Bông huệ trắng - Truyện ngắn của PHAN THẾ HỮU TOÀN

Bông huệ trắng - Truyện ngắn của PHAN THẾ HỮU TOÀN

Ba lần đại úy Thạnh đưa súng lên, nhưng cả ba lần anh đều dừng lại trước cú siết cò. Cán bộ chiến sĩ đội cảnh sát điều tra hình sự công an thành phố đều thừa biết anh không chỉ là một trinh sát năng động, có bản lĩnh thép, từng đối mặt với những tay anh chị cộm cán trong giới giang hồ, mà còn là một xạ thủ súng ngắn quân dụng từng đoạt nhiều giải thi đấu trong tỉnh và toàn quốc.

Ba lần đại úy Thạnh đưa súng lên, nhưng cả ba lần anh đều dừng lại trước cú siết cò. Cán bộ chiến sĩ đội cảnh sát điều tra hình sự công an thành phố đều thừa biết anh không chỉ là một trinh sát năng động, có bản lĩnh thép, từng đối mặt với những tay anh chị cộm cán trong giới giang hồ, mà còn là một xạ thủ súng ngắn quân dụng từng đoạt nhiều giải thi đấu trong tỉnh và toàn quốc. Trước tầm ngắm của anh lúc đó là Hải “râu”, một tội phạm nguy hiểm. Trong hồ sơ trinh sát, bản lý lịch hai trang của hắn có nhiều vết đen. Gần đây nhất, hắn cầm mã tấu thanh toán ân oán giang hồ với một đàn anh có số má trong băng nhóm khác, gây thương tật sáu mươi hai phần trăm. Để Hải “râu” thoát khỏi con hẻm nhỏ lúc mờ sáng, đại úy Thạnh vò đầu bứt tai, tự trách móc mình đã đành, đằng này còn bị một số đồng đội phê phán gay gắt, lãnh đạo cơ quan yêu cầu tường trình, kiểm điểm làm rõ nguyên nhân sai sót, vì có người tung tin rằng Thạnh bỏ sổng Hải “râu” vì thời còn học phổ thông trung học, họ từng là hai người bạn thân thiết với nhau.

ht100919.jpg

Minh họa: NGỌC LÊ

Đã là mệnh lệnh của tổ chức thì phải chấp hành. Đức tính trung thực có thừa, nhưng không hiểu sao trong bản tường trình, kiểm điểm của mình, đại úy Thạnh lại chấp nhận sai sót do năng lực yếu kém. Chỉ mình Thạnh mới biết có hai lý do anh không nổ súng. Thứ nhất, vào thời điểm đó trong con hẻm nhỏ ở phố Lê Lợi không chỉ có người đi tập thể dục sớm, mà còn có vài phụ nữ tất bật gánh hàng ra chợ. Dù là tay súng cừ khôi, nhưng biết đâu một chút sơ sẩy sẽ khiến cho viên đạn vượt ra ngoài tầm ngắm? Thứ hai, theo các chứng cứ tài liệu thu thập được trong hồ sơ trinh sát, ngoài hành vi cố ý gây thương tích, Hải “râu” còn là nghi can một vụ giết người xảy ra cách đây hơn nửa năm. Bắt được hắn thì sẽ đấu tranh mở rộng để làm rõ cái chết của thiếu phụ xấu số. Nếu như cú siết cò khiến cho Hải “râu” chết, hồ sơ cả hai vụ án đương nhiên phải xếp lại, trong khi nhiều trinh sát hình sự, điều tra viên có tâm huyết với nghề cứ day dứt mãi khi nghĩ tới nạn nhân và gia đình người bị hại.

Hơn chục năm theo nghề trinh sát đầy khó khăn thử thách, đại úy Thạnh đã đối mặt nhiều tình huống nguy hiểm. Nhiều đám côn đồ coi chuyện vào tù ra tội như cơm bữa. Vài năm gần đây, tội phạm hình sự băng, ổ, nhóm ở một số tỉnh, thành phố manh động tới mức sử dụng “hàng nóng” như súng ngắn quân dụng, súng bắn đạn hoa cải để thanh toán lẫn nhau và chống trả công an khi bị truy đuổi, vây bắt. Theo nghề trinh sát hình sự thì phải chấp nhận hiểm nguy, vất vả; có đôi lần đại úy Thạnh đã thất bại vì những lý do khách quan, nhưng chuyện để sổng tên tội phạm có lệnh truy nã như Hải “râu” khiến cho anh đau đầu.

Không màng tới bữa cơm chiều có món canh cua rau đay với đĩa cà pháo chấm mắm tôm do chính tay người mẹ chế biến, Thạnh đi tản bộ ra phía bờ sông uốn lượn dưới chân núi Nhạn. Trước, dân cư lấn sát bờ sông. Còn bây giờ, con đường Bạch Đằng mở ra thênh thang lộng gió, quán xá lớn nhỏ tranh thủ chen chúc cứ như sợ người khác lấn sân. Vượt ra khỏi không gian chen chúc và sự nhộn nhạo, Thạnh dừng chân ở một cung đường tương đối yên tĩnh. Bờ ta luy đá chẻ mới xây dựng vài năm nay đã xóa mất lối mòn dẫn xuống mép nước sông ngày nào, nhưng nhìn sang phía bên kia làng Ngọc Lãng, Thạnh nhận ra nơi trước kia mình cùng đám bạn trong lớp thường ngồi câu cá những buổi chiều hè, rồi theo con đò nhỏ của lão Tám Thạch qua sông, hì hục lật những cục đất khô cứng trải theo luống cày trên thửa ruộng ngô để bắt dế. Có lần Thạnh chới với sau cú trượt chân ngã nhào xuống dòng sông, nhưng Hải đã kịp hô hoán cho người lớn lao ra cứu vớt. Tính ra Thạnh là người bạn học gắn kết với Hải từ lớp một đến lớp mười, anh thừa biết Hải lì lợm, nghịch tính, thậm chí lắm lúc còn liều lĩnh.

 Bỏ dở con đường học vấn từ cuối năm lớp mười, sau khi người cha mất đột ngột do tai nạn giao thông, Hải ra bến xe hành nghề bốc vác hàng hóa. Chút mặc cảm khiến cho Hải chủ động né tránh bạn học cũ. Nắng gió bụi đời và vết thời gian bôi màu đen nhẻm trên da thịt Hải, khiến cho gương mặt hắn thêm nét lì lợm. Vẻ lì lợm đó được bồi đắp thêm sắc khí bởi hàm râu quai nón kéo dài từ hai thái dương, kết nối nhau ở chiếc cằm vuông ẩn chứa sự bướng bỉnh. Hàm râu đó ghép thêm ngữ nghĩa đằng sau cái tên cúng cơm, rồi chuyển hóa thành biệt danh Hải “râu”. Ân oán chan đầy bát cơm kiếm được sau những cuộc chạm trán, tranh giành lãnh địa làm ăn với một vài đại bợm khác đã biến Hải “râu” dần dà trở thành tay anh chị thứ thiệt. Để chống chọi lại những cuộc chơi tay đôi với một vài đối thủ đáng gờm, Hải “râu” mon men tới lò võ này, gõ cửa nhà võ sư kia, cộng thêm sức khỏe và năng khiếu ứng biến nhanh nhạy nên hắn rất giỏi quyền thuật. Có lần tình cờ trong quán cà phê sáng, Hải “râu” nổi cáu với một võ sĩ lành nghề từ xứ Quảng vào thượng đài cấp khu vực. Không kiềm chế cơn bực tức khi nghe tay võ sĩ nọ to còi bốc phét, Hải “râu” bước sang vỗ vai thách đấu. Khi nắm đấm của đối thủ chưa chạm điểm đến, thì Hải “râu” đã kịp né tránh bằng động tác nghiêng người điệu nghệ. Rồi một cái chớp mắt cũng đủ thời gian để cú đá phản đòn hiểm hóc cắm vào lồng ngực võ sĩ có vóc dáng vạm vỡ, khiến hắn đổ sụp xuống nền nhà. Lập tức những lời đồn thổi trong giới giang hồ đã đẩy tên tuổi Hải “râu” lên tận mây xanh. Không chỉ đám bốc vác ở bến xe mà nhiều tay anh chị có cỡ từ xóm Ga, xóm Chiếu đến xóm Đường, xóm Sủng, cầu Ông Chừ… đều nhìn Hải “râu” bằng ánh mắt e ngại. Gặp kẻ ngạo mạn như tay võ sĩ xứ Quảng hay bọn lưu manh, côn đồ, Hải “râu” xử sự theo kiểu anh chị, nhưng khi về nơi cư trú hắn tỏ vẻ hiền lành, tử tế. Tử tế đến mức gặp ai Hải “râu” cũng chào hỏi thân thiện, nghe ai ốm hắn cũng lỉnh kỉnh cam, sữa đến thăm, gặp người hiền lành bị kẻ khác bắt nạt, kiểu gì Hải “râu” cũng ra tay nghĩa hiệp. Cái sự hiền lành, tử tế và chu đáo gói gọn trong một không gian nhỏ hẹp cấp xóm đã tạo cho Hải “râu” một vỏ bọc nhung. Có lần cảnh sát hình sự thành phố, cảnh sát khu vực vô xóm dò hỏi Hải “râu” đều nhận được lời khen từ người già cho tới con trẻ. Vậy mà bữa nọ chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, cái nanh cọp hắn thường đeo lủng lẳng trên cổ lại rơi cạnh tử thi một thiếu phụ bị sát hại trước khi kẻ giết người cướp đoạt sợi dây bạch kim trị giá sáu trăm đô la Mỹ. Hải “râu” ở trong tầm ngắm của cảnh sát hình sự.

Trong lúc trinh sát còn truy bám để làm rõ những dấu hiệu nghi vấn, thì một tay đàn anh vừa mới ra tù mò tới bến xe chặn đàn em Hải “râu” đánh dằn mặt, mưu toan tranh giành lãnh địa. Khi Hải “râu” xuất hiện, đối thủ vỗ ngực xưng danh anh chị, lớn tiếng văng tục, chửi thề, rồi rút mã tấu ra chém túi bụi. Cũng chỉ một cái chớp mắt thôi, Hải “râu” tung ra thế võ cận chiến, tước lấy hung khí. “Gậy ông đập lưng ông”, sau cú xuất chiêu thứ hai của Hải “râu”, cái lưỡi mã tấu vừa tước được đã liếm ngọt hai vết trên đầu và cổ chủ nhân của nó. Từ bữa đó Hải “râu” lẩn trốn biệt dạng vì thừa biết đằng nào cũng bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam.

Đang miên man trong những kỷ niệm thời học sinh với Hải “râu” thì chiếc điện thoại rung lên. Chợt nhớ đã quá giờ hẹn đưa Diệu Thủy đi siêu thị mua sắm, Thạnh vội về nhà, dắt xe máy ra ngõ. Vèo một cái anh đã dừng xe trước căn nhà cấp bốn có giàn hoa thiên lý ở xóm Sen. Chiều tháng hai, hoa bưởi trong vườn tỏa hương thơm nồng, dịu ngọt. Diệu Thủy bước ra trong bộ váy màu hồng nhạt thật dễ thương. Thay vì gieo vào ánh mắt của Thạnh một nụ cười tình tứ như những lần trước, cô giáo Ngữ văn truy vấn, trách móc:

- Anh làm gì mà trễ hẹn hơn một tiếng?

- Người yêu của em làm cảnh sát hình sự chứ còn làm gì nữa - Thạnh trêu đùa.

- Ừa, vậy thì anh về mà làm cảnh sát hình sự đi.

Dứt lời, Diệu Thủy giận dỗi quay lưng bước vô khoảng sân ngập tràn hương hoa bưởi. Thạnh vội vã bước theo, xoa dịu:

- Anh đùa chút xíu thôi mà.

- Mấy lần trước nếu có công việc đột xuất anh đều điện thoại cho em biết. Lần này anh bận mơ tưởng đến cô gái nào mà chờ em điện thoại mới tới?  

- Thôi đi mà. Có cô gái nào “dễ ghét” như em đâu mà mơ tưởng! Vừa nói, Thạnh vừa nắm tay người yêu đi ra ngõ…

Vừa tới điểm gửi xe ở siêu thị thì điện thoại lại rung. Trung tá Huy, đội trưởng đội cảnh sát hình sự thành phố gọi Thạnh đến cơ quan gấp để phối hợp với các trinh sát trong ca trực truy nóng thủ phạm vừa gây ra một vụ cướp tài sản. Nhìn Thạnh dắt xe máy ra cổng siêu thị với vẻ mặt hụt hẫng, đoán biết anh phải ngượng ngùng nói lời xin lỗi như vài lần trước, Diệu Thủy chủ động chia sẻ:

- Em hiểu rồi. Công việc gấp, anh cứ đến cơ quan đi, em a lô cho cô bạn dạy cùng trường tới đón về cũng được.

Chỉ chờ có thế, Thạnh tăng tốc xe máy tới trụ sở công an thành phố, không kịp động viên người yêu một câu. Còn Diệu Thủy đứng bên góc phố nhìn theo bóng dáng người yêu, lòng thầm mong sẽ không có điều gì bất trắc xảy ra trong những cuộc chạm trán với tội phạm.

Trắng đêm truy nóng theo những thông tin người bị hại cung cấp, đến lúc ánh ngày thức dậy, đại úy Thạnh cùng bốn trinh sát đã xác định hành tung thủ phạm gây ra vụ cướp. Một trong hai đối tượng bị bắt là đàn em của Hải “râu”. Không bỏ lỡ cơ hội, Thạnh tranh thủ đấu tranh mở rộng hành vi phạm tội của kẻ cướp, đồng thời khai thác các mối quan hệ bạn bè, người thân của Hải “râu”. Hai ngày sau, đại úy Thạnh lên đường vào Vĩnh Long, rồi ngược lên Tây Ninh, Bình Phước, nhưng không tìm thấy bóng dáng Hải “râu” ở những địa chỉ thân quen với hắn.

Bó mình trên chuyến xe khách ngột ngạt suốt đêm, Thạnh trở về tới đơn vị trong trạng thái mệt mỏi. Định bụng tranh thủ kiếm một giấc ngủ ngon lành để bù lại mấy ngày đêm vất vả đường dài, bất ngờ cơ sở báo tin bà Hai Ngân, mẹ ruột Hải “râu” mắc bệnh hiểm nghèo, nên bán nhà vô Sài Gòn ở với vợ chồng người con trai cả để có điều kiện lui tới bệnh viện điều trị dài ngày. Thực ra hai lần trước đại úy Thạnh đã tiếp cận địa chỉ này nhưng không phát hiện dấu tích Hải “râu”. Lần này nếu nguồn tin cơ sở chính xác, thì đó là cơ hội tốt nhất. Dù là tay anh chị có máu côn đồ, nhưng Hải “râu” luôn nặng lòng yêu thương, kính trọng mẹ. Thạnh hiểu rõ tâm lý tình cảm của đối tượng, vì thời còn đi học Hải “râu” đã kể cho Thạnh nghe nhiều câu chuyện cảm động về bà hai Ngân. Ví như chuyện phải ăn khoai hai ngày liền để nhường cơm cho ba đứa con. Có lần vào mùa mưa lũ, ông trời giận dữ trút nước tầm tã suốt mấy ngày, bà Hai tìm đâu ra mớ tép đồng còn búng tí tách. Bà vội đong lon gạo, lội bì bõm trong nước lụt tới nhà người em bạn dì, hì hục đẩy chiếc cối đá xoay tròn đến chóng mặt, lấy nước bột đúc bánh xèo. Cái bánh nào có nhiều tép, mới vớt từ khuôn đúc ra còn nóng hôi hổi, giòn, thơm tận phổi, bà Hai Ngân ép Hải và Thạnh ăn cho bằng được. Nhìn Hải và Thạnh ăn bánh ngon lành, bà ngồi bên bếp lửa chiều đông nhoẻn miệng cười, một nụ cười hạnh phúc. Thạnh là người dưng nước lã mà còn nhớ mãi hình ảnh đó, thì Hải “râu” là núm ruột rứt ra thì làm sao quên được.

Thoát khỏi cơn buồn ngủ, đại úy Thạnh tranh thủ xác minh nguồn tin cơ sở rồi báo cáo, đề xuất lãnh đạo cơ quan cho phép anh lên đường vào Sài Gòn lùng tìm đối tượng anh đã để sổng. Đến thành phố phương Nam lúc trời vừa hửng sáng, đại úy Thạnh gọi xe ôm len lỏi vô con hẻm nhỏ dẫn vào nhà người anh cả của Hải “râu”. Căn nhà ọp ẹp bên bờ sông nằm trong diện sắp giải tỏa, lúc nào cũng ngập tràn mùi bùn rác. Thông thường, đại úy Thạnh phải tạt qua công an quận, rồi xuống công an phường để tranh thủ sự phối hợp hỗ trợ của các đồng sự. Chẳng hiểu sao linh tính báo trước có một điều gì đó lạ lắm, nên lần này Thạnh chủ động cải trang, đi bộ xuống tận nơi cần đến. Thạnh không tin vào tai, mắt mình nữa khi nghe thấy tiếng trống đám ma và màu cờ tang lất phất trước cửa ngõ nhà người anh cả Hải “râu”. Sự hồi hộp dồn hết vào những nhịp tim đập hối hả trong lồng ngực của một trinh sát nổi tiếng có bản lĩnh thép. Ý nghĩ vây bắt cho bằng được Hải “râu” để giải tỏa những nỗi nghi ngờ của đồng đội đã vơi dần trong tâm trí đại úy Thạnh, nhường chỗ cho câu hỏi lẽ nào bà Hai Ngân ra đi nhanh đến vậy? Anh cẩn trọng dò hỏi người hàng xóm, rồi bước những bước chân lặng lẽ đến bên vách ván kề cửa sổ trông ra mé sông Sài Gòn. Không thể nào nhầm được khi anh nghe rất rõ tiếng Hải “râu” thì thào với người anh trai :

- Má là người nặng lòng với quê hương, ông bà tổ tiên họ nhà ngoại. Bây giờ chưa có điều kiện đưa má về quê, nhưng vài năm nữa anh em mình cũng phải lo trọn vẹn chuyện này để má thanh thản mỉm cười nơi chín suối.

- Bây giờ mình phải lo hỏa táng má ở đây, rồi sau này sẽ tính - Anh trai của Hải đáp.

Tiếng khóc sụt sùi của cô con dâu cả cùng hai đứa cháu nội và mùi hương phảng phất trong gió sớm ven sông khiến cho đại úy Thạnh chạnh lòng.

Bà Hai Ngân mất thật rồi, nhưng cái bánh xèo bà đúc trong buổi chiều đông năm xưa, có màu vàng rượm vẫn còn thơm miết trong tâm trí của Thạnh tới bây giờ. Mùi thơm bánh xèo và mùi hương thắp cho người vừa đặt chân sang thế giới bên kia trộn lẫn vào nhau, kết lại thành một ý nghĩ mới trong đầu của Thạnh. Hoàn toàn không phải ý nghĩ vây bắt Hải “râu” trong lúc này.

Thạnh bước nhanh ra khỏi con hẻm. Ý nghĩ vừa kết lại đã dẫn dắt anh chạy về phía chợ hối hả hơn. Anh dừng chân trước sạp hoa tươi, lặng lẽ chọn một bó huệ trắng tinh khiết nở đều và thật đẹp. Ôm bó hoa, Thạnh trở về ngôi nhà có tiếng trống đám ma và cờ tang lất phất. Anh bước vào phía bàn thờ nghi ngút khói hương có di ảnh người phụ nữ với gương mặt hiền lành nhưng khắc khổ, vốn rất quen thuộc với mình từ thời học trò. Cạnh bàn thờ là một thanh niên mặc đồ tang đang lúi húi xếp lại những bó hương đầy ắp ở góc bàn. Không cần nhìn tận mặt Thạnh cũng thừa biết đó là Hải “râu”. Và khi anh vừa đặt bó hoa huệ trắng lên bàn thờ bà Ngân, cũng là lúc Hải “râu” vừa xoay người lại.

Ngạc nhiên trước sự xuất hiện đầy bất ngờ của đại úy Thạnh, gương mặt Hải “râu” hiện rõ vẻ lúng túng trong vài giây, rồi chững lại. Hắn không vùng chạy thục mạng như lần trước mà lại lặng lẽ đưa hai tay về phía Thạnh. Nhưng cuộc đối mặt lần này giữa một trinh sát hình sự và đối tượng có lệnh truy nã không giống như nhiều cuộc đối mặt khác. Thay vì rút chiếc còng số 8 trong túi quần ra, đánh phập một cái vào cổ tay tên tội phạm đã lẩn trốn nhiều tháng trời, đại úy Thạnh lặng lẽ thắp nén hương bày tỏ lòng thành kính người đã khuất, rồi xoay sang nói với Hải “râu”:

- Ông phải ở nhà lo cho bác trọn vẹn ba bữa rồi tính. Tôi tin ông không thể nào lẩn trốn mãi được. Chân trời tương lai phía trước vẫn còn rộng mở dành cho những người biết hoàn lương, hướng thiện.

Rồi Thạnh lặng lẽ bước đi. Lòng thanh thản, tự tin lần này sẽ không ai trách móc anh bỏ sổng tội phạm một cách dễ dàng đến vậy.

Chiều hôm sau. Trong lúc đại úy Thạnh đang ngồi đọc lại hồ sơ trinh sát liên quan đến một nhóm côn đồ từ phía Bắc mới dạt vào, thì trực ban hình sự điện thoại báo tin Hải “râu” vừa đến đầu thú. Thạnh bước ra ban công tầng hai trụ sở công an thành phố để tận hưởng niềm hạnh phúc từ những làn gió nhẹ thoảng đưa hương hoa bưởi phía khu vườn bên trong ngôi nhà cấp bốn có giàn hoa thiên lý ở xóm Sen.

Từ khóa:

Ý kiến của bạn