Đó là những bữa cơm mà đứa trẻ quê nhà nghèo thường được ăn ngày nhỏ.
Sẽ chẳng có gì lạ với người dân quê đất Phú khi nghe nói đến cá mành, loài cá được đánh bắt bằng lưới mành. Sau này tôi nghe mẹ dạy, đó thực chất là cá sơn, lúc còn tươi cá đỏ au, thân mình lấp lánh trong veo.
Con cá mành lớn nhất cỡ bằng ngón tay người lớn, bình thường thì ngang thân đũa, mình dẹp với phần đầu và mang chiếm hết một phần ba thân. Muốn chế biến nhiều món ăn dân dã như canh rau, canh mướp, kho khô, kho keo chỉ nên dùng phần thân cá, có thịt thơm, vị ngọt đậm lại ít tanh. Đặc biệt, cá còn có thể đem dồn hũ muối chua, làm ra món mắm cá mành ngon không kém mắm cá cơm.
Một thời, cá mành được gọi là cá nhà nghèo do vừa túi tiền với nhiều người nội trợ quê. Xưa, cá mành không bán bằng ký mà đong bằng chén. Cái chén đất miệng loe đáy túm cạn lòng ráng xúc đầy cỡ nào cũng chỉ được lưng nhúm cá. Nhìn nhúm cá ít ỏi túm trong chiếc lá khoai môn, người không quen chắc sẽ ngạc nhiên nấu được món gì? Với chừng ấy cá, nếu khéo nấu, sẽ được một xoong canh ngọt nước cho cả nhà.
Ngày nhỏ, tôi khoái nhất món cá mành kho khô với mắm đường tiêu ớt; món này đặc biệt hao cơm trong những ngày mưa lạnh. Nhà tôi không quá nghèo, nhưng tính mẹ vốn chặt chẽ việc chi tiêu nên thực đơn hàng ngày luôn có món cá mành. Anh Ba, chị Bốn ăn cá mành hoài đâm ngán nên hay cằn nhằn, tôi cứ khoái. Mà lạ lắm, giờ đã hai phần đời, qua lâu rồi cái thuở hàn vi, tôi vẫn cứ thích ăn cá mành. Vợ tôi biết ý, đi chợ hễ gặp cá mành tươi là mua về sơ chế, cất ngăn đông. Có điều, cá mành giờ không còn nhiều nên cũng không còn rẻ. Cái tên cá nhà nghèo thuộc về một thời xa lắc…
Y NGUYÊN