Chim dồng dộc

Chim dồng dộc

Đã là quá khứ - những con chim dồng dộc ấy. Dồng dộc bây giờ đã biến mất. Chúng biến mất âm thầm, lặng lẽ, không kịp nhận ra.

Đã là quá khứ - những con chim dồng dộc ấy. Dồng dộc bây giờ đã biến mất. Chúng biến mất âm thầm, lặng lẽ, không kịp nhận ra. Và khi nhận ra, thì những tiếng kêu “dôộc, dôộc” chỉ còn văng vẳng vọng đâu từ miền ký ức mù khơi, như đòn roi của cha, như vỗ về của mẹ, hay như vui buồn ấu thơ thi thoảng lại chen ngang vào những cơn mê mà ý thức ngủ quên cho tiềm thức sống dậy tha hồ lang thang, lặn lội ngược dòng…

Chim-dong-doc1.jpg

Tổ chim dồng dộc - Nguồn: Internet

Loài chim dân dã kia luôn tạo cho tuổi thơ tôi nhiều ấn tượng. Chim trống đầu đội chiếc “mũ” màu vàng trông đường bệ, uy nghi như… vương miện hoàng đế! Chim mái thì khiêm cung hơn với bộ cánh sẫm nâu, không nhìn kỹ có khi nhầm là chim sẻ. Có điều, tác phong dồng dộc - dù hay lam hay làm - nhưng luôn đàng hoàng, đĩnh đạc, không giống lũ sẻ ở cái thói rách việc lanh chanh! Dồng dộc sống thành đôi. Những đôi uyên ương dồng dộc không phối ngẫu theo mùa mà, giống như bồ câu, chúng gắn bó nhau đến “đầu bạc răng long” nếu trời cho chúng có… răng và có đủ thời gian để sống đến bạc đầu! Nói đến mối quan hệ “hôn nhân gia đình” trong thế giới động vật nói chung và chim chóc nói riêng, dồng dộc trống có thể xem như một đức ông chồng mẫu mực - nghĩa là thủy chung, yêu vợ thương con và chung tay gánh vác việc “trong bếp trong buồng” cùng vợ con không nề hà, quản ngại! Chỉ ngoại trừ cái sự đẻ là dồng dộc trống… bó tay, phải nhường cho vợ; còn lại, từ đan tổ đến ấp trứng, nuôi con…, dồng dộc trống đều dự phần tất tật. Chưa hết, nó còn phải kiêm luôn nhiệm vụ gác cổng… không lương. Mà có phải không lương thôi đâu, ngay cái “vọng gác” nó cũng phải loay hoay một mình mà dựng mà xây. Chuyện này thì dồng dộc “phu nhân” luôn đóng vai trò kẻ bàng quan, nhất quyết không chịu dự phần!

Cuối xuân, đầu hè là mùa dồng dộc làm tổ. Những chiếc tổ đu trên tàn dừa, đọt tre đan bằng lá mía, lá tranh tước nhỏ, miệng chúc xuống, bụng phình ra hình chiếc giày ống bám cành lủng lẳng bằng một đoạn “cáp treo”. Cả đoạn “cáp” ấy cũng được bện bằng lá mía, lá tranh, nhưng nhờ công năng tạo tác của những tay thợ biết bay mà nó trở nên cực bền .

- nghĩa là chấp luôn cả những trận gió to, đừng mơ rứt được chiếc tổ kia mà quăng xuống đất! “Vọng gác” - tức tổ riêng của dồng dộc trống - lại có hình chiếc giỏ một quai. “Giỏ” được treo úp ngược, tức “quai” hướng xuống. Gọi vậy cho dễ hình dung chứ thực ra, quai chính là chỗ đậu cho dồng dộc trống; còn phần giỏ như cái mái

che nắng che mưa. Giản đơn mà hữu hiệu. Và lại xinh xắn như một thứ đồ souvenir được bày trong những quầy bán hàng lưu niệm cho khách nước ngoài…

Thủy chung, cần mẫn, khéo léo và lại cực kỳ thương con! Dồng dộc mẹ thương con đã đành; dồng dộc bố cũng rất thương con. Ngày nhỏ, tôi từng thử bẫy con dồng dộc mẹ nhốt riêng một nơi. Còn lại một mình, dồng dộc bố vẫn kiên nhẫn đi đi về về, mang mồi mớm cho con. Không có vợ sẻ chia cũng đồng nghĩa với nỗi nhọc nhằn nhân đôi. Nó gầy rộc đi; lông cánh, lông đuôi xơ xác… Chẳng lâu la gì, lũ trẻ lập tức nghiệm ra: Muốn tóm được dồng dộc cả đôi rất dễ! Chỉ cần bắt lấy dồng dộc con làm mồi nhử là hết ả đến anh sẽ lần lượt chui đầu vào “rọ” khi nghe tiếng kêu thảm thiết của con mình… Chao ôi! Những trò vui đến là dại dột của tuổi thơ!

Bây giờ, đứa con thế hệ 9X đời đầu, đọc truyện xong, thắc mắc hỏi tôi: Chim dộc là… chim gì hở ba? Tôi cười buồn. Biết nói gì với con về một miền ký ức đong đưa xa lắc xa lơ. Chẳng lẽ lại mang những mô tả sinh học có thể tìm trong bất cứ cuốn sách giáo khoa nào để nói với con về chim dồng dộc? Mà trên cái lộ trình ngược dòng vào những giấc mơ của tôi, khổ thay, con tôi lại không thể đồng hành…

Y NGUYÊN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn