Cá mương dòng Kỳ Lộ

Cá mương dòng Kỳ Lộ

Chẳng hiểu sao, sống ở sông mà được gọi là cá mương. Nhiều sông có cá mương nhưng tôi biết chỉ cá mương sông Kỳ Lộ mới trở thành đặc sản nức tiếng.

Chẳng hiểu sao, sống ở sông mà được gọi là cá mương. Nhiều sông có cá mương nhưng tôi biết chỉ cá mương sông Kỳ Lộ mới trở thành đặc sản nức tiếng.

Ca-muong.jpg

Cá mương nướng - Ảnh: HOÀNG YẾN

Nằm ở Nam Trung bộ, đây là con sông dài 120km, bắt nguồn từ đỉnh La Hiên cao trên 1.000m tại khu vực giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, chảy chủ yếu trong địa phận tỉnh Phú Yên là huyện Đồng Xuân rồi đổ ra cửa biển Tiên Châu và đầm Ô Loan (Tuy An). Theo các bô lão tại Đồng Xuân, đây là dòng sông sâu, nước luôn chảy xiết, thường gây lũ lụt đôi bờ. Nhưng sau mùa lũ lụt, cá mương lại béo thơm khác thường…

Đây là loại cá lớn cỡ ngón tay, mình mẩy trắng bong. Từ một loại cá bình thường trên dòng Kỳ Lộ, lâu nay đã thành đặc sản, chắc chắn có lý do. Sử sách không ghi nhưng các bô lão dọc con sông này vẫn nghe kể rành rành: ngày xưa, cá mương đã có mặt trên các con thuyền ăn chơi trên sông cùng quan lại ở thành An Thổ, một thời là tỉnh lỵ Phú Yên. Trăng tỏ soi dòng Kỳ Lộ, quan lớn quan bé cởi bớt áo dài, lên thuyền cùng “em út”; những lò than hồng nưng nức cá mương, nhắm cùng rượu quý… “trăng thanh, mồi… độc” đã tạo ra những cuộc vui…

Bên bờ Kỳ Lộ bây giờ, có hai khu vực tập trung các quán đặc sản cá mương; ấy là cạnh bàu Long Thăng (La Hai, Đồng Xuân) và cầu Lò Gốm (An Thạch, Tuy An). Cá mương thịt mềm thơm ngọt, rất hợp để làm các món gỏi, nhúng dấm, luộc, chiên xù… Thế nhưng “bắt” nhất vẫn là món nướng lửa than. Trước khi xếp ra đĩa, đầu bếp khéo còn nhúng sơ qua tô dấm để xương cá thêm mềm, khi nhai không còn tí gì lợn cợn. Một rổ rau sống, cùng chén nước mắm nhỉ pha thêm chút me hoặc đậu phộng, thế là đã có bữa cá mương nướng thống khoái… miễn bàn! Ai thích thưởng thức vị cá chuyên biệt thì ăn luôn, ai muốn ăn lấy no thì cuốn cá nướng với bánh tráng nhúng…

Tôi quê ở Tuy An nhưng không mấy đồng ý khi ai đó nói: cá mương khu Lò Gốm ngon hơn khu Long Thăng, hay ngược lại. Con cá dân dã này đã gắn bó với bao đời người bên con sông này, tay nghề chế biến mỗi nơi đều chẳng mấy khác nhau, chỉ khác chăng vẻ đẹp mỗi nơi mỗi khác. Và tình người bên dòng Kỳ Lộ thì luôn ăm ắp đôi bờ:

Sông Kỳ Lộ vừa sâu vừa hẹp

Nước Kỳ lộ vừa mát vừa trong

Thuyền anh bơi ngược dòng sông

Tìm em cho thỏa tấm lòng nhớ thương…

HOÀNG YẾN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn