Tôi nhớ như in hồi bé, cứ đêm rằm tháng 8 âm lịch, cả đám lại rủ nhau rước đèn tung tăng khắp xóm cùng chị Hằng và chú Cuội. Thời ấy ở quê nghèo, bọn tôi tận dụng những lon bia, lon sữa, mày mò tự chế lồng đèn. Qua đôi tay bé nhỏ khéo léo, chiếc lon lăn lóc trong thùng ve chai được hô biến thành chiếc đèn lồng rực rỡ. Chúng tôi làm được nhiều hình thù khác nhau, hình tròn, bông hoa hay đỉnh hơn là cả một mô hình xe đẩy. Chẳng biết gọi tên là gì, nên cứ kêu theo nguyên liệu là lồng đèn lon.
Làm lồng đèn lon không quá khó nhưng bảo dễ thì tôi cũng không dám, bởi trời chẳng phú cho tôi nhiều tài nghệ. Có lần tôi suýt khóc vì loay hoay mãi mà thành phẩm vẫn chưa ra hồn trong khi giờ rước đèn sắp bắt đầu. May nhờ có cha tôi.
Làm lồng đèn lon có công thức hẳn hoi. Mới đầu, tôi tìm rồi mang lon đi rửa sạch. Tính tôi kỹ nên rửa bằng xà phòng thơm tho. Xong xuôi, tôi dùng thước kẻ với kéo cắt giấy, đo đạc tỉ mỉ, đánh dấu hai điểm dọc theo thân lon rồi nín thở cắt cho thẳng. Khoảng cách giữa những đường cắt tôi canh đúng một mắt tay, cứ như vậy cho đến khi giáp vòng. Công đoạn này khó ăn nhất với tôi, vì sơ sẩy một đường thành phẩm sẽ trở nên méo xẹo, nhăn nhúm.
Qua bước này, tôi dựng đứng chiếc lon rồi dùng tay ấn đầu lon xuống dưới để những rãnh cắt phình ra ngoài, tạo thành cái bụng bầu bầu của chiếc đèn lồng. Đoạn này, có những đường cắt cong một cách tinh nghịch, đứa nghiêng trái, đứa nghiêng phải, đứa lại cong vào trong. Để đối phó với trò trêu đùa này, tôi dùng tay vuốt chỉnh chúng lại một cách nhẹ nhàng. Đây là chiêu “lạt mềm buộc chặt” vì vuốt mạnh có khi những rãnh cắt lại đứt ra, không đều.
Sau bước này, tụi con trai còn đầu tư hơn bằng cách xịt một lớp sơn màu lên lon, còn tôi vẫn thích để cho sản phẩm của mình đúng nguyên bản chất. Thế mà, trông nó cũng thật bắt mắt và đặc biệt. Chiếc đèn lồng của tôi coi như hoàn thiện được chín mươi phần trăm. Tôi đục hai lỗ nhỏ đối diện nhau ở phần đầu, rồi luồn cọng dây thép vào đó để làm quai xách. Cuối cùng, tôi gắn một cây nến nhỏ dưới đáy lon, đến khi bắt đầu rước đèn chỉ việc đốt lên là tha hồ chạy nhảy. Ấy là xong chiếc lồng đèn hình bầu bầu, thả xuống nền đất ánh sáng trông như bông hoa.
Đó là chiếc lồng đèn dễ chế tác thứ hai đối với tôi. Còn có công thức dễ hơn khi không phải nín thở để tạo những đường cắt nhưng lại mất nhiều thời gian vì phải cẩn thận đục lỗ cho ra hình ông mặt trời, hình đám mây, ngôi sao như ý muốn lên thân lon. Nhìn đám con trai đẩy lồng đèn mô hình xe đẩy, tôi chỉ biết ước ao, bởi đến tận bây giờ, tôi cũng chẳng thể làm ra được.
Giờ đây, kinh tế khá giả hơn nhiều, công nghệ trên đà phát triển. Những đèn ông sao, lồng đèn giấy hay lồng đèn điện tử với nhiều màu sắc lẫn âm thanh lần lượt ra đời. Con đường trong xóm cũng được phủ sáng bằng ánh đèn đường công nghiệp. Chiếc lồng đèn lon một thời nơi xóm nhỏ dưới đêm hội trăng rằm, giờ chỉ còn là hoài niệm…
LÊ TRƯƠNG THÚY DIỄM