Cả đời mẹ tôi mặc yếm. Cái yếm trông ngồ ngộ thế nào ấy, nó chứa cả một kho tàng bí mật. Yếm mẹ mặc, mẹ tự may từ những rẻo vải tận dụng màu đen không đồng nhất, nhiều sắc thái. Miếng đen mun, miếng đen thui, miếng đen thùi lùi vải ta, miếng đen bóng vải mỹ a… Mỗi miếng vải đều có xuất xứ, tiểu sử và là một câu chuyện.
![]() |
Minh họa: MINH CHÂU
|
Yếm có hai lớp, lớp trong có ba cái túi, túi lớn ở chính giữa, lớp ngoài là mặt trước của yếm nên mẹ chọn những mảnh vải đẹp nhất để may. Mẹ may chăm chỉ không ngơi tay từ nửa buổi sáng đến chiều tối vẫn chưa xong lớp ngoài của cái yếm. Để hoàn thành một cái yếm đẹp vừa ý, mẹ bỏ ra rất nhiều tâm huyết và công sức.
Hình thù cái yếm khó tả lắm, ai hiểu sao cũng được! Nếu tính đường thẳng kẻ chỉ thì yếm là hình thang cân, đáy nhỏ ở trên, đáy lớn nằm dưới, nếu nhìn đường cong thì đáy nhỏ song song với đáy lớn lõm phía bên trên, gọi là cổ yếm. Yếm có hình đa giác đặc biệt, bốn góc đều nhọn, góc nó nhọn để dễ gắn bốn cái dây buộc. Cũng đúng thôi, yếm là một tác phẩm nghệ thuật điêu luyện, mỗi đường chỉ mũi kim là một sự sáng tạo. Cái yếm như bàn tay xòe, vòng cung nhỏ ở chỗ cổ tay, vòng cung lớn là năm ngón tay mở ra từ ngón tay cái đến ngón tay út thành hình bán nguyệt như cái quạt. Yếm đẹp nhờ sự kết hợp hài hòa, tinh túy giữa chất liệu, màu sắc với trình độ thẩm mỹ; giống như áo dài, yếm là biểu trưng của văn hóa trang phục Việt. Ở nông thôn Nam Trung bộ, bà mẹ nào cũng mặc yếm. Mẹ tôi nói: “Mặc yếm mát về mùa hè, ấm ngực vào mùa đông. Tháng mười âm lịch mưa phùn, gió bấc lạnh cắt da, cắt thịt, nếu không mặc yếm thì làm sao ra đồng cấy được. Đời người phụ nữ cơ cực lắm, trăm thứ nhọc nhằn, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Cái yếm là lò sưởi, là bức tường che chắn sự bình yên trước ngực họ”.
Làng tôi, một làng quê nghèo nằm sát chân núi, phần kéo dài của dãy Trường Sơn nối ra biển. Thời ấy mùa mưa ở nông thôn đói lắm, sáng cả nhà ăn rổ khoai, nồi mì hay cơm nguội gì đó cho qua bữa. Thôn dưới có nghề làm bún, bánh bèo gánh bán dạo, đổi lúa. Tuổi nhỏ bụng đói, miệng tôi lúc nào cũng thèm ăn, nhất là bánh bèo. Thứ bánh làm bằng gạo lúa Tám Thơm ngon đáo để, khi người bán thoa lên trên mặt bánh một lớp dầu phộng khử hành tím, nó thơm tho quyến rũ làm sao? Đứa trẻ nào cũng nhìn chằm chặp vào chén bánh. Bánh được cắt làm tám miếng đều đặn, rưới nước mắm ngon vào chưa ăn nước bọt đã chảy ra. Tay cầm cái siêu bằng tre cắm từng miếng bánh đưa vào miệng nhai ngấu nghiến, cảm giác beo béo, bùi bùi, ngòn ngọt, mằn mặn rất hợp khẩu vị của trẻ con. Chính vì vậy, khi nghe người rao bán “bánh bèo nóng đây” tôi chèo chẹo đòi mua bằng được. Thương con, mặc dù có lúc khó khăn, mẹ cũng mua bánh cho con ăn. Mẹ lấy từ túi yếm ra những đồng bạc ít ỏi trả tiền bánh. Có hôm, tay mẹ ngoay ngoay tìm mãi trong túi yếm mà số tiền có được không đủ trả, phải vào buồng xúc lúa đổi.
Lúc tôi năm - sáu tuổi, mỗi lần mẹ nằm nghỉ trưa trên chiếc võng treo trước nhà, tôi thường được nằm với mẹ, mặt tôi áp lên trên ngực, mùi thơm ngai ngái từ cái yếm của mẹ tỏa ra, tay tôi rón rén vén áo, vạch yếm bú trộm. Đó là những ký ức đẹp đẽ, êm đềm, hạnh phúc nhất đời tôi.
Đời mẹ nghèo giống Thạch Sanh, túi yếm mẹ cũng như chiếc niêu cơm, đầy rồi lại vơi, vơi rồi lại đầy, thật kỳ diệu.
Lúc còn trẻ mẹ làm muối, ruộng muối do Tây quản lý. Bọn chúng gian ác lắm - “Muối ta làm chúng bảo muối gian”. Diêm dân làm quần quật suốt ngày nhưng vẫn đói khổ. Túi yếm của mẹ mỗi hôm cất giấu được một ít muối đem về đổi gạo nuôi con. Rồi những lần Tây đen, Tây trắng thọc gậy ba toong vào ngực những người phụ nữ, nghi ngờ họ giấu muối trong đó. Vốn đã căm ghét giặc Pháp xâm lược, nay càng căm uất bọn cai Tây. Mẹ trở về quê ngoại sinh sống. Nơi đây không ruộng, không đất, cuộc đời của mẹ tiếp tục làm thuê, làm mướn kiếm miếng ăn. Quanh năm mẹ lăn lộn với núi rừng chặt củi, cắt tranh. Túi yếm của mẹ trở thành cái thúng đựng hoa quả trên rừng như ổi, sim, chà là… mùa nào thức ấy mang về cho con. Có hôm cắt tranh, mẹ bắt được ổ trứng gà rừng, túi yếm của mẹ nặng trĩu niềm vui.
Túi yếm của mẹ chỉ âm ấm trong buổi chợ phiên cuối năm vào ngày hai mươi tám tháng Chạp. Mẹ dẫn anh em chúng tôi đi sắm đồ tết. Mẹ mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới toanh, vải ta sọc xanh trắng và một con gà đất, mỏ của nó gắn một cái kèn bằng trúc để thổi, tiếng kêu phát ra nghe te te như gà trống choai mới tập gáy. Chúng tôi mỗi người cầm một khúc mía, chậm rãi vừa xiết, vừa nhai, mắt láo liên nhìn khắp chợ. Mía dịu ngọt thanh, mùa này nhiều nước. Bọn trẻ con xóm chợ xìa cái rổ vào xin bã mía về làm chất đốt; mặt anh em chúng tôi dớn dác nhìn bọn chúng rồi miễn cưỡng vứt bã mía vào rổ. Tan chợ ra về trông khuôn mặt mẹ thanh thoát, nhẹ nhỏm. Mẹ nhìn anh em chúng tôi bằng ánh mắt dịu dàng, âu yếm, hình như mẹ vui lòng lắm với phiên chợ tết hôm nay. Tay mẹ khệ nệ bưng cái rổ chưng to có nắp đậy, bao nhiêu là hàng hóa mẹ sắp xếp thứ tự, gọn gàng trong một cái rổ. Những bước chân của mẹ chậm rãi, chắc nịch. Vừa đi, mẹ vừa nhắc nhở anh em chúng tôi không được chạy nhảy, nô đùa. Buổi chợ cuối năm chi tiêu nhiều khoản chắc mẹ hết tiền, túi yếm của mẹ trống rỗng; cũng như bụng mẹ, từ mờ sáng đến giờ lo toan, tính toán, mua mua, bán bán đã kịp ăn cái gì đâu. Mẹ là vậy! Suốt đời ăn nhín nhịn thèm, dành miếng ngon, chỗ ấm cho chồng, cho con. Vừa về đến nhà, mẹ đã sà ngay vào bếp lo bữa trưa cho gia đình. Chúng tôi vội vàng mặc bộ đồ mới nhảy tưng tưng, bình bịch trên nền nhà, rồi quên ăn chạy khoe khắp xóm.
Ngày Mỹ ồ ạt đổ quân xâm lược khắp miền Nam năm 1966, dân làng tôi bỏ đi tứ xứ, tha phương cầu thực. Mẹ trụ lại cắt lúa, hái đỗ, đêm đêm cán bộ cách mạng về bắt liên lạc, nắm tình hình, kiếm cái ăn. Mẹ tiếp tế, lớp ăn, lớp mang theo xuống hầm bí mật. Túi yếm của mẹ trở thành nơi cất giấu thuốc tây, dầu gió cung cấp, phân phát cho bộ đội, du kích.
Những năm cả nhà làm thuê ở Buôn Ma Thuột kiếm được nhiều tiền, đó là tiền công làm mướn, cộng với tiền bán cà phê mót được sở Bà Tây, mẹ sắm cả lượng vàng. Đó là thời điểm túi yếm của mẹ “rủng rỉnh” tiền, có tiền kha khá mẹ chi tiêu cũng “hào phóng”. Mẹ xót xa, thương cảm, sẻ chia nỗi đau của những cảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh. Thỉnh thoảng, mẹ gửi tiền về quê giúp đỡ các cụ già, trẻ mồ côi, người neo đơn khốn khó không nơi nương tựa.
Xa quê, mồ mả ông bà không ai hương khói lạnh lẽo, mẹ đau lòng lắm. Gia đình tôi hồi hương trở về quê cũ sinh sống. Trong chiến tranh, nhiều biến cố đã xảy ra, tiền trong túi yếm của mẹ mỗi lúc một vơi dần. Tôi nhảy núi thoát ly gia đình tham gia cách mạng ở địa phương, rồi được đưa ra miền Bắc học tập năm 1971, mẹ vét sạch trong túi yếm những đồng bạc còn lại mua sắm tư trang và tặng tôi một chiếc nhẫn bằng vàng làm kỷ niệm, đó cũng là số vàng ít ỏi cuối cùng đời mẹ ky cóp được làm hành trang cho con bước vào đời. Những ngày đầu giải phóng, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai bão lụt triền miên, mùa màng thất bát, túi yếm của mẹ ít khi có tiền; nó như một ngân hàng bị phá sản. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi hăng hái nhập ngũ lên đường chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng. Mười năm đằng đẵng xa nhà, tôi không giúp được gì cho mẹ mà còn làm tăng thêm nỗi lo âu, muộn phiền của mẹ, lưng của mẹ đã còng lại còng thêm. Ngày đêm mẹ vẫn kiên trì ngồi bỏm bẻm nhai trầu bên ngạch cửa đợi con về. Túi yếm của mẹ đựng đầy thư từ tiền tuyến gửi về. Mẹ âu yếm nâng niu từng con chữ, mỗi lần đọc xong thư của con, mẹ cẩn thận cất vào túi yếm như một báu vật.
Tuổi càng cao túi yếm của mẹ càng vơi, nhưng những thứ cần thiết cho cuộc sống của con người mẹ vẫn âm thầm cất giữ. Thời khắc đáng ghi nhớ nhất ngày cha tôi lực tàn, sức kiệt, ông nhờ con cháu thỉnh thầy Ba Trưng đến nhà đọc kinh Phật. Kế đó, ông gọi con gái đầu lòng về nấu nồi nước lá xả, lá chanh tắm rửa cho ông. Cha mời mẹ lại gần tâm sự, ông nói:“Bà đã đồng cam, cộng khổ sống với tôi gần sáu mươi năm, những lúc trái gió trở trời tôi ốm đau, bệnh tật bà lo lắng chăm sóc tận tình, chu đáo. Chắc hẳn trong đời có lúc tôi đã làm những điều không nên không phải, chín bỏ làm mười mong bà thông cảm, bỏ qua. Hôm nay tôi xin lỗi và cảm ơn bà”. Hồi kinh sám hối thiết tha, cảm động sâu lắng hòa cùng tiếng chuông, tiếng mõ du dương trầm mặc ray rứt lòng người, cha tôi nhẹ nhàng siêu thoát. Mẹ lấy trong túi yếm ra chai dầu Song Thập, loại dầu gió mẹ vẫn thường dùng. Tay mẹ run run mở nắp, đổ dầu lên tay xoa khắp người cha, mùi thơm thoang thoảng đưa hương hồn ông về nơi an lạc.
Ngày mẹ tôi về cõi vĩnh hằng, trong túi yếm của mẹ vẫn còn tiền, đó là một đồng bạc cắc duy nhất, một quan tiền có niên hiệu thời Khải Định. Đồng tiền xu bằng kim loại quý, sáng bóng được mẹ giữ gìn cẩn thận trong túi yếm phía bên phải, thuận tay mỗi lần dùng đến nó. Đó là vật thiêng, mẹ sở hữu từ thời con gái đến giờ phút lâm chung, “đồng bạc thiệt” cạo gió cứu người.
Mẹ ra đi thanh thản, mắt mẹ hiền, miệng mẹ cười, nụ cười mãn nguyện. Con, cháu, chắt đứng vây quanh vĩnh biệt người. Chị tôi thay yếm mới cho mẹ. Cái yếm thời trang không có túi, thời buổi hội nhập, tiền không đựng trong túi yếm mà gửi ngân hàng.
PHẠM NGỌC DIỆP