Ông Bảy làm nghề phối heo giống, vợ bệnh tâm thần, 7 đứa con học đại học… đó là những cụm từ người dân khu phố 2, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) thường nhắc về ông Nguyễn Sen (còn gọi là Bảy Sen). Hơn 35 năm kể từ khi vợ mắc bệnh tâm thần, một mình ông tần tảo đủ nghề, lần lượt nuôi 7 người con vào đại học.
Mấy chục năm qua, để có tiền lo cho các con ăn học, tết nào ông Bảy Sen cũng thuê đất trồng hoa lay ơn - Ảnh: H.MY
Theo lời giới thiệu của ông Lê Văn Hữu, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, tôi tìm đến nhà ông Bảy Sen. Tiếp tôi là một người đàn ông đã hơn 70 tuổi, có vẻ ngoài khắc khổ, nét mặt hiền từ.
KHÔNG ĐÀNH LÒNG BỎ VỢ CON
Năm 1977, anh nông dân nghèo Nguyễn Sen ở Phú Lâm nên duyên với cô gái quê Hòa Tân Đông Trần Thị Mích. Gia đình 2 bên đều nghèo khó, họ dắt nhau về ở trong ngôi nhà tranh vách đất do bên nội dựng cho, đồng lòng bám vào mảnh vườn và 2,5 sào ruộng mưu sinh qua ngày. 1 năm sau, con trai đầu chào đời. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì 3 tháng sau, bà Mích đột nhiên phát bệnh tâm thần, hay nói nhảm và la hét, đập phá. Thấy tình cảnh khó khổ của Bảy Sen, có người bông lơn khuyên ông bỏ vợ và đi bước nữa. “Những lúc như thế, tôi thoáng chạnh lòng, nhưng rồi lại nghĩ vợ chồng sống với nhau phải có cái tình, đâu thể vì khó khổ, hoạn nạn mà bỏ nhau. Với lại, giờ bà ấy chỉ còn mỗi cha con tôi là chỗ dựa nên dù thế nào tôi cũng gắng chịu”, ông Bảy Sen nhớ lại. Vậy là, cứ nghe mách ở đâu có thuốc hay, thầy giỏi, ông lại đưa vợ đến chữa trị.
Bệnh tình của bà Mích cũng thuyên giảm. 1 năm sau, họ có đứa con trai thứ hai. 2 năm sau, đến khi đứa con trai thứ ba ra đời chưa giáp tuần, bà Mích lại phát bệnh nặng, bỏ nhà lang thang. Không đành lòng để vợ gồng mình mang bệnh tật, Bảy Sen chạy ngược chạy xuôi vay mượn chòm xóm, đưa vợ đi chữa trị tứ xứ. Một thời gian sau, bà Mích gần như trở lại bình thường, ông mừng rơi nước mắt. Sau đó, 2 người lần lượt sinh thêm 4 đứa con nữa. Nhưng lúc con gái út ra đời, bà Mích phát bệnh nặng trở lại. Bà mất trí nhớ, bỏ nhà lang thang. Thương con gái mới sinh thiếu sữa mẹ, hàng xóm thương tình, người cho sữa, người cho quần áo, người đi tìm bà Bảy Sen về nhà…
Một lần nữa, ông Bảy Sen lại cầm cố, bán hết những thứ quý giá trong nhà đưa vợ đi chữa trị. Nhưng bệnh tình của vợ ông không khỏi hẳn, lúc tỉnh lúc dại. Ông Bảy Sen gần như suy sụp, nhưng nghĩ đến 7 đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi học, ông lại gượng dậy.
Ông Huỳnh Tức Thời, hàng xóm của ông Bảy Sen, nói: “Thời bây giờ, không hiếm chuyện chồng thấy vợ mắc bệnh hiểm nghèo, đành đoạn bỏ vợ con đi thêm bước nữa. Còn anh Bảy Sen là một người cha, người chồng giàu đức hy sinh. Chúng tôi học được từ anh nhiều điều quý giá”.
BƯƠN CHẢI MÀ SỐNG
Nhà chỉ có 2,5 sào ruộng, thu hoạch về, chắt bóp chi tiêu cũng chẳng thấm vào đâu so với những khó khăn chồng chất hiện tại nên ông Bảy Sen thuê thêm 13 sào ruộng nữa để canh tác. Nhờ sớm hôm cần mẫn, hạt lúa được mùa, được giá, giúp ông có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Để có thêm thu nhập, Bảy Sen còn nuôi bò, trồng rau củ mang ra chợ bán.
Năm 1982, Bảy Sen dành dụm mua một con heo đực, tìm hiểu cách phối giống trực tiếp, rồi từ đó chở heo bằng cộ bò đi khắp phường Phú Lâm và các xã lân cận để phối giống. Hay như thấy người dân phường Phú Lâm thường trồng hoa bán dịp tết kiếm thêm thu nhập, ông Bảy Sen cũng thuê đất soi trồng hoa lay ơn rồi bán sỉ cho khách. Có năm ông trồng hơn 30.000 củ lay ơn. Tiền thu được ông gói ghém mua thịt, bánh mứt, sắm sửa quần áo, đồ dùng cho vợ và các con. “Tuy nghèo khó, chật vật nhưng tết năm nào anh em tôi cũng được ba cho tiền mua quần áo mới. Khi anh em tôi lần lượt thi đậu vào đại học, ông chạy ngược chạy xuôi vay tiền, làm ngày làm đêm trả nợ và tằn tiện gửi vào thành phố cho con ăn học… Hơn 35 năm kể từ khi mẹ tôi bệnh, lúc nào ba tôi cũng tảo tần, chăm lo cho mẹ con tôi chưa khi nào ông nghĩ riêng cho mình”, con gái giữa Nguyễn Thị Cúc nói về cha mình đầy xúc động.
GỬI ƯỚC MƠ VÀO CÁC CON
Tảo tần mưu sinh nhưng người cha học đến lớp 2 trường làng vẫn rất coi trọng việc học của các con và luôn quan tâm, động viên các con cố gắng học hành. Bởi ông nghĩ, chỉ có học mới giúp các con thoát nghèo và có tương lai tươi sáng hơn. Cho nên, ông Bảy Sen luôn đôn đốc các con trong việc học hành. Ông định hướng, đặt mục tiêu cho các con phấn đấu. Khi con trai đầu Nguyễn Bảo Son (SN 1978) tốt nghiệp Trường trung cấp Xây dựng số 6, ông động viên con tiếp tục học và anh thi đậu vào Trường đại học Kiến trúc Hà Nội. Khi con trai thứ hai Nguyễn Bảo Quốc (SN 1979) cầm tấm bằng trung cấp điện nhưng vẫn không xin được việc, ông khuyên con vừa kiếm việc làm thêm vừa học tiếp ngành Quản trị kinh doanh của một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh. Nối tiếp truyền thống hiếu học của các anh, 2 người em kề là Nguyễn Bảo Toàn (SN 1981) và Nguyễn Thanh Phong (SN 1984) lần lượt thi đậu vào các trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Hiện tại 4 con trai của ông đều ra trường và có việc làm ổn định, trong đó 2 người đã yên bề gia thất. Nguyễn Bảo Son chia sẻ: “Thương cha phải gồng mình gánh vác từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ trong nhà nên 4 anh em tôi một buổi đi học, một buổi đi làm thêm để trang trải học phí, phụ ba mua thuốc cho mẹ và lo cho các em gái nhỏ ăn học. Giờ đây, khi tôi đã là giám đốc của một công ty xây dựng tư nhân tại Gia Lai, là cha của các con nhưng mỗi lần nghĩ về cha, tôi lại thấy mình thật nhỏ bé trước ông”.
Những ngày này, ông Bảy Sen đang tất tả làm hồ sơ vay tiền ưu đãi dành cho sinh viên để gửi vào cho 2 con gái trang trải chi phí học tập. Người nông dân một đời tảo tần vì vợ con cười hiền, bảo: “Con Cúc vừa tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng của Trường đại học Văn Hiến, đang xin việc làm. Con út đang là sinh viên khá giỏi của Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Không chịu thua các em, con gái đầu Nguyễn Thị Phấn (SN 1986), sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế của một trường cao đẳng cũng vừa ôn luyện, thi đậu vào Trường đại học Tôn Đức Thắng trong năm học này. Đợi 4 năm nữa, 2 đứa nó tốt nghiệp đại học thì trách nhiệm làm cha của tôi coi như hoàn thành”.
Bây giờ gia đình ông Bảy Sen không còn đói ăn thiếu mặc, thậm chí ông còn có một khối tài sản lớn, đó là các con ăn học đàng hoàng. Điều lớn nhất đọng lại trong gia đình hiếu học này là sự hy sinh, vượt khó của người cha, sự đùm bọc yêu thương, động viên nhau của các thành viên trong gia đình.
HÀ MY