1. Núi có tên núi Chai. Chai lỳ, chai nhẵn. Núi không có lấy một cây to, cây nào ngon lắm là cao gấp đôi một người trưởng thành. Còn lại toàn gai là gai. Lại thêm những bãi đất trống trơn, rộng rinh mọc đầy tranh đế. Chưa hết, nhắc đến núi Chai thì không thể không kể đến những hố sâu do bom đạn ngày trước để lại, nằm rải rác; miệng hố to, lòng hố sâu, nhìn chỉ thấy đất đỏ và sỏi. Chắc là trong rủi có may, núi chai quá, không có động vật nguy hiểm nên người lớn tha hồ vào kiếm củi chà, riêng con Tình và bầu bạn chăn bò thì xem đó là thiên đường ăn vặt.
Nói tới ăn vặt, gái Tình sáng mắt liền. Đã lắm, núi Chai có vô vàn món ngon khiến những đứa trẻ thiếu thốn phải mê tít. Còn phải hỏi, có mà đầy dú dẻ, chim chim, ổi, lá giang và đặc biệt là những trái đào lộn hột vàng vàng, đỏ đỏ to tròn, bóng rạnh ở rìa rừng.
Chao ôi, nói tới đào, trong nó lại hiện lên gương mặt xương xương, móp trên móp dưới của ông Sáu Xuyển. “Ông khỉ đột” - lũ thằng Thân, thằng Sửu cả gan gọi sau lưng rồi cười hí hí. Ai lại lộ liễu như vậy chứ. Con Tình ỷ có ít chữ nghĩa (học giỏi nhất bọn) chửi chúng hỗn, nó bảo: Mình phải gọi là “đệ tử Tôn Ngộ Không” cho lịch sự, chứ gọi kiểu đó ổng mà nghe được chắc sẽ chống nạng đi vác roi ngay lập tức. Con Tình nói xong tự động thấy hơi bị lố nên nở một nụ cười cầu hòa. Nó áy náy cũng phải, bởi trước giờ ông Sáu có làm mếch lòng đứa nào đâu, chưa mắng te tua hay bẻ roi đét đít, nhưng nó nói vậy vì chắc bụng đứa nào cũng sợ, tại biết cái tội ăn nói hỗn hào, xấc xược lại thêm dám to gan lẻn vào vườn đào hái trái giấu hạt là cái tội ngàn roi.
Mà chắc cũng cầm cự được ngày nào hay ngày ấy thôi chứ chẳng thể lùi xa cái ngày bầm mông đâu. Ăn quen miệng rồi, tới mùa đào chỉ muốn thu hạt (của người ta) về bán. Mà ông Sáu, chuyện bị ổng tóm ót không sớm thì cũng không quá muộn đâu. Dù nhận xét hung hiền khác nhau nhưng tất cả đều công nhận ông Sáu đi bằng chiếc nạng gỗ nhưng siêu lắm, mình đi hai chân chưa nhanh bằng ông. Chống thọt, chống thọt nhưng chắc vầm chứ chẳng chông chênh chao đảo chi hết. Cơ khổ cái “tội” mẫn cán, cắp nạng đi khắp vườn đào, hóc hiểm nào cũng có dấu chân tròn của ổng - con Tình vừa cám cảnh vừa khâm phục nói: “Không ai dùng từ thoăn thoắt cho người mất một chân nhưng Tình tui hoàn toàn tự tin dành từ này cho ông Sáu, vì ông xứng đáng”.
Con Tình nói đúng, ông Sáu giỏi gấp đôi người lành lặn thông thường - ngôn ngữ của người lớn xóm nó. Hoạt bát và năng nổ, ông đi kêu và coi công, chăm sóc, thu hoạch vườn đào của hợp tác xã. Vườn đào từ khi ông vào làm tổng quản, khởi sắc từ đầu đến cuối. Và vì ông trực suốt ở rìa rừng nên lũ chăn bò chẳng dễ hái trộm đào, giấu hạt bán như ngày xưa nữa. Rõ chán! Thông qua chú Cảnh, ông Sáu phát lệnh đào được hái ăn thoải mái, nhưng hạt phải để dồn lại, sẽ có người đến nhặt. Dù thơm thảo thông thoáng như vậy (trái đào vẫn được vợ ông đem ra chợ bán) thì mấy đứa vẫn bực bõ với ông. Lòng tham con người là vô hạn mà, muốn ăn đã miệng còn đòi có tiền đút túi nữa mới chịu. Nhưng đời mà, chiếc chăn hạnh phúc ngắn lắm, dễ gì đạt được cái lợi nhân đôi. Xin lỗi vì nói mà không sợ khẩu nghiệp, ông Sáu ngoài năng lực thượng thừa đi một chân còn có đôi mắt cú vọ nữa. Tụi thằng Thân, thằng Sửu ma lanh đội hạt trên mũ đã bị ông tó rồi, may mà chưa báo ba mẹ nó, nếu không cầm chắc bầm mông. Chỉ vậy mà bọn nó tức khí ông Sáu, lầm bầm không đã miệng chúng bèn tìm chỗ giải stress, chỗ đó chính là chú Cảnh, em họ ông Sáu, canh tác bầu sen gần đó và phụ trông coi vườn đào.
Nếu ông Sáu là “đối thủ” trong im lặng thì chú Cảnh là chỗ bạn bầu lúc rôm rả. Lũ chăn bò đồng tâm xem chú là người bạn lớn. Không phải bây giờ mà ngay từ cái hồi còn rất nhỏ ấy, cái Tình đã nghĩ “vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi” trong bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến sao giống chú Cảnh quá. Chỉ có điều chú không dạy học, không đánh đàn mà chỉ chăm bầu sen, trồng dưa và kể chuyện nên cái Tình hát theo lời nó tự đặt: “…anh thương binh vẫn đến đồng làng và ngày ngày kể các em thơ câu chuyện quê hương…”.
Chú Cảnh vào lính muộn, sau ông Sáu. Đi được vài năm thì thống nhất đất nước. Chú không về làng trên một chiếc nạng gỗ mà chịu một vết thương trên cánh tay, nên giờ cánh tay trái đơ đơ. Ra lính, lấy vợ, sinh con; mấy thửa đất kề sông cùng sườn núi là cơ nghiệp của hai người lính.
Rất quý mến, cái Tình có thể ngồi cả buổi chỉ để nhìn chú làm việc. Rất khéo, chỉ một tay mạnh nhưng chú có thể cày, cuốc, trồng, tưới nước, nhổ cỏ, bắt sâu và thu hoạch. Khi nó trầm trồ khen tài thì chú bảo nếu có khen hãy đi khen bác Sáu. Chú bảo: “Một chân tròn” nhưng bác ấy có thể vác cả bao hạt đào nặng chất lên ghe chèo qua phía bên kia và vững chãi bước lên cái dốc dựng đứng mà chú và mấy đứa chắc đã nhiều phen bị trượt.
Biết vậy, khâm phục vậy nhưng đã sợ thì không thích được - nhỏ Tình lý sự. Chú Cảnh giải thích cho nó hiểu vẻ ngoài nghiêm túc, không thân thiện với trẻ con không có nghĩa khó gần và đáng ghét. Kệ đi, lũ chăn bò chẳng có đứa nào ghét ông Sáu đâu, chỉ sờ sợ thôi - nó cam kết - mà sợ thì thấy ổng là tự dưng tái mặt, diễn biến tâm lý ấy cũng bình thường ở trẻ nhỏ mà. Nếu chú Cảnh một hai bảo ông Sáu dũng cảm ở chiến trường và lăn lộn ở rìa rừng giỏi hơn thì nhỏ Tình và mấy đứa vẫn kiên cường làm “đồng đội” chú Cảnh. Ai biểu chú dễ thương chi. Giữa những ngày lao động vất vả, bên sông, dưới bóng cây mù u mát rượi, chú kể cho lũ chăn bò nghe câu chuyện chiến trường. Nhỏ Tình nghe hết nhưng ám vào tâm trí nó là câu chuyện người đồng đội kéo lê cái chân bị thương xuống suối lấy nước khi bạn đang cơn khát cao trào vì bị kìm kẹp giữa nóng và lạnh của căn bệnh sốt rét. Câu chuyện được chú kể nhiều lần, lần nào cũng làm nó mủi lòng muốn khóc.
2. Tình lớn lên, rời đàn bò, xa bãi bồi, sườn núi Chai bên sông, lên núi cao dạy học.
Làm cô giáo vùng cao, nghỉ hè cứ ngỡ sẽ được về nhà, nhưng không, hè là thời điểm khai giảng lớp phổ cập. Nàng nghe mấy anh chị về trước “hù”: Học sinh đến trường thì mười đứa hết tám lôi thôi lếch thếch. Thấy cô giáo trẻ có khi mấy học trò lớn tuổi hơn sẽ yêu cô giáo mà “bắt” lại đó. Giỡn vậy thôi mà cô giáo mới ra trường phát hoảng.
Là nữ nên cô Tình được ưu tiên chia dạy phổ cập ở thôn gần nội trú nhất. Nhưng do không thể chủ động phương tiện đi lại, ban đêm không dám đi bộ ở nơi nhìn đâu cũng thấy núi nên nàng tình nguyện xin lên Suối Biểu, theo xe một anh đồng nghiệp cũng dạy ở đó cho tiện. Cụm Suối Biểu là địa bàn xa nhất xã, thôn này chủ yếu là người dân tộc thiểu số, bằng tuổi cô có đến vài học sinh.
Còn nhớ, hôm khai giảng, phát dụng cụ học tập xong, các em vui mừng chạy lại xúm xít xung quanh cô, hớn hở:
- Cô là cô giáo đầu tiên dạy ở đây đấy!
Cô Tình được giới thiệu là cô giáo chủ nhiệm lớp. Các em vỗ tay rào rào nhưng cô dạ sầu héo hắt. Tự dưng đem thân gái lên xứ khỉ ho cò gáy, dạy ngày chưa đủ còn tranh thủ dạy đêm. Đêm trùng trùng điệp điệp, toàn tiếng con gì kêu chứ hổng nghe tiếng người. Chán gì đâu. Đã nhờ bạn bè kiếm giúp công việc dưới xuôi rồi, từ từ cũng về thôi.
Hôm sau đó, đến lịch dạy phổ cập thì anh đồng nghiệp bảo chỉ có thể chở cô giáo lên trường sớm đợi học sinh, dạy xong anh sẽ lên chở về, vì có việc đột xuất.
Lên trường sớm, sáu giờ rưỡi dạy mà mới ba giờ đã đứng trước cổng điểm trường. Biết làm gì, nàng chui đại vô quán nước mía ngay cổng trường, quán nhỏ mà nhìn cảm tình liền, sạch sẽ và ngăn nắp.
Gọi ly nước mía. Chủ quán từ trong nhà đi ra, ồ, dáng ai mà quen quá vậy. Trời, bà Sáu Xuyển. Sao lại có cuộc gặp thần thánh vầy trời? Bé Tình, hồi nhỏ có lần to gan leo ra nhánh cây lắt lẻo để hái trái đào đỏ căng mọng, nhìn xuống đã thấy ông Sáu chống nạng đứng dưới gốc, cô bé run như cầy sấy. Nhưng khi nghe ông bảo từ từ leo xuống chứ té bây giờ, con nhỏ từ chỗ không dám hé răng với ông Sáu, đã loa loa khen với mấy đứa: Ông Sáu quả là người có tấm lòng bồ tát. Từ sau lần đó, nó đã không còn sờ sợ ông Sáu nữa.
3. Gặp người quen nơi đất khách, cô Tình mừng không tả nổi. Hỏi ông Sáu đâu, bà Sáu chỉ về vườn keo phía trước mặt, lại là sườn núi, là những vườn keo xanh đậm đặc. Nàng đưa mắt nhìn theo hướng tay bà Sáu trầm trồ thì bà nói: Biểu là mình sức yếu, lăn lộn ít thôi kẻo chết sớm nhưng ổng bảo, mình sống mỗi ngày thì cũng như đang từ giã cõi đời mỗi ngày thôi, ráng… - bà nói và thở dài rất yêu.
Phần cô giáo Tình, còn hơn ba tiếng đồng hồ nữa mới bắt đầu nhưng lòng nôn nao đến lạ. Cô muốn được làm thật tốt công việc của mình như thể ngày mai sẽ không còn được gặp học sinh của mình nữa…