Năm ấy mưa nhiều. Đã qua hai ba tháng mười từ lâu nhưng trời vẫn mưa. Phía đồng bưng nước ngập trắng và cánh rừng Lá sấm chớp vẫn ì ầm. Các cụ già bảo thời tiết lạ, cánh thanh niên nói khéo mất ăn tết.
![]() |
Minh họa HƯNG DŨNG
|
Mọi sinh hoạt gần như ngừng hẳn vì nước ở mỗi mái tranh nhỏ giọt đều đều cho sân vườn, ngõ lối lẹp nhẹp những nước. Đêm cuối đợt mưa, chớp vạch nhì nhằng rồi nước như trút, tiếng động rền rền từ phía núi vòng vọng xuống tận làng, âm thanh kéo dài đến gà gáy canh ba mới im hẳn. Hôm sau, trời sáng, ánh nắng ban mai chiếu bừng cảnh vật. Phía rừng xa xa khí đá bốc lên cao vợi và nơi mỏm đồi ông Cọp thường ngày vẫn thấy xanh rì tán lá, nay vạt đi một nửa ló cả mảng đất đỏ loét. Già Lê nhìn, chặc lưỡi: “Hèn gì đêm hôm trong tiếng sấm động nghe cả tiếng ầm ầm của đất sụp...”. Đám trẻ cười ồ: “Thôi lão, lính canh đồn bắn cối thì có!”. Già Lê giận lẫy, phủi đít, khập khiễng đôi chân bị cây đè xách rựa đi phát rào tre do mấy ngày mưa làm nghiêng đổ khắp vườn.
Từ đầu xóm, bọn trẻ đã gọi nhau và tủa đi về các gò bãi, vượt qua những trãng, len lỏi ở các chân suối trên tay cặp kè thúng mủng. Mùa này, sau mưa, không ít măng le đâm tủa. Nấm mọc cả bãi, trái cây mọc hoang đã rộ. Chúng kéo nhau biến sạch khi người lớn cùng hò nhau ra đồng kiếm cá, tìm bắt le le, vịt trời bù lại mấy ngày bó gối ăn toàn muối vừng, nắm chưng khô rốc để nhìn mưa.
Con Tý sau khi nhặt đầy mủng nấm và lặc lè cả xâu măng lột vỏ trắng bong xếp ngay ngắn trong hốc cây; ngó sang gò kêu nhỏ con Lẹ tách bọn bạn đang mê mải đào củ khoai mài, giờ sang vườn hoang hái ổi. Nó len lỏi dưới từng gốc và ngóng mắt từng tán cây. Ổi sẻ chín nhiều, đỏ hồng thơm lựng. Lúc con Lẹ đi sau nhai nhóp nhép và hai túi căn phồng thì con Tý đã đến giữa vườn. Chòm ổi nhiều gốc, cành lá rủ sát mặt đất mang đầy trái chín lấp ló lúc gió thổi nhẹ, bóng nhẫy khi nắng vàng chiếu xuống. Con Tý nuốt nước bọn bước nhanh đến định vặt trái thì nghe tiếng kêu nho nhỏ xen trong tiếng gió thoảng “Grừ...” nó hơi giật mình, sờ sợ nhưng vẫn đưa hai tay hái, lần này tiếng “Grư...Grừ...” to hơn để nó ngóng mắt vào nhìn. Ngay gốc ổi to nhất xuất hiện đôi cọp, con nằm, con đứng đang gương mắt nhìn nó chằm chằm, bộ lông vằn vện dính đầy đất cát và lớn hơn cả con bê ở nhà, con đứng đã đổi thế, xù cả bộ lông hất ngược về trước, hàm răng đầy bọt nhe ra khiến con Tý đờ người, tay dang về phía trước, lóng ngóng lùi dần lùi dần vấp phải con Lẹ ngã nhào. Nó chồm dậy chạy, con Lẹ hốt hoảng chạy theo, càng nghe phía sau tiếng chân thình thịch cùng cành lá xô dạt nó càng chạy. Đến gò thì không còn sức nữa, con Tý ngã nhào nơi ụ mối, mặt tái dài dại – con Lẹ tới sát bên, thì thào: “Ma hả?”, nó lắc, thở dồn. Há miệng, thở – lảo đảo đứng lên, thở. Về tới rìa làng, nó lau nước mắt nói cho Lẹ biết: “Cọp ở vườn hoang...” tin đôi cọp bị động rừng, nhất là việc sụp lở mỏm đồi khiến nó dạt về làng, chui vào vườn ổi rậm rạp để ẩn náu vang cả khắp xóm. Tất cả bọn trẻ đã được người lớn giữ rịt trong nhà. Tý và Lẹ đã quì nơi đến thờ làng để dâng hương và cha mẹ chúng đang vái lấy vái để từ gốc đa già đến cả ông thiện ông ác bằng vôi đứng chểm chệ trước cổng đình.
Gã đồn trưởng đóng quân trên gò cao đầu xóm, nơi chiếc lô cốt mọc sừng sững cùng dây thép gai giăng kiểu mắt cáo ken dày, lủng lẳng những lon sữa bò, hộp thiếc để tạo âm thanh khi có người đột nhập nghe tin cọp về liền xua cả tiểu đội vây bắt. Dân xóm ùa theo đến vườn ổi hoang mà từ lâu họ không để mắt tới chỉ trừ bọn nhỏ vào đùa nghịch mỗi mùa trái chín. Họ đứng im lặng một góc cố ý chừa hẳn cả khoảng trống hướng về cửa rừng là nơi đôi cọp có thể chạy thoát không vướng vào người nào. Buổi trưa, vườn ổi vắng lặng chỉ chút gió hây hây thổi nhẹ tán lá chao động rồi im lìm. Họ căng mắt nhìn lúc gã đồn trưởng rút súng ngắn vẫy nhẹ cho tiểu đội lính tỏa ra các phía rồi gã bước thụt lùi đến gốc cây trâm bầu già cỗi sét đánh quá nửa để chờ đợi. Sáu tên lính cúi thấp người tiến lom khom khép chặt vòng vây hướng vào chòm ổi sẻ. Còn khoảng cách khá xa, tên lính bên trái gã đồn trưởng đạp trên cành cây khô phát tiếng kêu gẩy vụn khiến cho cả tốp nằm rạp gương đầu nòng vào điểm bắn. Vẫn im lặng ở tán cây rậm rạp không hề xao động, không khí như cô đặc đầy ngột ngạt để chuẩn bị cho sự bùng vỡ dù trên bầu trời cao xanh, mây trắng vẫn trôi bồng bềnh. Nghe tiếng thúc nhỏ của trưởng đồn, toán lính khom người hành tiến một đoạn rồi quỳ xuống chờ đợi. Vừa lúc khẩu Colte 45 vẫy liền vào bụi, tiếng: “Um...” vang theo riết róng và ào ào tán cây rung động – bóng vàng vằn vện như tia chớp soạt ra nhằm hướng của rừng nơi tên lính án ngữ bổ xuống. Tiếng súng tiểu liên điểm nhịp chát chúa vuốt đuôi con vật và nó đã chồm sát nhe răng bung vuốt đánh bật khẩu súng, chân đè hẳn lên tên lính ngã sấp. Nó co mình, các cơ căng cứng, nghiêng mắt ngoái nhìn phía sau rồi hộc lên lao trở lại bụi rậm. Tiểu đội lính sững sờ cùng gã đồn trưởng đứng chôn chân chết điếng buông thõng khẩu súng. Qua phút bàng hoàng, tiểu đội kéo vội gã lính bị nạn ra ngoài với vết thương rách toạt bã vai, bán súng gãy nát cùng tiếng ú ớ thoảng thốt. Già Lê nói nhỏ những người phía xa: “Vậy là cả đôi vợ chồng, ổng đâu bỏ vợ. Tội nghiệp...”. Gã đồn trưởng nhăn mặt, ước mơ có tấm da hổ dâng cho quận trưởng vào dịp tết thì không gì sánh bằng, sẽ được cất nhắc, được chuyển về thành phố tránh xa cái vùng bùn lầy nước đọng tận hẻm núi buồn thảm đã vuột mất và còn khó khăn khi đám lính tỏ ra hoảng hốt, lo sợ đến lẩy bẩy kia.
Chiều dần trôi, dân xóm lá vẫn im lặng ngồi xem thầm mong mau tối để đôi cọp dễ hòa vào màng đêm về rừng thì tiểu đội thứ hai xuất hiện, được bố trí kiểu chân rết để hỗ trợ hỏa lực mà không cần áp sát.
Tất cả đều nằm ngoài tầm phóng kể cả hai con cùng phủ xuống. Hai khẩu trung liên có chân đặt hai góc bắn chéo cánh sẻ phối hợp cùng hai tiểu đội vãi đạn về một điểm. Không khí lại yên tĩnh đến căng thẳng, mặt trời gần chấm đỉnh núi phía xa và mọi người đang căng mắt nhìn vào bụi ổi. Gã đồn trưởng lấy khăn lau mồ hôi trán, bình tĩnh bật chốt lựu đạn rồi vung tay tạo đà. Quả đạn sắt bay theo hình cánh cung rơi thẳng xuống bụi rậm. Tiếng nổ nhoáng nhoàng, âm âm bùng vỡ liền sau hai bóng đen phóng ra thì “Pằng…Pằng...canh canh canh” – Hai khẩu trung liên đổ dồn, quất rát xoáy tung đất cỏ lơ lửng trên cao khiến con vật thứ nhất rơi xuống, bật dậy lảo đảo gầm thét: “Um...Um...Um” vang vọng và như chớp nó lao vụt đi lúc con thứ hai bị hất ngược trở lại, khẩu súng trung liên điểm nhịp để nó gục ngã. Tất cả im lìm. Nín thở chờ đợi con vật vấy máu vùng lên – nhưng không, với thân trước cúi gập trong tư thế quì lổ chỗ đạn và chân sau gãy nát, nó đã chết. Và mọi người thêm một phen hoảng hốt kể cả đám lính đang ngồi thở phào phải bung mình nằm rạp khi thấy chiếc đầu ngọ nguậy cùng đôi chân trước gãy gập từ từ xòe rộng, bên trong chú cọp con lông còn ướt đang ngơ ngác bò ra ngóng mắt nhìn xung quanh. Mọi người ồ lên. Gã đồn trưởng quên cả sợ lao tới chụp vội khi nó còn nép sát bụng mẹ. Già Lê lại thì thào: “Rừng động, cọp về làng kiếm chỗ đẻ, đâu ngờ...”. Con cọp mẹ lông vàng, bụng trắng điểm xuyến sọc đen bảo vệ con mình khỏi trúng đạn đang được lính khiêng lắc lư trên cáng tre tự tạo, máu nó vẫn nhỏ giọt từ miệng và cả trên những vết bắn. Đi trước là gã đồn trưởng hai tay ôm trọn đứa con của nó đầy vẻ tự mãn. Dân làng nhìn vườn hoang xơ xác, đầy lá cùng những dấu chân. Họ cúi đầu lẳng lặng ra về khi hoàng hôn tím sẫm hợp cùng ráng chiều đỏ bầm màu máu phía núi xa đang buông dần trong sự cô tịch.
Làng quê yên giấc nồng bởi cả ngày xáo trộn trong âu lo lẫn mệt mỏi.
Không tiếng chó sủa trăng, trăng sáng mờ mờ trôi trong màn sương lành lạnh cùng bóng tre im lìm bất động bên những mái tranh về khuya. Rồi chợt... tiếng súng nổ tứ phía cùng tiếng lựu đạn vụt lên rồi im bặt. Mọi người choàng dậy ngơ ngác, các cánh cửa hé ra để nhỏ to thì thào. Làm gì có du kích về và có về sao chẳng ai biết, làng này có đến nửa xóm lên xanh để mỗi trận công đồn đều ghé tạt qua thăm hỏi. Lại có tiếng la văng vẳng của bọn lính xen trong tiếng cọp gầm um um vòng vọng. Mọi người đã hiểu, cọp đực đã quay lại đồn và trong im lặng để 1 giờ, 2 giờ trôi qua số đàn ông liền thắp đuốc ào ào đi vào lô cốt đầu gò bởi không hề có một quả pháo sáng bắn lên soi tỏ, không có ánh đèn pha quét sáng qua lại như mọi lần.
Phía sau lô cốt khuất nơi bụi chà rang xen cùng duối dẻ, gai mắt mèo dưới ánh đuốc bập bùng họ thấy cả đống nước bọt bên các dấu chân to hơn miệng bát và hàng thép gai bị đổ ngã. Dân xóm gọi, không tiếng trả lời khi bên trong lô cốt vẫn im lìm tối bưng. Họ lại đi vòng cổng trước rào chắn thép gai Mỹ đang mở toang để chờ đợi thì từ những bờ ruộng cạnh đấy nhiều bóng người thất thểu bước đến. Đi đầu là gã đồn trưởng quần áo xốc xếch dính đầy sình lầy mắt dài dại ôm trán; phía sau đám lính run rẩy trong mỗi bước chân. Mọi người sững người khi đồ đạc trong đồn vung vãi, những vũ khí từng làm kinh hoàng ngã chổng kềnh gãy gục. Tấm da cọp mẹ vẫn đẩm máu bị xé nát tơi tả và sợi dây dù buộc cọp con bị giằng đứt đong đưa theo gió. Gã lính ngồi bệch bên ngoài, buột miệng: “Thằng Thành vậy mà may, nó chở thịt xương về dưới phố, thoát – khi bọn này vừa nghỉ tay hút chưa hết điều thuốc, cọp đực bất ngờ đã xông vào quờ chân qua lỗ châu mai tát hụt ông đồn trưởng làm bổ nhào – tụi tôi vơ súng nện loạn xạ rồi phóng ra ruộng, bỏ tất. Sau lưng, ông đồn trưởng tung lựu đạn nổ rền để cắm đầu lao theo. Dễ sợ, thà đi hành quân...” chiếc điện thoại cơ động F.M cong cần đang phát tín hiệu. Gã lính thông tin cầm lấy – Một chốc thì mặt tái dại quay lại nói với mọi người: “Thằng Thành bị cọp vồ chết ở chân cầu ngã ba làng...”.
Mờ sáng lúc cả xóm Lá ra sân bàn tán chuyện cọp thì già Lê mò về. Lão xách hom cá rỗng không cùng bao lưới rối tung vo tròn. Lão đặt đít ngồi nhìn mọi người rồi thì thầm: “Hổm rày mưa, cá núi về nhiều. Tôi đi ra đồng định kiếm chút ít. Thả lưới xong vấn thuốc tính hút cho ấm bụng nào ngờ bỏ quên bọc quẹt ở nhà nên ngó quanh thì... trời ơi! Dưới trăng mờ mặt đầm đang tĩnh lặng tự nhiên cuộn sóng, cái gì đen đen cứ nhấp nhô nhấp nhô vào bờ – Rồi... ổng lên trên mặt cát rũ lông. Tôi chết điếng, ngồi cứng khi ổng quay lưng đi về bót gác. Lúc xuống nước cuộn lưới lại nghe hơi gió và bóng ổng vút qua loang loáng. Té ra ổng đi đâu xong quay lại rồi ầm ầm trong tiếng gầm dữ dội. Tôi chúi vào đám sậy sợ đến tè ra cả quần...”. Có tiếng cười khiến lão nuốt nước bọt với tay đến bọc thuốc rê đang bỏ giữa đám người rồi vê lấy một điếu, mắt liếc những khuôn mặt đang há ra chăm chăm nhìn lão, ra chiều bí ẩn, lão kể: “Tôi he hé mắt nhìn thấy ổng lừng lững xuống bãi trên miệng ngậm vật gì to tròn. Phóc một cái ổng lao xuống đầm bơi ào ào sang phía núi Lá như mèo mẹ tha con. Rồi phía đồn đuốc bập bùng sáng rực, tôi ngu gì lên bờ để ổng quay lại thì khốn” – Phà hơi thuốc già Lê chỉ ra ngõ lúc sương mờ chưa tan hết, kêu lên: “Kìa, ổng kìa!”.rồi cúi xuống ôm mớ lưới cùng hom cá. Lúc đứng lên quay lại, mảnh sân rộng tịnh không bóng người để lão tặc lưỡi, cười nửa miệng: “Sợ cả lũ mà chê thằng già này nhát...!”.
Câu chuyện của xóm Lá đã qua lâu lắm cách đây đến hơn bốn con giáp. Già Lê đã mất, con Tý con Lẹ tóc đã điểm bạc. Làng thay đổi nhiều không còn đồn bót lính canh và phải nói thêm, gã lính bị cọp vồ nơi vườn ổi đã thành dân ngụ cư của xóm khi vài năm sau cấp trên cho hắn giải ngũ vì những cơn điên đột phát. Gã về xóm Lá xin mảnh đất bên cạnh vườn hoang để đêm đêm nhang khói chập chờn. Bọn con nít của xóm khi thấy lão già có vết sẹo nham nhở chạy dài từ bã vai đến tận thắt lưng đều tái mặt khóc thét. Và để người lớn dọa nạt: “Nín đi ông cọp tới...”. Bây giờ ông cọp vùng này đâu còn, có chăng là câu chuyện xa xưa và muốn xem ông cọp phải vào sở thú tận trong Sài Gòn.