Thứ Tư, 27/11/2024 16:45 CH
Nhớ nồi cám heo ngày trước
Chủ Nhật, 02/04/2023 09:00 SA

Sáng nay, thức dậy lúc 3 giờ 30, đang nấu nước sôi để chuẩn bị cho một ngày mới, nghe tiếng động phía ngoài đường, mở cửa thấy một phụ nữ đang khom lưng trút xô thức ăn thừa vào thùng nhựa buộc trên chiếc xe máy, tôi chợt nhớ về nồi cám heo nhà mình ngày trước.

 

Nhà nông đông con, ba đi bộ đội nên trăm sự việc nhà đặt lên vai mẹ. Ngày đó, ba tôi là sĩ quan nhưng không có lương gửi về cho mẹ như bây giờ. Mẹ chỉ nhận từ ba niềm tự hào vợ bộ đội, vài năm mới về phép một lần. Mẹ tần tảo quanh năm, nhờ vào sự giúp đỡ cưu mang của xóm giềng để nuôi 7 đứa con khôn lớn.

 

Tuy nhiên, trẻ con ngày đó cũng sớm biết giúp đỡ công việc nhà, việc đồng áng. Mẹ lao động quần quật từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Thương mẹ, tùy theo lứa tuổi, chị em tôi chia nhau giúp mẹ những công việc mà mình có thể làm được. Anh chị thì cày cấy, nhỏ hơn thì chăn trâu, cắt cỏ, trông em. Tôi thường đảm nhiệm việc quét nhà và cắt rau nấu nồi cám heo cho hai con heo nái và mỗi lứa mấy con heo thịt. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.

 

Ngày nào chúng tôi cũng phải nấu hai nồi cám to đủ để cho heo ăn cả ngày. Mỗi ngày sau khi đi học về, tôi tự động mang bao, mang liềm đi cắt đầy bao rau. Rau cho heo tùy theo mùa với đủ các loại. Chuối cây là chủ lực, rau muống, rau lang, bèo, môn thục, rau dại…, hái về băm, xắt nhỏ rồi cho vào cái nồi to cao bằng nửa người tôi. Khi nước sôi, rau nhừ thì cho cám vào quấy lên rồi đậy vung, vùi tro lại là hoàn thành công việc.

 

Người làng tôi thường khen mẹ mát tay nuôi heo nái sai con, nuôi heo thịt mau lớn. Heo nái sau khi đẻ hơn hai tháng thì xuất chuồng đàn con. Heo thịt nuôi tầm gần năm thì bán.

 

Có lẽ vì gian khó mà con người ta gắn bó với nhau hơn, nhà đông con đói khổ mà chị em tôi luôn nhường nhịn, sẻ chia từ miếng ăn, việc làm, tấm quần manh áo. Thương yêu nhau hơn cả bản thân mình, mẹ nhịn cho con, anh chị đỡ đần bảo ban em. Cuộc sống nghèo túng mà êm đềm bên nhau cho đến khi trưởng thành, rời gia đình để lại tình thương vô bến bờ. Lớn lên, xây dựng gia đình riêng ở cuối thập kỷ 80, tôi vẫn nuôi heo, nấu nồi cám heo thường ngày. Nồi cám heo ngày xưa nhắc nhớ tôi về sự vất vả và cũng cho tôi cảm nhận sâu sắc về tình thương mà người thân dành cho mình.

 

Đã rất lâu rồi, tôi không còn thấy những nồi cám heo sánh đặc. Bây giờ, người ta nuôi heo theo hướng công nghiệp, trang trại. Thức ăn cho gia súc, gia cầm chủ yếu ra cửa hàng mua. Nhìn hình ảnh người phụ nữ chăm chỉ, cặm cụi đi gom thức ăn thừa về nuôi heo, tôi nhớ về ký ức xưa. Trong ký ức ấy, những sợi khói bếp và nồi cám nghi ngút khói đọng lại kỷ niệm đong đầy không thể nào quên.

 

NGUYỄN BÁ THUYẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sức trẻ áo xanh tình nguyện
Chủ Nhật, 26/03/2023 08:00 SA
Khúc tự tình tháng ba – thơ THU TRÂM
Chủ Nhật, 26/03/2023 07:00 SA
Tình em – thơ HUỲNH DUY SIÊNG
Chủ Nhật, 26/03/2023 06:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek