Trong thời đại cơ giới hóa giao thông vận tải, các phương tiện hiện đại ngày càng phổ biến và được ưa chuộng thì việc mưu sinh bằng những phương tiện thô sơ như xe ngựa đã dần mai một. Nhưng với sự yêu nghề và mê ngựa nên ông Đặng Tấn Phước đã gắn chặt đời mình hơn 35 năm vận chuyển thuê bằng nghề cầm cương xe ngựa mà dân gian gọi theo kiểu Tàu là “Mã phu” hay bên Tây là “Xà ích”.
Hình ảnh quen thuộc của xà ích Đặng Tấn Phước - Ảnh: D.T.XUÂN
VẤT VẢ NGHỀ XÀ ÍCH
Ông Đặng Tấn Phước (72 tuổi) ngụ tại ngôi nhà sâu trong con hẻm ở khu phố 3, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, Phú Yên, là một trong những người hiếm hoi ở Phú Yên có hơn 35 năm giữ nghề cầm cương lái xe ngựa nuôi sống gia đình. Tôi đến nhà khi ông đang dắt ngựa để mắc vào gọng xe chuẩn bị cho hành trình mưu sinh buổi chiều.
Tôi xin được ngồi lên xe theo ông đi lấy hàng. Không có tiếng khởi động máy. Không có tiếng còi xe. Không có tiếng máy nổ. Chỉ có tiếng lọc cọc. Lọc cọc. Tiếng gõ đều của bước chân ngựa trên đường cùng với tiếng tróc, tróc, hê, hê của người xà ích già. Ứng với màu lông, con ngựa được ông Phước đặt tên là Nâu. Giống ngựa bản địa thuần chủng nhỏ con. Khi con Nâu chạy đã xâm xấp mồ hôi thì nó càng hăng. Nó tế nhanh và dai sức lắm. 72 tuổi nhưng ông Phước còn rắn chắt nhanh nhẹn. Mắc con Nâu vào cỗ xe. Tay giựt dây cương, từ khẩu lệnh đánh tróc một tiếng, xà ích Phước phóc lên cỗ xe ngon cơm như kỵ binh tung mình trên lưng chiến mã.
Lau vội mồ hôi trên trán, ông Phước tâm sự: Chiều nào cũng vậy, lúc thì xuống Phú Hiệp, lúc thì xuống Đông Tác, lúc thì vào Hòa Vinh... khi bạn hàng a lô là có mặt để chở hàng về bỏ cho các mối ở các chợ quê. Chiếc xe tuy nhỏ nhưng chở đủ loại hàng hóa, đã mấy chục năm trong nghề nên ông có rất nhiều bạn hàng. Nay thì khác, xe vận tải hàng hóa loại nhẹ ra đời rất nhiều và tiện ích đi lại trong thôn xóm, nên nghề này hiu hắt lắm. Những chiếc xe ngựa ngày càng thưa thớt dần, và rồi chẳng còn mấy ai nhớ đến hình ảnh chiếc xe ngựa rong ruổi trên các nẻo đường nữa. Vì thế, cứ sau mỗi chuyến chở hàng “lượt đi”, “lượt về” là xe không, nên tiền kiếm được trong ngày chẳng là bao. Cuộc mưu sinh của nghề cầm cương lái xe ngựa, mỗi ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng đến trưa, khi bỏ hàng xong thì ông đưa ngựa về nghỉ, sau đó đi ra đồng kiếm cỏ cho ngựa ăn để chuẩn bị cho chuyến chiều.
Ông vừa là chủ xe, vừa là công nhân bốc vác. Trừ trời mưa to gió lớn, còn lại phải chạy xe để có cái ăn. Có hôm xe lộn nhào, cả hàng hóa lẫn ngựa lăn quay. Có hôm xì lốp xe giữa đường. Có hôm ngựa vấp đá văng mất móng sắt. Có hôm ngựa không kéo nổi hàng lên những con dốc, chủ xe cong lưng biến mình thành một con ngựa nữa để đẩy xe hàng lên. Bất cứ người lái xe ngựa nào đều mắc bệnh cột sống thì phải. “Ít thấy ai còn cầm cương xe ngựa ở tuổi ngoài 60 như tôi. Vì yêu nghề và mê con ngựa nên kéo dài đến nay”, ông Phước thủ thỉ trong tiếng lóc cóc của vó ngựa.
VUI BUỒN NGHIỆP CẦM CƯƠNG
Xà ích Phước chia sẻ: Thường thì mỗi chiếc xe ngựa cần tới hai con ngựa để thay đổi. Nhưng do kinh tế gia đình eo hẹp nên chỉ mua nổi một con. Con ngựa hiện nay, ông mua ở xã Ealy (huyện Sông Hinh) trên 20 triệu đồng, trong khi giá một con bò kéo cộ trên 30 triệu đồng, giá một xe tải hạng xoàng gần 150 triệu đồng. Được cái giống ngựa này ở miền núi có sức kéo tốt, rất hiền, không đá ngược khi gặp khách lạ. Tuy nhiên, mỗi con ngựa chỉ kéo xe được vài ba năm. Con vật xuống sức bị bán rẻ cho các đồ tể làm thịt.
Dăm ba năm tồn tại trên đời, con ngựa trước khi bị hóa kiếp cũng để lại vô vàn kỷ niệm với con người. Do đi quen nó rất thuộc đường và thuộc cả động tác của chủ. Giựt khẽ dây cương là chạy. Đánh mạnh bằng roi là chạy nhanh. Níu cương lại là dừng. Vậy mà tiền ăn cho nó chẳng là bao. Cỏ chủ tự đi cắt về xơi thoải mái. Thường là cỏ mật hay còn gọi là cỏ tây, cỏ lùng. Có hôm ngựa được bồi dưỡng hai ký mật nước, giá 4.000 đồng/ký. Lâu lâu nó cũng thưởng thức vài ba cân lúa, giá 5.500 đồng/ký. Hiện nay, buổi sáng chỉ đón khách quen đi qua thành phố Tuy Hòa mua phế liệu là chính, giá mỗi người chỉ 5.000 đồng, chuyến xe buổi sáng kiếm chừng 50.000 đồng, coi như tạm trang trải chợ búa. Có ngày chẳng ai đi, coi như tốn tiền nuôi ngựa.
Khi hỏi về những chuyện buồn vui trong nghiệp cầm cương, bằng nụ cười hào sảng, ông Phước rổn rảng: Từ năm 1977, ông cầm cương xe ngựa cho đến nay. Năm nào cũng vậy, từ thời bao cấp tới chừ, sáng mùng 1 tết, ông làm chuyến xe ngựa xuất hành miễn phí cho trẻ con trong hẻm. Ông chở từ nhà đến Nhạn Tháp.
Hè vừa qua, trên đường từ Hòa Vinh (Đông Hòa) về, ông cho ngựa dừng gặm cỏ vệ đường và tranh thủ kiếm bao cỏ về cho ngựa ăn đêm. Một tốp khách Tây đi xe đạp dừng lại, tò mò xe ngựa và họ ra dấu ý muốn thích dạo ngắm cánh đồng quê bằng vó câu. Ông chở họ vòng vòng và kiếm được 20 đồng bạc Mỹ. Gần đây, một bà khách Việt kiều đứng đợi tìm xe ngựa. Ông đưa bà khách đi vòng ngoại ô Tuy Hòa do xe ngựa không được chạy rong trong thành phố. Vui không phải vì được tiền, bởi chở khách thì có thù lao. Nhưng vui vì được chở những vị khách đặc biệt và hăm hở leo lên chiếc xe ngựa của mình để “dong ruổi đường quê”.
Có một lần vui mà sợ nhất là khi “chàng tuấn mã” của ông trở chứng “yêu” bất tử đã lồng lên và kéo chiếc xe chạy chóng mặt, may mà ghì cương và đạp phanh kịp chứ không thì hậu quả khó lường. Ngựa đực mà, nó phải vậy thôi. Ông Phước cười vui, chia sẻ.
Thoáng buồn trong đôi mắt xa xăm, xà ích Đặng Tấn Phước thổ lộ: Ngựa ngàn năm trước hầu hạ người sao, nay vẫn vậy. Nhưng muốn trung thành với nghề xe ngựa như ngựa vẫn trung thành với người lại không dễ. Nghề đóng móng và làm xe ngựa chẳng còn thấy ai làm. Phụ tùng cho ngựa gồm bộ cương, hàm thiếc và miếng bịt mắt cũng thuộc loại hiếm. Xe ngựa của ông Phước đành chạy bằng bánh xe ô tô.
Chiếc xe ngựa, tài sản đi theo suốt cuộc đời ông, giờ cũng cũ lắm rồi. Ban đêm để xe ngoài đường chẳng lo ai thèm lấy cắp. Gỗ thành xe đã mòn. Tay vịn, bàn đạp cho khách bước lên cũng đã gỉ sét. Chắc chắn khi xe hư hỏng, chủ nhân của xe cũng sẽ giải nghệ.
Nghề cầm cương lái xe ngựa, là một nghề lao động bình thường như bao công việc khác, nhưng đáng trân trọng ở chỗ xà ích Đặng Tấn Phước đã góp phần gìn giữ lại nét sinh hoạt cổ xưa.
Đầu năm rồi, đồng nghiệp đàn anh Ba Đà Rằng đã có một tháng “giang hồ vặt” bên trời Tây, khi về kháo rằng: Người Tây rất khoái thả hồn trên những chiếc xe ngựa cổ để thưởng lãm những địa điểm tráng lệ hay vùng ngoại ô của Paris; Berlin hay Amsterdam... theo vó câu lóc cóc trên đường phố, cho dù giá trên trời.
Thoáng nghĩ, du khách thời hiện đại, đặc biệt là các vị khách nước ngoài vẫn còn lưu luyến những chuyến xe thổ mộ để vãng cảnh đồng quê. Ngành du lịch để tâm thì sẽ làm sống dậy cỗ xe ngựa chở khách thăm các làng nghề để tăng thêm thi vị các tour du lịch sinh thái về các vùng nông thôn trù phú của quê hương.
HOÀNG HÀ THẾ