Chiếc áo cũ

Chiếc áo cũ

Hồi đó, nhà mình nghèo lắm, trống hoác trống huơ. Cha mẹ vất vả làm thuê cấy mướn mà chẳng thể nào nuôi nổi mấy miệng ăn.

Hồi đó, nhà mình nghèo lắm, trống hoác trống huơ. Cha mẹ vất vả làm thuê cấy mướn mà chẳng thể nào nuôi nổi mấy miệng ăn.

Tinh-me110703.gif

Mình là con gái lớn, muốn phụ mẹ mà chẳng có việc gì để làm. Mang tiếng nhà nông mà nhà mình chẳng có tấc đất nào để cuốc, để cày. Ngoài chuyện bếp núc, mâm bát đũa sạch sẽ thì cái nền nhà là chuyện đáng lo nhất hồi đó với mình. Nó già nua cũ kỹ mà cha chẳng có thì giờ sửa sang. Chỗ thì còn  xi măng, chỗ thì nền đất lồi lõm, đủ thứ kiểu ổ gà ổ voi, quét dọn cho sạch sẽ nó cũng bở hơi tai. Đã thế, hở cơ là lũ gà tranh nhau vào bươi móc, chắc có hạt cơm nào rơi vãi ở đó mà mình không biết. Nền nhà là nơi duy nhất để cho bọn mình chơi đùa, tuổi thơ của mình quẩn quanh ở đó. Ở đó, mình có một thiên đường trò chơi giấu dưới gầm giường mẹ. Một lon sỏi mình chọn thật kỹ, thật tròn trịa để chơi ô ăn quan. Một trái banh tenis cũ và bó đũa tre cha vót cho mình đã nhẵn thín màu thời gian để chơi banh nẻ. Một con búp bê nhựa tay chân tháo ráp được đã bị lũ chuột gặm lém nhém cùng bộ đồ mẹ may cho nó khi rảnh rỗi vẫn còn rất mới. Một chiếc gối mình làm cho nó từ chiếc dép xốp lượm bên đường. Một đoạn dây xơ dừa được cuộn lại cẩn thận chờ bạn tới rủ rê thì đem ra nhảy mà cũng chỉ nhảy trên cái nền nhà lồi lõm ấy. Mỗi lần như thế đất cát bay tung toé, lại dọn, lại quét.

Bữa cơm chiều ở vùng quê này quen dọn trên nền nhà, trên chiếc chiếu trải phía trong ngạch cửa ra vào, nơi còn nhiều ánh sáng nhất. Chiều ở quê thật êm ả, thanh bình. Có ánh trăng thì người ta tranh thủ đan lát hay làm cho xong công việc dở dang nào đó và bữa cơm chiều thành bữa cơm tối hồi nào không hay. Thời gian ấy rảnh rỗi, mình cõng em sang nhà hàng xóm xem bọn trẻ chơi trò bắc kim thang chà lang bí rợ… đến khi mẹ gọi ba hồi, bảy lượt cũng chưa muốn về.

Tuổi thơ cứ thế êm đềm trôi.

Rồi mình vào lớp mười.

Mẹ may cho mình chiếc áo mới, vất vả hàng tuần mới xong. Đó là chiếc áo duy nhất cho tới bây giờ mình còn giữ được. Chiếc áo mẹ may bằng tay đã bạc màu năm tháng nhưng vẫn còn nguyên vẹn, chắc có lẽ tại mình không có em gái. Bây giờ mỗi lần giỗ mẹ, mình thường đem chiếc áo ấy ra ngắm nghía, vuốt ve, như đang được cầm tay mẹ nâng niu. Hơi ấm của mẹ vẫn còn đó, gian lao vất vả của gia đình mình ngày xưa vẫn còn đó, mẹ ơi…

Bây giờ, bọn trẻ không thèm ngó ngàng đến những trò chơi ngày xưa của tụi mình nữa, chúng đã có những trò chơi rất hiện đại. Còn chăng là ở một vài vùng quê xa xôi hẻo lánh, đời sống dân cư nơi đó còn nghèo. Chắc chắn ở đó còn những đứa trẻ chân đất đầu trần, say sưa trên vuông sân làng với những trò chơi “cổ lỗ” như mình ngày xưa…

Hàng cây phượng vĩ đã bắt đầu hết thắm. Tiếng ve già nua cũng dần thưa thớt, mình chuẩn bị sắm sửa quần áo mới cho con vào lớp, đến trường. Bọn trẻ bây giờ hạnh phúc thật, chỉ cần đi shoping một loáng là có đủ thứ cần mua. Chẳng bù ngày xưa, muốn cho con chiếc áo mới mẹ mình đã phải vất vả biết nhường nào! Không biết ngày sau, con mình có thương mình bằng mình thương mẹ mình không nhỉ? Nhìn con mặc áo mới mà mình khóc vì thương mẹ. Thương mẹ trọn đời lo cho chồng, cho con mà chẳng hề nghĩ đến thân mình. Trước lúc đi xa, mẹ vẫn chỉ tấm áo nâu phai màu năm tháng, tấm áo gói cả cuộc đời mẹ. Mẹ ơi..!

LÝ THỊ MINH CHÂU

Từ khóa:

Ý kiến của bạn