh chị đưa chúng tôi tới là Bảo tàng di sản văn hóa Mường ở phường Thái Bình (TP Hòa Bình). Trên diện tích 4.200m2 , bảo tàng tư nhân này có 6 ngôi nhà chính được thiết kế theo kiểu nhà sàn của người Mường, trưng bày hơn 6.000 hiện vật gắn liền với văn hóa Hòa Bình, từ thời kỳ đồ đá.
Người lập nên bảo tàng này là ông Bùi Thanh Bình. Hôm chúng tôi đến, ông Bình đã vào tận Tây Nguyên, tham gia trại sáng tác tại Đà Lạt. Tiếp khách là anh Bùi Chí Lương, cháu gọi ông Bình bằng bác, cũng là hướng dẫn viên ở bảo tàng. Qua những gì anh Lương kể, chân dung một người con xứ Mường say mê văn hóa Mường dần hiện lên. Ông Bình quê ở Mường Động, là một trong bốn vùng Mường lớn của người Mường xưa (gồm Mường Bi - nay là huyện Tân Lạc, Mường Vang - nay là huyện Lạc Sơn, Mường Thàng - nay là huyện Cao Phong và Mường Động - nay là huyện Kim Bôi, thuộc tỉnh Hòa Bình). Tốt nghiệp đại học Văn hóa, ông có gần 10 năm làm việc trong ngành Công an trước khi chuyển công tác đến Công ty Du lịch Hà Sơn Bình. Từ đấy, ông bắt đầu nghiên cứu văn hóa và sưu tầm cổ vật của người Mường. “Khi đi đến các vùng Mường, bác tôi nhận thấy các vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt của dân tộc mình đang mất dần, thay vào đó là những vật dụng bằng nhựa, những đồ dùng công nghiệp. Thế là bác tôi cố gắng sưu tầm. Bộ sưu tập của bác ngày càng lớn. Bạn bè anh em nói rằng nhiều hiện vật như thế thì nên mở một bảo tàng để trưng bày, để mọi người đến tham quan, tìm hiểu. Và bác thành lập bảo tàng này từ số tiền kiếm được nhờ kinh doanh dịch vụ du lịch”, anh Lương kể. Bảo tàng tư nhân này ra đời từ niềm say mê, bền bỉ sưu tầm suốt hơn 40 năm qua của ông Bình.
Tham quan Bảo tàng di sản văn hóa Mường, chúng tôi rất ấn tượng với nhà chiêng cổ - nơi trưng bày những bộ chiêng của người Mường xưa, trong đó có hai chiếc chiêng trên dưới 2.000 năm tuổi, được phát hiện khi khai quật mộ Thổ lang Mường Bi. Một trong hai chiếc chiêng cổ này đặc biệt ở chỗ có năm nốt, gồm một nốt ở giữa và bốn nốt khác nhau ở chung quanh. Nghe nói chiếc chiêng năm nốt chính là “tổ tiên” của dàn chiêng 12 chiếc của người Mường.
Hòa Bình có nhiều đặc sản. Ngoài cơm lam, cam Cao Phong, cá sông Đà nướng, gà nấu măng chua, xôi nếp nương Mai Châu, rau rừng đồ, lợn mán thui luộc, thịt lợn muối chua, còn phải kể đến một số món ăn được chế biến từ thịt trâu. Nhà văn Phan Mai Hương - cô giáo dạy Văn tại Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình) nói với chúng tôi rằng ở xứ Mường, thịt trâu được ưa chuộng và có giá cao hơn thịt bò. Vì vậy, sẽ không có chuyện “hô biến” thịt trâu thành thịt bò mà là ngược lại. Tuy nhiên, các bà nội trợ am tường ở đây đều biết rằng thịt trâu có màu sậm hơn, thớ thịt to, mỡ trắng hơn thịt bò và không có mùi rõ rệt như thịt bò.
Tôi nhớ chiều hôm đó, đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên được các đồng nghiệp ở Hòa Bình mời ăn đặc sản thịt trâu. Nhà văn Trần Quốc Cưỡng nói vui rằng thịt trâu là món khoái khẩu của nhà thơ Huỳnh Văn Quốc. Nhưng tôi thấy anh Quốc cứ tần ngần cầm đũa, nhìn món thịt trâu đã được chủ nhà ân cần gắp vào chén bằng đôi mắt đầy… ưu tư. Hỏi nhỏ mới biết, nhà thơ xứ Nẫu chưa từng “đánh bạo” thưởng thức đặc sản này của xứ Mường.
Đèo Ô Quy Hồ hiểm trở - một trong “tứ đại đỉnh đèo” ở Tây Bắc. Ảnh: YÊN LAN |
Quán “lạ” bên đường
Trưa, đoàn văn nghệ sĩ dừng chân tại một quán ven đường ở Chiềng Hặc (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Quán bình dân, bán cả cơm lẫn phở, có rượu táo mèo lẫn rượu chuối. Sau khi chúng tôi chọn món ăn, một người đàn ông lớn tuổi bê cái thau nhôm đựng chén đũa ra, dùng kẹp kẹp từng cái chén đặt trước mặt thực khách. Chạm vào một cái chén, tôi thấy nó nóng un. “Bát sạch đấy, tôi vừa chần nước sôi xong”, chủ quán nói với khách đang mắt tròn mắt dẹt. Quả thật, tất cả tô chén dĩa muỗng đũa sau khi rửa xong, ông ấy đều cho vào nồi nước sôi để trụng, sau đó dùng kẹp gắp ra, úp vào một cái thau nhôm có nhiều lỗ ở đáy cho ráo nước rồi đem ra dọn. “Tôi bán ở đây 14 năm rồi, phục vụ khách địa phương và cánh lái xe. Người Kinh, người Thái, người Mông… ăn ở quán nhà tôi là chủ yếu. Nếu không vệ sinh sạch sẽ thì khách đâu có ghé lại lần sau”, ông chủ quán tên Lê Văn Xiêm nói với vẻ tự hào.
Nghe nói Chiềng Hặc có 14-15 quán ăn, nhưng có vẻ như quán cơm phở Xiêm Minh của gia đình ông Xiêm được thực khách ưa thích, bởi việc trụng chén đũa qua nước sôi gián tiếp nói với khách rằng nơi đây rất coi trọng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi nghĩ đó là cách ông Xiêm “xây dựng thương hiệu”. Chủ quán nói rằng không chỉ nấu các món ăn mà ngâm rượu cũng vậy, cần đảm bảo vệ sinh. Quả táo mèo ở trên cây nhưng bám rất nhiều bụi, phải rửa sạch rồi mới thái nhỏ, phơi khô trên nóc nhà, sau đó đem ngâm rượu, chừng 10 ngày sau thì dùng được. Tôi biết loáng thoáng rằng rượu táo mèo có nhiều công dụng và được ưa chuộng ở đây, nhưng không rành về rượu nên không “phản biện” gì.
Chuyện lạ lùng về… lá ngón
Trong thời gian thâm nhập thực tế ở Điện Biên, tôi được nghe đồng nghiệp nơi đây kể những chuyện lạ lùng về lá ngón. Nhiều người biết rằng cây lá ngón cực độc, là một trong bốn loại cây có độc tính cao nhất ở Việt Nam. Dân gian cho rằng một người khỏe mạnh ăn phải 3 chiếc lá ngón là đủ mất mạng nếu không được cứu chữa kịp thời, do chất kịch độc trong lá ngón làm ngừng hô hấp. Lá ngón mà ăn với muối thì… vô phương cứu chữa! Có lẽ vì vậy mà cây lá ngón còn có những cái tên đáng sợ, như: cây rút ruột, đoạn trường thảo… Người Mông gọi cây lá ngón là cua tùa nhủ, có nghĩa là thuốc diệt ruột.
Thế mà ở huyện Mường So (tỉnh Lai Châu), lá ngón xào tỏi là… đặc sản. Thì ra lá ngón này hoàn toàn khác, trông “mũm mĩm”, to bằng bàn tay, “hiền” chứ không “ác”, nở hoa vào dịp Tết Nguyên đán. Người Thái trắng ở Mường So hái lá ngón “hiền” để luộc, nấu canh hay làm các món xào.
Lá ngón “ác” nhỏ hơn, mọc đối; lá hình mũi mác, thuôn dài, đầu nhọn, xanh nhẵn bóng. Cây lá ngón độc ra hoa từ giữa đến cuối năm, hoa của cây lá ngón độc hình phễu, bên trên xòe ra năm cánh, màu vàng rực rỡ. Cây lá ngón độc ưa ánh sáng, thường mọc ở nơi đất trống, bìa rừng, ven đường.
Lá ngón không chỉ cực độc đối với người mà gia súc cũng “ngán”; trâu, bò, ngựa… ăn phải cũng chết tươi, nhưng dê thì chẳng hề hấn gì. Đây không chỉ là chuyện truyền miệng. Nhiều năm trước, cán bộ ở một huyện thuộc Điện Biên từng về bản vận động bà con nuôi nhiều dê, hy vọng dê sẽ ăn hết lá ngón độc, người Mông ở đây không còn “phương tiện” để quyên sinh khi có bức xúc trong gia đình. Theo kinh nghiệm dân gian của người Mông, trong dạ dày và ruột non của con dê có một chất vô hiệu hóa độc tính của lá ngón. Có sẵn “thuốc giải” nên con dê vô tư ăn lá ngón.
*
Thi thoảng, Tây Bắc chập chờn trong tôi hình ảnh ruộng bậc thang, núi tiếp núi mênh mông, tít tắp. Tây Bắc chập chờn trong tôi những cung đường hiểm trở, và những câu chuyện mà mỗi khi nhắc, lại thấy miền đất này thật gần!
YÊN LAN