Thơ và rượu

Thơ và rượu

Nói đến thơ là nói đến sự cao hứng và sáng tạo. Tuy nhiên, có một thứ lợi khí trợ hứng cho sáng tạo mà mọi nền văn hóa đều công nhận đó là rượu. Trong tâm thức của các thi nhân, thơ và rượu là cặp phạm trù song hành với nhau.

Nói đến thơ là nói đến sự cao hứng và sáng tạo. Tuy nhiên, có một thứ lợi khí trợ hứng cho sáng tạo mà mọi nền văn hóa đều công nhận đó là rượu. Trong tâm thức của các thi nhân, thơ và rượu là cặp phạm trù song hành với nhau.

ruou-va-tho.jpg

Thơ ca không chỉ khởi phát cảm hứng từ rượu, thơ ca còn lấy rượu làm đề tài. Thơ và rượu bàng bạc trong thơ ca của các thi nhân: Lý Bạch, Tản Đà, Vũ Hoàng Chương, Khayyam, Baudelaire, W Yeats, By­ron… Rượu với nội hàm vật chất ban đầu được nâng lên thành ly rượu tinh thần. Với Nguyễn Phan Anh, ly rượu và cơn say đã được nhìn dưới góc độ triết học: “Rượu là một trò chơi, say là một cách chơi, rượu để thể hiện một tiếng nói”. Chẳng thế mà Lưu Bang dùng ly rượu để thu nạp nhân tài Hàn Tín, Tào Tháo uống rượu cùng Lưu Bị mà đàm luận anh hùng. Trong thơ văn xưa, thơ-rượu là cặp bài trùng luôn song hành cùng thi sĩ. Uống rượu để ngâm thơ, luận đàm về thơ và làm thơ. Thơ lại là con đường thi sĩ đi đến với rượu: “Trời đất sinh ra rượu với thơ/ Không thơ, không rượu sống như thừa”.

Lý Bạch là một tửu đồ mang tính huyền thoại, là hình ảnh truyền kỳ minh chứng cho hình ảnh thơ túi rượu vò. Người ta gọi Lý Bạch là “Tửu trung tiên”. Trong cuộc đời thoáng chốc, ông đã kịp gửi lại cho nhân gian bao nụ cười sảng khoái về rượu và thơ. Cao hứng trong đấu rượu nồng, ông buộc giai nhân lá ngọc cành vàng Dương Quý Phi phải nâng nghiên mực để mình xuất thần, lưu lại cho đời khúc “Thanh bình điệu”.

Không phải ngẫu nhiên trong những bài thơ Đỗ Phủ viết tặng ông, đều nhắc đến thơ và rượu: “Lý Bạch nhất đấu thi bách thiên/ Mẫn tiệp thi thiên thủ/ Phiêu linh nhất tửu bôi” (Bất kiến). Men rượu cay thấm dần khiến đôi mắt thi sĩ như càng nhìn thấu suốt vạn sự và hạ bút trong trạng thái bừng ngộ xuất thần. Trong men nồng ngây ngất, thi nhân thấy vạn vật trong những liên tưởng bất ngờ mà hùng vĩ: “Anh không thấy nước trời rơi mãi/ Thành mênh mông một dải Hoàng Hà/ Chảy mau về với biển xa/ Có trôi trở lại cùng ta bao giờ” (Tương tiến tửu). Hình ảnh dòng rượu đang tuôn chảy đã được nhà thơ nhìn như một Hoàng Hà cuộn sóng.

Thơ và rượu đã làm nên thi tiên Lý Bạch. Những lời đó, ta cũng có thể dành cho Tản Đà. Ngô Tất Tố cho rằng: “Nếu không có rượu thì Tản Đà sẽ không còn là Tản Đà”. Nguyễn Tuân ngông nghênh, kiêu bạc cũng phải xưng tụng Tản Đà là “ẩm giả kỳ danh”. Cuộc đời Tản Đà còn để lại nhiều giai thoại về những cuộc rượu trang nhã, những phút xuất thần, cao hứng ngâm thơ… Giai thoại về thơ và rượu của ông được truyền tụng trong dân gian, được viết thành sách đã trở thành lời minh chứng xác thực cho mối quan hệ rượu thơ của người thi sĩ. “Rượu say, thơ lại khơi nguồn/ Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng tình/ Rượu thơ mình lại với mình/ Khi say quên cả cái hình phù du/ Trăm năm thơ túi rượu vò/ Nghìn năm thi sĩ tửu đồ là ai?” (Thơ rượu). Người đời nay khóc người đời xưa thật không hiếm, Trần Huyền Trân lại khóc Tản Đà bằng chung rượu: Cụ hâm rượu nữa đi thôi/ Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu/ Rồi lên ta uống với nhau/ Rót đau lòng ấy vào đau lòng này (Uống rượu với Tản Đà). Đó là chung rượu vong niên của hai nhà thơ ở hai đầu một thi phẩm. Hoài Thanh thật tinh tế khi đã “cung chiêu anh hồn” Tản Đà để mở đầu và khép lại với Trần Huyền Trân trong Thi nhân Việt Nam để cho họ ngồi cùng một chiếu rượu.

Hình ảnh rượu tuôn như một dòng sông, để ta đi cùng và mãi uống một đời đều thấp thoáng trong tâm tư nhiều thi nhân từ cổ điển đến hiện đại. Đào Tấn không phải nhà sư nhưng có một thi sĩ - thiền nhân trong con người Đào Tấn.

HỌC VĂN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn