Thứ Hai, 25/11/2024 20:41 CH
Gánh mẹ - truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY
Chủ Nhật, 08/10/2023 15:00 CH

Minh họa: PV

Mẹ tôi ngồi xếp bằng giữa đống hàng hóa bề bộn, tỉ mỉ đếm tiền bán hàng hôm nay. Học bài xong, tôi cất tập vở lên kệ rồi lom khom dọn mớ hàng lại một góc căn phòng trọ cuối dãy. Ngoài trời mưa rơi lắc rắc. Cơn giông ban nãy làm đứt dây điện ở đầu hẻm. Tôi với tay lấy nến trên kệ, đốt một ngọn, cắm ở giữa phòng. Mẹ nói tôi khỏi xếp, mai mẹ đi bán sớm, nhà cửa lại gọn ghẽ. Tôi cười khì, vẫn xếp. Tôi thích sự gọn gàng, ngăn nắp, dù chỗ ở của tôi với mẹ chỉ là một căn phòng thuê trong khu trọ của những người lao động, chiều chiều lại rộn rã tiếng nói cười.

 

“Năm nay cuối cấp, cố mà học để vào đại học”, mẹ nói với tôi bằng giọng ấm trầm. Mắt mẹ vẫn không rời mớ tiền trên tay. Nhìn xấp tiền dày vậy chứ toàn tiền lẻ, hai ngàn, năm ngàn, mười ngàn, gom lại thành xấp. Mẹ tôi tính toán kỹ càng, trừ tiền vốn, lời được bao nhiêu mẹ cất vào chiếc hộp gỗ, tờ nào theo tờ nấy. Tôi nhìn mẹ qua ánh nến. Mẹ tôi hiền lắm. Mái tóc mẹ xõa một bên vai, dù không còn suôn mượt và óng dài nhưng vẫn đủ để khắc đậm hình ảnh của mẹ tôi.

 

*

 

Mỗi sáng, tôi thức dậy đi học, mẹ gánh hàng rong đi bán trước cổng trường tôi, trước công ty may đối diện trường học. Mẹ thường kêu tôi đi trước, mẹ đi sau, hoặc ngược lại. “Đi chung với mẹ, bạn bè cười, tội nghiệp con”, mẹ tôi nói vậy. Giả bộ dụi dụi, trách gió thổi mạnh làm mắt tôi cay rát, tôi nói: “Bán hàng rong thì đã sao. Mình sống lương thiện, không hổ thẹn với lòng là được rồi, mẹ ha”. Mẹ tôi mỉm cười. Tôi thích những khi mẹ cười. Hai mẹ con bước đi. Đòn gánh trên vai mẹ lắc lư. Nắng vàng ngập lối.

 

Chúng tôi đã sống với nhau những tháng ngày bình yên như thế. Ngày mà chúng tôi về con phố này, thuê căn phòng trọ cuối dãy, sâu trong hẻm, là ngày sinh nhật lần thứ tám của tôi. Tám tuổi, tôi chưa biết nhiều về cuộc đời, chưa hiểu vì sao hồi ấy người sinh ra tôi bỏ tôi bơ vơ ở cái chợ còm dưới chân cầu bê tông. Hình bóng người đó cũng đã xa dần trong tôi tự lúc nào. Tôi không muốn nhắc tới, nhưng thi thoảng đầu óc trống rỗng tôi lại nhớ tới và nghĩ vu vơ. Chắc là người đó không thương tôi như mẹ. Chứ nếu thương tôi thì đâu nỡ bỏ tôi giữa chợ đời, đã nắm lấy tay tôi dù cuộc sống có khổ nghèo, dù người đời khinh khi, coi thường. Mẹ dặn tôi không được trách người sinh ra mình, dù là trong suy nghĩ. Có lẽ người đàn bà ấy có một niềm riêng gì đó, một nỗi khổ nào đó nên không thể nào bước tiếp cùng tôi.

 

Mẹ tôi luôn nhân hậu, ngay cả trong suy nghĩ lẫn hành động.

 

Tôi gọi mẹ là mẹ, thương mẹ vô cùng, dù chẳng phải máu mủ ruột rà. Nhiều lần nằm bên mẹ, trong những đêm mưa thốc trên mái tôn. Cả dãy trọ vắng tanh, chỉ có ánh đèn đường chăm chỉ hắt xuống con đường lát đá mấp mô. Mẹ hỏi tôi “Con có nhớ mẹ không?”. Tôi cười đáp: “Mẹ đang nằm kế bên con mà nhớ gì?”. Mẹ nói tiếp: “Không phải, mẹ ruột của con kìa”. Tôi lặng đi rồi thì thào: “Con không biết nữa. Nói nhớ cũng không đúng, mà nói quên cũng sai. Chắc tại lâu quá rồi, con không còn nhớ rõ đường nét trên khuôn mặt. Cả giọng nói và mùi hương trên cơ thể con cũng quên mất”.

 

Tôi gặp mẹ trong nắng chiều nhàn nhạt. Một người phụ nữ lỡ thời bán hàng rong dưới chân cầu đã rửa tay, rửa mặt cho tôi - khuôn mặt lấm lem vì bùn đất và vì tôi khóc nhiều sau khi lạc mất đôi tay ấm mềm.

 

“Về với mẹ, mẹ thương, mẹ nghèo thật nhưng mẹ sẽ nuôi con nên người” - Tôi không bao giờ quên câu nói ấy khi mẹ ôm tôi vào lòng. Vẫn cái cảm giác ấm áp và hạnh phúc như lần đầu mẹ ôm đứa trẻ cơ nhỡ vào lòng. Có tôi, đôi vai mẹ càng nặng quằn. Tuy vậy, chưa bao giờ mẹ để tôi thiệt thòi với chúng bạn.

 

*

 

Nắng ửng sau cơn mưa ban trưa. Buổi chiều hầm hập. Mặt trời dùng dằng nửa muốn lặn, nửa còn treo trên ngọn cây sau dãy trọ của dân lao động. Xóm trọ vắng vẻ hơn mọi khi. Mấy phòng bên cạnh chưa kịp rước con từ nhà trẻ về nên trong hẻm vắng tiếng cười, tiếng đếm “năm, mười, mười lăm…” của tụi con nít chơi trốn tìm.

 

Tôi ngồi trước cửa nhà học bài và đợi mẹ về. Thường thì giờ này mẹ đã quảy gánh hàng rong đi về trên con đường chi chít ổ gà, nước đọng sau cơn mưa.

 

Tiếng xe máy đỗ trước dãy trọ. Tôi đoán là xe ôm vì người phía trước mặc chiếc áo cũ kỹ, phai màu, đối lập với sự sang trọng của người phụ nữ ở đằng sau đang từ từ bước xuống, gỡ mũ bảo hiểm đưa lại và trả tiền. Chiếc xe nổ máy, chạy ra khỏi hẻm. Tiếng ống bô khô khan nhỏ dần.

 

Sau khi đi hết hành lang dãy trọ, người đàn bà dừng lại trước mặt tôi. “Chào cháu”. Tôi ngạc nhiên nhưng cũng gật đầu cho phải phép: “Cô tìm ai ạ?”. “Cho tôi hỏi, đây có phải là nhà của cháu Thơm không? Thơm con bà Bảy, bán hàng rong ấy”. Tôi gật đầu ngờ ngợ hỏi lại: “Cháu là Thơm ạ! Mẹ cháu đi bán chưa về. Cô tìm mẹ con cháu có việc gì ạ?”.

 

Người đàn bà nhìn tôi trân trân. Vài giây sau, tôi thấy mắt bà đỏ hoe, rồi bà khóc sướt mướt. Một dấu hỏi lửng lơ trong đầu tôi cho đến khi tôi nghe được câu: “Thơm, con không nhận ra mẹ sao, mẹ là mẹ của con đây…”.

 

Tôi chết trân. Trời ơi, bao nhiêu năm trôi qua, những tưởng nỗi đau ngày nào đã lặn đi trong tôi, nhưng giờ đây khi đứng trước mặt người đã sinh ra tôi và bỏ tôi đi thuở tôi còn chưa thể một mình tồn tại trên đời, nỗi đau ấy lại trỗi dậy, quặn thắt. Tôi không nói được lời nào, có cái gì nghẹn lại ở cổ, chỉ có nước mắt giàn giụa và bàn tay đưa về phía người đàn bà để tìm lấy bàn tay ngày nào nắm tay tôi đi khắp các nẻo đường thành phố…

 

Người đàn bà ngồi bên tôi, trong nắng chiều chập choạng, bóng tối bắt đầu buông khiến con hẻm sâu nửa tối nửa sáng. Người đàn bà nói với tôi, không phải vì bà không thương tôi, càng không phải vì bà ta cố ý bỏ tôi. Đó chỉ là một cuộc lạc mất không mong muốn. “Mẹ đã đi tìm con nhiều ngày sau đó, nhưng không thấy. Mất con, lòng mẹ đau rã rời” - Người đàn bà ôm tôi thật chặt, hôn lên khuôn mặt của đứa con gái đang ở tuổi trưởng thành. Bà chải tóc cho tôi, nói tôi giống bà thời còn trẻ, nhất là đôi mắt. Còn tôi, tôi thấy mình giống mẹ hơn, dù chúng tôi chẳng phải ruột rà.

 

“Thơm, con về sống với mẹ đi. Mẹ sẽ xin bà Bảy, rồi bù đắp cho bà ấy một số tiền đủ để sống tốt quãng đời còn lại. Về với mẹ, con sẽ không phải chịu khổ”. Nghe nói đến đó, nước mắt tôi lã chã. Tôi có phải chịu khổ bao giờ đâu, trừ quãng thời gian tôi lạc mất đấng sinh thành. Ở bên mẹ, tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi thích mỗi sớm lon ton theo sau gánh hàng rong của mẹ, mỗi trưa tan học lại chạy ra cổng trường phụ mẹ bán hàng, lau mồ hôi trên trán mẹ. Niềm vui của tôi là được thấy nụ cười trên khuôn mặt rám nắng của mẹ. Nhìn người đàn bà, lòng tôi trống rỗng. Tôi biết ơn bà vì đã sinh ra tôi, trong tim tôi vẫn dành cho bà một vị trí nhất định, nhưng tôi sẽ không bao giờ xa mẹ tôi được. Vì với tôi, mẹ và căn phòng trọ này, và những chuỗi ngày đã qua đã là cuộc sống của tôi.

 

“Mẹ cứ yên tâm mà sống. Con vẫn thương mẹ như ngày nào. Nhưng con không thể nào bỏ mẹ con được. Có thời gian, con sang chơi với mẹ ít ngày. Còn mẹ con… tự lâu rồi, con không nghĩ người ấy là mẹ nuôi của con”, tôi nói vậy, nước mắt ứa ra.

 

Người đàn bà nhìn tôi thật lâu, thật sâu. Có lẽ bằng cảm quan của người mẹ, người đã sinh ra tôi, bà hiểu thấu lòng tôi.

 

Bà rời đi khi nắng chiều tắt hẳn. Xóm trọ lên đèn. Phố đêm lên đèn. Khi chiếc xe ôm vừa nổ máy chạy ra đầu hẻm là lúc mẹ tôi quảy gánh trở về. Nhìn bóng mẹ thập thững và nụ cười thấp thoáng trên môi, tôi thấy lòng mình bình yên vô cùng. Tôi không kể cho mẹ nghe câu chuyện lúc nãy, tôi ôm mẹ thật chặt, dụi đầu vào ngực mẹ như thể tôi còn bé lắm.

 

“Mẹ ơi! Con thương mẹ… nhiều lắm!”.

 

Cũng lâu rồi tôi mới nói với mẹ mình câu ấy, dù trong lòng chẳng bao giờ nguôi nỗi thương người đàn bà quảy gánh hàng rong nuôi tôi thành người. 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đầu đông tháng 10
Chủ Nhật, 08/10/2023 13:00 CH
Lắng nghe thu về - thơ DIỄM PHÚC
Chủ Nhật, 08/10/2023 09:00 SA
Xuyến chi tháng 10
Chủ Nhật, 08/10/2023 07:00 SA
Mùa thu Kiếp Bạc – thơ ĐẶNG VĂN THƠM
Chủ Nhật, 08/10/2023 06:00 SA
Tặng em – thơ TRẦN TÂN
Thứ Sáu, 06/10/2023 16:00 CH
Tháng mười – thơ TRUNG PHONG
Thứ Sáu, 06/10/2023 11:39 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek