Giờ thì ít ai còn trồng khoai hạ. Nhưng xưa, cũng đã có thời khoai hạ lên ngôi. Nói chính xác là bột khoai hạ lên ngôi; bởi người dân quê ít khi nấu trực tiếp khoai hạ để ăn, đơn giản vì giống khoai ấy nấu lâu chín (tốn củi lắm!), lại nhiều xơ (ăn xót ruột!).
![]() |
Ảnh: KIM LONG
|
Nấu nướng khó khăn mà ăn lại chẳng ngon lành mấy! Thế nhưng khi đem mài củ ra lấy bột thì khác. Thứ bột ấy có màu trắng mịn trông thật bắt mắt, chất lượng thì thơm-mát-lành-bổ, dùng tốt cho cả người khỏe lẫn người già, người ốm. Thế nên, trong các mâm lễ vật sêu, tết hay cưới xin, dạm hỏi…, món bột được vinh dự “lên mâm” thường là bột khoai hạ. Không biết mà đem thay bằng một loại bột nào khác là dễ có nguy cơ… mất vợ như chơi!
Hồi nhỏ bụng dạ tôi “xấu” lắm, ăn bất cứ món gì hơi bất ổn một chút là bị “Tào Tháo rượt”. Thậm chí đến các loại khoai lang, khoai sắn tôi vẫn dè chừng, không dám ăn nhiều. Ấy vậy mà sang đến món khoai hạ thì có thể ăn “tới nơi tới chốn” mà không lo cái bụng “làm reo”. Thế nên (ai chê thì mược!), gánh khoai về, tôi nài nỉ mẹ nấu một nồi to. Khoai chín vớt ra rổ (để cho ráo nước, lâu thiu). Đợi nguội xong, mình tôi cứ tì tì chén, có hôm no bụng bỏ cả cơm. Hết no lại tiếp tục… ăn, không mau ngán như các loại khoai củ khác.
Khoai hạ có tên chữ là củ huỳnh tinh (hay hoàng tinh). Vậy nên món bột khoai hạ cũng gọi: bột huỳnh tinh. Nhưng phương ngữ miền Trung cứ quen gọi khoai hạ; có lẽ do giống khoai ấy cả lúc trồng lẫn khi thu hoạch đều nhằm mùa hạ, cho dù vòng đời của cây khoai hạ kéo dài đến suýt… giáp năm! Khoai hạ trồng bằng củ, thực chất là thân thật của cây. Lựa trong số khoai thu hoạch mùa trước những củ nhỏ (để đỡ phí), đầu tròn (tức củ đã già, đầu nhọn là còn non). Thân củ khoai hạ nếu lột bỏ lớp vỏ “áo” sẽ thấy có nhiều mắt (giống như hom sắn). Mỗi mắt đều có khả năng mọc mầm. Thế nên, nếu không đủ củ nhỏ buộc phải dùng củ lớn làm giống, người ta chặt một củ lớn ra làm đôi, làm ba để… tiết kiệm. Cách trồng khoai hạ cũng giống như trồng sắn; phải cày bừa cho tơi đất, dọn sạch cỏ, kéo hàng (luống). Sau đó bưng khoai giống đi theo hàng mà tay thả, chân dậm cho củ khoai vùi lấp đất. Mật độ trồng khoai hạ dày hơn trồng sắn, bởi cây khoai nhỏ, ít choán đất. Xuống giống vào tháng 4 (âm lịch) năm này thì đến tháng 2 (âm lịch) sang năm mới thu hoạch được. Thời gian sinh trưởng quá dài là một nhược điểm, nhưng ưu điểm của cây khoai hạ là chịu được điều kiện sống khắc nghiệt (khô hạn, cằn cỗi); thế nên chỉ những chân đất bạc màu, thiếu nước mới được dành trồng khoai hạ.
Viết đến đây, mới sực nhớ: lâu rồi (chắc không dưới mười năm!), tôi chưa nếm lại cái vị bột thuở nhỏ vẫn thường ăn. Một củ khoai hạ cháy sém đáy nồi thơm thơm, dẻo quẹo chân răng lại càng không!!! Giờ bột mì lên ngôi; các loại bánh trái truyền thống chế biến bằng bột khoai hạ ngày càng thưa. Cả nghĩ thì đôi khi lại thấy buồn buồn…
Y NGUYÊN