Tuổi thơ có nhiều ước mơ nhưng là ước mơ rất con nít, hơi thần thoại một chút, hơi vật chất một chút như khi ta đói ta thèm ăn món này món kia, để rồi khi chẳng có món nào hết thì giấc ngủ luôn chập chờn. Tuổi thơ không đói vì cái ăn mà đói vì kiến thức, vì tìm tòi. Trước cuộc đời rộng mênh mông, tuổi thơ như con chim nhỏ thích tung cánh bay khắp bầu trời, thích tỏ ra mình là kẻ lớn, thích có quyền uy và sức mạnh nhưng thích thì cứ thích còn tuổi thơ vẫn cứ là tuổi thơ.
![]() |
Lớn lên từ lời mẹ ru, từ câu chuyện bà kể, mà những chuyện bà kể thường không ngoài kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam như Thạch Sanh Lý Thông, Tấm Cám, Sự tích trầu cau… Lớn hơn một chút, biết suy nghĩ hơn một chút, thì bà kể cho nghe những gương hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ như Ngu Thuấn, Lưu Hằng, Tăng Tử, Mẫn Tử Khiên, Trọng Do trong Nhị thập tứ hiếu, nghe nói là có thật nhưng cũng không ít mơ hồ, do Quách Cự Nghiệp Trung Hoa sưu tầm biên soạn, nhà văn Lý Văn Phức ở Việt Nam phổ thành thơ song thất lục bát lưu truyền trong dân gian. Gương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ thì người Việt Nam ta đâu thiếu, nhưng thiếu vì không ai sưu tầm biên soạn. Chính vì vậy mà tuổi thơ nghe xong sẽ nhìn cuộc đời bằng một lăng kính khác qua từng câu chuyện. Như chuyện Mạnh Tông thương mẹ thèm ăn canh măng quá, Mạnh Tông ôm gốc tre khóc cho đến khi măng mọc mới thôi, thì có cái gì đó không thật. Sẽ là phản cảm nếu trẻ biết măng chỉ mọc theo mùa và nước mắt không thể làm cho măng mọc được.
Như nhiều câu chuyện ngụ ngôn khác, tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện mà tôi đã đọc được đâu đó về loài chim sẻ. Loài chim nhỏ bé, hiền lành nhưng rất thông minh, luôn sống quấn quít bên người.
Ngày xưa, Bồ Cắt và Sẻ nâu cùng học chung lớp, chung trường. Học thì dở nhưng háu ăn, Bồ Cắt ăn cả xác chết hôi thối. Với bản chất hung dữ Bồ Cắt không ngại tấn công kẻ lớn hơn mình. Là giống chim ăn thịt nên không ai dám chơi chung với Bồ Cắt, nhất là những loài chim nhỏ như Hoàng Yến, Hoàng Anh, Chàng Làng, Chích Quạch… Còn với Đại Bàng, Diều Hâu thì Bồ Cắt không dám, lúc nào cũng sợ sệt, cũng vâng dạ bẩm thưa. Các loài chim khác ghét lắm bèn bày mưu tính kế để Sẻ nâu dạy cho Bồ Cắt một bài học nhớ đời.
Để chia tay về nghỉ hè, các loài chim chung nhau tổ chức một bữa tiệc nhỏ gồm các loại trái chín thơm tho như nho, lê, chuối, táo… và một con chuột chết gói trong túi ni lông. Riêng Đại Bàng và Diều Hâu là trưởng và phó lớp nên được thưởng công bằng hai cái đùi gà. Tiệc đang vui thì Bồ Cắt đến, nó hỏi phần ăn của nó đâu thì được Đại Bàng trao cho gói chuột chết. Nó mở ra ăn thì mùi hôi thối tỏa khắp phòng các chim phản đối, Đại Bàng đuổi nó xuống bếp ngồi ăn, nó tức lắm nhưng không dám làm gì. Lúc này Họa Mi mới lên tiếng trêu chọc, chủ ý để Bồ Cắt nghe:
- Đố các bạn, trong một nhà, kẻ ăn trên ngồi trước gọi là gì?
- Ông chủ.
- Thế kẻ thui thủi một mình ăn dưới bếp gọi là gì?
- Đầy tớ.
- Vậy Bồ Cắt là đầy tớ của ai?
- Của chúng ta.
Bồ Cắt giận lắm, đến nhà thầy giáo Cú thưa chuyện. Thầy giáo Cú cho gọi tất cả học trò đến phân xử, thầy bảo phải chứng minh cho thầy thấy Bồ Cắt là đầy tớ nếu không thì tất cả sẽ bị đánh đòn. Ai cũng có mặt chỉ thiếu Sẻ nâu. Đại Bàng sai Bồ Cắt đi tìm Sẻ nâu, Sẻ nâu vờ đau bụng tiêu chảy không đi nổi, Bồ Cắt đành phải cõng Sẻ nâu tới nhà thầy giáo Cú. Vừa thấy cảnh ấy, các chim liền nhao nhao:
- Thầy ơi, nhìn kìa… ông chủ ngồi trên lưng đầy tớ kia kìa.
Thầy giáo Cú gật gật đầu:
- Bồ Cắt vai u thịt bắp, kiêu căng nhưng dốt nát, nên bị lừa là đáng, làm đầy tớ còn chưa xong nữa là.
Bồ Cắt giận lắm, thề sẽ trả thù.
Nên bây giờ chộp được Sẻ nâu là Bồ Cắt ăn tươi nuốt sống, các loài chim nhỏ khác cũng cùng chung số phận. Sẻ nâu khôn khéo sống cạnh con người nên Bồ Cắt không dám tới gần, vì thế mà con cháu Sẻ nâu ngày càng đông đúc.
LÝ THỊ MINH CHÂU