Chiều chiều sông Ba êm trôi

Chiều chiều sông Ba êm trôi

Không biết tự lúc nào, mỗi khi sang Phú Lâm, nếu vào lúc chiều xuống, thay vì qua cầu Đà Rằng cũ như trước đây, tôi lại chọn đi trên cầu mới. Cây cầu cũ hai mốt nhịp, song song với cầu đường sắt, cùng Nhạn tháp từ lâu là biểu tượng của vẻ đẹp núi Nhạn- sông Đà làm bâng khuâng bao lữ khách, giờ trở nên quá tải mỗi khi tan giờ làm, lưu lượng người xe qua lại trên cầu không còn cho ta cái không khí nhẹ nhàng để ngắm sông nước, trời mây.

Không biết tự lúc nào, mỗi khi sang Phú Lâm, nếu vào lúc chiều xuống, thay vì qua cầu Đà Rằng cũ như trước đây, tôi lại chọn đi trên cầu mới. Cây cầu cũ hai mốt nhịp, song song với cầu đường sắt, cùng Nhạn tháp từ lâu là biểu tượng của vẻ đẹp núi Nhạn- sông Đà làm bâng khuâng bao lữ khách, giờ trở nên quá tải mỗi khi tan giờ làm, lưu lượng người xe qua lại trên cầu không còn cho ta cái không khí nhẹ nhàng để ngắm sông nước, trời mây. Vậy nhưng, đi trên cầu mới thì khác, ở đó, ta có thể phóng mắt nhìn bao quát về thành phố, về cây cầu cũ như đã được thu lại trong tranh vẽ, về bờ bãi phía hạ lưu mênh mang, cùng dòng sông lững lờ trôi, để lòng bất giác cất lên lời hát “Quê hương tôi, chiều chiều sông Ba êm trôi…”

SONG-BA.jpg

Sông Ba  - Ảnh: HIẾU NGỌC

Buổi chiều, so với các thời khắc khác trong ngày, như buổi sáng hay ban trưa, thì ta thấy dòng sông mang nhiều tâm trạng hơn cả, lặng lẽ hơn, miên man hơn…Đó cũng là lúc không gian như chùng xuống, những vệt nắng đã dịu lại, huyền ảo và lửng lơ, dễ đem lại cho mọi người những thoáng rung cảm, xao động. 

Còn tính các thời điểm trong năm, thì sông Ba vào mùa này đẹp nhất. Dòng sông cuồn cuộn phù sa ngầu đục trong mùa lũ, phải đợi đến cuối xuân mới lắng lại trong xanh và hiền hòa, trước khi dòng chảy kiệt dần vào mùa nắng hạn. Đây cũng là lúc bãi bồi lòng sông xanh mát nhất với những bãi cỏ, soi bắp, soi dưa…Bà con nông dân hai bên bờ sông, ở Hòa An, Hòa Thành ra bãi sông dựng trại, làm soi, nuôi bò, ở lại trên bãi sông luôn cả đêm ngày.

Ngày nhỏ, tôi có một thời gian sống ở Phú Lâm, những ngày cuối tuần nghỉ học được người lớn cho theo ra bãi soi của một người bà con ở Phú Lễ. Chao ơi, không gì mê bằng. Trời đất sông nước mênh mang, hết tắm sông lại rủ nhau nghịch chơi thỏa thích trên những bãi cát, bãi cỏ; lại được ăn dưa hấu ngọt mát, bắp nướng thơm lừng; tha hồ hồi hộp rình theo tiếng dế gáy, tha hồ nằm trên cỏ ngửa mặt nghe chim hót vang trời…Tất cả trở thành một ký ức tuyệt vời của tuổi thơ chẳng bao giờ quên được.

Ký ức ấy cùng ta lớn lên, theo ta đi qua nhiều miền đất nước. Đến đâu, thấy dòng sông nào cũng nhớ đến sông Ba: dòng sông quê ta không lớn như sông Tiền, sông Hậu; không hùng vĩ như sông Đà; không đầy ắp văn hóa truyền thống như sông Hồng; không thơ mộng như sông Hương…nhưng nó luôn dung chứa trong tim của những người con xứ sở một giá trị thật khó lấy gì ra so sánh được.

Giờ đi qua dòng sông trong chiều, thầm hát “Quê hương tôi, chiều chiều sông Ba êm trôi…”, lại thấy nhớ cái dáng cao gầy hơi lòng khòng của nhạc sĩ Đức Thanh năm nào. Ông không nổi tiếng như một vài nhạc sĩ Phú Yên bây giờ với khá nhiều tập nhạc và băng đĩa được in ấn, phát hành. Ông sống lặng lẽ và sáng tác ít, nhưng để lại cho chúng ta một “Sông Ba yêu thương” còn mãi lay động lòng người. Đời người ai cũng sinh ra, lớn lên và mất đi, ai cũng muốn làm được điều gì đó để lại cho quê hương, nhưng có rất ít người làm được như ông nhạc sĩ này.

NGỌC NGUYÊN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn