Chủ Nhật, 24/11/2024 02:39 SA
Vòng tay của mẹ - truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Chủ Nhật, 17/03/2024 15:00 CH

Minh họa: PV

Bảy giờ sáng Diệu thò đầu ra khỏi chăn quờ quạng tắt đồng hồ báo thức. Bà giúp việc đã bày sẵn bữa sáng trên bàn gồm sữa nóng, trứng ốp la và mấy lát bánh mì gối. Diệu gọi vọng xuống nhà dưới: “Cô nấu món khác đi. Con không nuốt nổi món này”. Bà Thìn lật đật chạy lên ba tầng nhà mang đĩa đồ ăn xuống bếp tính đổ đi mà tiếc, đành để dành làm bữa trưa cho mình.

 

Bà mở tủ lạnh xem có thể nấu được món gì khác cho bữa sáng của cô chủ hay không. Trong lúc hầm thịt bò sốt vang bà nghĩ đến con gái mình. Giờ này chắc nó đã dậy đạp xe đến trường, trời lạnh thế này đi qua mấy cây cầu gió sông hun hút. Chủ nhật tuần trước Thanh có tạt qua thăm mẹ, trên tay áo còn dính đầy vết dầu ở xích xe. Lần nào đến cũng lúi húi dọn dẹp nhà cửa, cọ rửa bồn cầu mấy tầng nhà thay mẹ. Con bé lặng lẽ làm, mắt lúc nào cũng ngân ngấn nước. Bà Thìn nhớ con lắm nhưng lại không muốn con đến thăm mình. Hôm nào cô chủ đi vắng thì không sao, chứ gặp hôm ở nhà thì mấy lời chát chúa lọt vào tai con khiến bà thắt ruột.

 

Thanh đã vài lần nói “hay là mẹ về quê cày cuốc ruộng đồng. Con vừa học vừa làm thêm kiếm tiền chứ không muốn mẹ vất vả để người ta sai khiến”. Bà cười bảo “nghề nào chẳng là nghề con ơi. Người ta bỏ tiền ra thuê mình thì mình phải làm cho hợp ý người ta cũng là chuyện thường tình. Con nghĩ ngợi làm chi”. Đêm nằm nghĩ đến con nước mắt bà cứ chảy ra ướt gối. Giá mà làm ruộng cũng đủ tiền nuôi con ăn học thì bà bỏ quê lên thành phố làm gì. Mùa này gió, cánh cửa sổ ở nhà hỏng chốt, trước khi đi bà buộc lại bằng sợi dây ni lông. Có khi gió đêm đã đập bung cánh cửa thổi rụng hết tàn nhang trên ban thờ. Mà bà đi thế này đến khói hương cho người chồng quá cố cũng nguội lạnh. Nhưng bà tin ở dưới suối vàng ông hiểu cho bà…

 

Mấy năm nay chăn nuôi cái gì cũng điêu đứng. Cấy lúa thì được là bao, trừ chi phí phân thuốc, máy móc xong thấy mình mua lúa đắt. Mà mùa què mùa cụt, năm thì hạn hán năm thì lũ lụt. Thành ra dân quê bà bỏ ruộng. Tụi trẻ kéo nhau xuống khu công nghiệp cách nhà mười lăm cây số. Đàn ông luống tuổi đi xây, già như bà ở quê chẳng xin nổi việc gì đành xuống thành phố giúp việc cho nhà người ta. Một mình bà thì sống sao chẳng được, nhưng còn đứa con gái mới học năm thứ hai đại học nên phải ráng mà làm. Người làng giới thiệu bà đến nhà Diệu giúp việc. Hôm đầu, Diệu ngọt nhạt để giữ chân bà lại vì ô sin cũ chuyển đi cả tháng nay. Thấy chủ nhà xởi lởi, lương lại cao nên bà quyết định ở lại làm.

 

Bà bắt đầu học cách sử dụng đồ đạc trong nhà. Già rồi hay quên lắm, nút cần chẳng bấm lại đi bấm nút không. Mà nhà chủ đến là lắm đồ, thứ gì động vào cũng cứ sợ mình làm hỏng mất. Nhà chủ mỗi người mỗi tính, từ tính ở đến tính ăn. Riêng Diệu tính đỏng đảnh, có khi một bữa nấu vài món theo yêu cầu mà chẳng thèm động đũa món nào. Diệu còn trẻ nhưng khó tính, lau nhà là phải sạch bong, chẳng may chỗ nào còn bụi là bị phê bình. Mà tính Diệu hay lắm, cứ chọn đúng bữa cơm để cằn nhằn. Lúc mới đến bà Thìn hay tủi thân, nghẹn ứ ở cổ họng không nuốt nổi cơm. Sau này quen dần, cô chủ có nói gì bà cũng chỉ gật đầu không phân bua, cự cãi. Dù đã có lúc bà nghĩ hay là tìm nhà khác mà làm. Cả thành phố này thiếu gì nhà cần người giúp việc. Họ còn đăng tin tìm đầy trên mạng, con gái bà bảo thế. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, làm ở đâu cũng thế. Chẳng ai hoàn thiện cả, người dễ chỗ này lại khó chỗ kia. Hơn nữa làm ở đây gần trường con gái học khiến bà thấy yên tâm. Thanh cũng đỡ vất vả khi qua thăm mẹ, cũng tiện khi con cần tiền đóng khoản gì gấp gáp.

 

Mấy hôm nay bà Thìn ốm. Không phải cảm cúm, nhức đầu bình thường. Mà do dọn dẹp nhà cửa, bưng vác nặng lại thêm cú ngã cầu thang va đập mạnh khiến bệnh cũ tái phát. Bà từng bị ngã cây khế dẫn đến xẹp một đốt sống lưng. Kể từ đó đốt sống bị xẹp chèn ép dây thần kinh và tủy sống dẫn đến tình trạng hay tê liệt tứ chi, hoa mắt chóng mặt, đau vai gáy. Bệnh cũ tái phát nhanh đến mức bà chẳng kịp xin nghỉ về quê. Diệu bực dọc khi thấy osin nằm bệt trên giường để lại cho mình một núi việc không tên. Đã vậy còn phải chăm sóc cho người ốm, mất thêm tiền thuốc thang, đường sữa. Diệu đá thúng đụng nia. Nằm hết ngày thứ hai, trong bát cháo mà Diệu bưng cho bà để đầu giường có thêm mấy từ “của nợ” lẫn đâu trong đó. Nằm hết ngày thứ ba trong cơn đau mê mệt bà nghe thấy Diệu điện thoại nhờ tìm osin khác. Tối đấy Diệu nói bóng gió “mẹ cháu nói thôi khỏi phải thuê người giúp việc, để đó mẹ cháu giúp quán xuyến cửa nhà”. Rồi Diệu gọi cho Thanh, nói mấy câu gọn lỏn “em qua đón mẹ về mà chăm”. Lúc Thanh đến, Diệu đưa trả tiền lương của tháng không quên trừ bớt tiền thuốc thang mấy hôm bà ốm. Lúc đóng sập cánh cổng, Diệu thở phào như trút được gánh nợ.

 

Nửa đêm hôm đó, Diệu nhận được cuộc gọi từ số lạ. “Mẹ cháu trượt chân ngã ngoài thềm giếng phải đưa đi cấp cứu. Về ngay”. Lúc Diệu về đến nơi thì mẹ đã tỉnh lại đang được hàng xóm bón từng thìa cháo. Diệu bị hàng xóm mắng quá trời, mỗi người một tiếng. “Em giàu có là thế mà để mẹ già sống thui thủi một mình, lúc trái gió trở trời không có ai bên cạnh”. “Tháng trước mẹ cháu bị cảm ở ngoài vườn. Mọi người định nhắn cháu về mà bà ấy cứ bảo “đừng phiền nó”. “Già có ăn uống là bao mà cứ gửi tiền về. Chỉ cần có con cái quây quần thì ăn sâm cũng không bổ bằng đâu”. Khổ lắm, đâu phải Diệu không muốn đón mẹ xuống phố ở với mình. Lần trước phải động viên mãi mẹ mới chịu khăn gói đi theo. Ấy vậy mà xuống ở chưa được dăm bữa nửa tháng mẹ đã đòi về...

 

- Mẹ thấy không. Mẹ chỉ thích sống theo ý mẹ. Giờ mẹ ở một mình ốm đau bệnh tật, thiên hạ xúm vào nói con bất hiếu.

 

- Ở đâu thấy thoải mái thì mẹ ở.

 

- Ở nhà con có gì mà mẹ không thoải mái?

 

Mẹ không nói gì, lặng lẽ nằm quay mặt ra ngoài nhìn rặng cau lao xao gió vẫy. Diệu xuống bếp thấy cơm nguội khô khốc trong xoong. Nồi cá kho mặn đót, vại dưa muối đã chua. Trong tủ bếp không có gì ngoài cá khô, mớ rau muống đã héo quắt tự bao giờ. Lên nhà trên thấy bã chè trong ấm đã mốc meo, sáu cái chén sứt quai, cáu cặn vàng khè. Chắc đã lâu rồi nhà không có khách tới chơi. Nghĩ đến cảnh mẹ già một mình một bóng cô đơn bỗng nhiên Diệu thấy mắt cay xè.

 

Chẳng bố mẹ nào là không muốn ở với con cháu lúc về già. Để nghe cháu gọi bà, con cái vào ra sớm tối. Mẹ cũng đã từng một lần khép cánh cổng kia, rời xa góc sân mảnh vườn quen thuộc. Thành phố lạ xa mẹ chẳng có ai thân thiết ngoài Diệu cả. Ấy vậy mà Diệu đi suốt ngày, về đến nhà là kêu ca phàn nàn đủ thứ. Thứ gì mẹ làm, Diệu đều không vừa mắt. Mẹ run tay có vài món đồ từng đổ vỡ, Diệu hình như đã nói những lời khó lọt tai. Để mẹ khỏi động chạm vào mọi việc trong nhà Diệu đã thuê osin. Diệu đâu biết những người già như mẹ sợ phải làm người thừa trong nhà. Sợ trở thành gánh nặng cho con cháu, nên mẹ đòi khăn gói về lại quê nhà. Thỉnh thoảng Diệu gửi về ít tiền, may vài bộ quần áo tốt, ít thuốc bổ xách tay từ Mỹ. Diệu cho rằng thế là chu đáo với mẹ rồi. Đã bao giờ Diệu tự hỏi một ngày của mẹ đã trôi qua như thế nào trong nỗi cô đơn?

 

Những ngày ở quê chăm mẹ bệnh, Diệu nhớ đến bà Thìn. Người đàn bà góa bụa một mình nuôi con, rời bỏ ruộng đồng cằn cỗi để bước chân về phố. Một ngày của bà trôi qua trong nhà Diệu hẳn chẳng dễ dàng gì. Nhưng bà vẫn tận tụy mỗi ngày không một tiếng kêu than. Bởi những người mẹ trên đời đâu có sống cho mình. Từng ý nghĩ của họ đều hướng về con cái.

 

Đêm qua lúc nằm cạnh, mẹ có nói với Diệu rằng “chẳng hiểu sao những năm tháng này mẹ hay nghĩ về con lúc còn bé nhỏ. Con buộc tóc đuôi gà, hồn nhiên cười nói. Một bước theo mẹ, hai bước theo mẹ. Mẹ thương cái dáng lũn cũn bé nhỏ của con lúc xuống mương đãi hến, hay vác rá đi hái rau dại ngoài đồng. Những trưa nắng tháng sáu con còn trốn mẹ đi bắt cua đồng về bán lấy tiền mua sách vở. Con cứ luôn miệng nói sau này giàu sẽ kiếm tiền cho mẹ đi máy bay trên bầu trời, sẽ mua quần áo đẹp, nhiều đồ ngon cho mẹ. Mới đấy mà đã mấy chục năm trôi qua. Mẹ giờ lẩn thẩn rồi, chỉ sợ đến một ngày sẽ quên hết ký ức về con”. Mẹ nói đến đó là nước mắt Diệu rơi. Không có người mẹ nào ngừng hướng về con. Chỉ có những đứa con khi lớn lên sẽ căng cựa vụt thoát khỏi vòng tay của mẹ. Những đứa con như Diệu tìm kiếm gì ở thế giới ngoài kia? 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tiễn tháng Giêng – thơ HUỲNH ĐỨC THOẠI
Chủ Nhật, 17/03/2024 13:27 CH
Trước biển – thơ HOÀNG LAN PHƯƠNG
Chủ Nhật, 17/03/2024 10:00 SA
Mùa hoa bưởi
Chủ Nhật, 17/03/2024 09:26 SA
Bến xuân – thơ DIỄM PHÚC
Chủ Nhật, 17/03/2024 06:00 SA
Tháng ba, xuân muộn
Thứ Sáu, 15/03/2024 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek