Mưa, lại mưa. Bập bùng. Rỉ rê.
Tôi thích tiếng mưa, lúc dữ dội, khi dịu êm - y chang bản hòa ca cuộc sống. Mùa mưa đến, tôi thường tựa lưng vào bức tường kỷ niệm, lang thang đuổi bắt. Ký ức nhập nhòa.
Minh họa: PV |
Ấy là những ngày mưa lạnh lẽo. Mưa kệ mưa, lạnh kệ lạnh. Hễ cậu em rủ lùa bò ra đồng bắt cua là tôi lén mở cổng rượt bò chạy liền. Sao không ham cho được, những cái càng cua múp rụp. Đó là chưa nói món canh cua đu đủ nêm lá gừng mẹ nấu thuộc hàng… trứ danh. Tội nghiệp mấy con bò vô phúc, bị khổ chủ đem trưng giữa màn mưa, lông lá dựng đứng, run cầm cập. Trời mưa, cánh đồng trắng nước, chỉ mấy cọng rạ nứt chồi, cỏ hôi bùn, bò khom xuống ngửi rồi khịt khịt bỏ đi. Ừ, thông cảm nha! Cứ đi rong kiếm chồi nhai đỡ cho hết buổi rồi sẽ được về nghiền rơm. Bò và chủ thay nhau đi. Nhưng tôi thì vui hơn, còn cái thú nào bằng cái thú nghêu ngao dọc các bờ ruộng bắt cua với cậu em. Nếu bà chị tôi thò tay vô hang sâu và lôi ra một con rắn nước rồi la oai oái, co chân co cẳng băng chạy như bị ma đuổi thì cậu em sẽ cười ngặt nghẹo. Tôi vờ giận thì sẽ được “đền” cho mấy con cua có cái càng béo múp.
Rồi những ngày nước nổi, hai chị em hầm rập ra đồng bắt cá. Tấn nam nhi đại trượng phu nên chọn khúc mương nhỏ, tôi thì khoanh một lát ruộng rộc (ruộng trũng, thấp) be bờ, tát nước. Hôm ấy, tôi dọ dẫm trong đám ruộng để thám thính thì phát hiện một vệt đen lòm, lấp ló dưới nước. Tôi ré to, sung sướng nghĩ tới viễn cảnh được ăn cơm nguội với cá diết kho keo. Thế là tôi lật đật rào khu vực có “địch”. Chổng đầu tát một chập, khi nước đã cạn thì tôi hí hửng lấy cái giỏ đeo vô hông “tác nghiệp”. Cha mẹ ơi, một con đỉa trâu nằm chình ình trên bùn. Tôi run bắn, thiếu điều vãi đái, vừa chạy vừa la “Cứu với! Cứu với!”. Tấn phải rượt theo mới chụp được tôi lại. Con đỉa còn nằm dưới ruộng, hồn tôi đã ngự chín tầng mây. Cậu em phán: Nhìn bộ dạng vừa khóc vừa chạy của bà chị, mắc cười không chịu được. Cứ ngáo như con bò đội nón miết cho tui. (Trời đất! Có cái sở thích gì kỳ… “cọ” vậy không biết!).
Tôi còn có một nỗi đam mê hiểm hóc nữa, là thích đi ăn chè chuối nướng vào những ngày mưa lạnh. Cũng chỉ có cậu em mới chịu nổi cái sở thích ác nhơn đó. Những hôm mưa, Tấn sẽ cân đai chỉnh tề, đem xe ra nhà thồ tôi đi ăn.
Vào cái hôm trước khi vô Bình Dương làm, Tấn có đến chở tôi đi ăn chè. Cậu em bảo: “Sẽ cho bà chị ăn đã đời luôn, ăn bù cho khoảng thời gian tui vắng!”. Hôm ấy mưa nhỏ thôi, vì mưa nhỏ nên con đường đất vào quán cô Tám trơn như cột bôi mỡ vậy. Xe loạng choạng, chắc là Tấn phải nín thở lái. Còn tôi, cái miệng vẫn ra rả vì mọi sự đã có cậu em lo, ai biểu khi tôi sợ sâu sợ đỉa khóc thì mạnh miệng dỗ: “Đừng khóc nữa. Trời sập đã có tui!”. Đang tủm tỉm cười thì “bầm!”. Hai chị em lăn chiêng dưới bùn. Tôi vốn nhão nên rớt khỏi xe là miệng hu hu liền. Tấn lật đật nhào tới, lo lắng “Có sao không? Đau chỗ nào?”. Đầu gối tôi có vết xước rướm máu, nói không sao nhưng Tấn cộ tôi tới thẳng tiệm thuốc Tây nhờ dược sĩ sát trùng, bôi thuốc. Xong rồi thì một hai chở bà chị đi ăn chè bằng được. Lúc vô quán, thấy mặt Tấn có chút nhăn nhó, tôi hỏi có trúng chỗ nào không. Tấn bảo lành lặn 100%.
- Không biết thằng Tấn nhà chú Tám té xe ra làm sao mà nghe mẹ nó bảo tay bị sưng to, chắc là trật khớp.
Mẹ nói như thế trong bữa cơm, tôi nghe xong đâm hoảng, tại hôm bữa ngã với tôi, hắn còn nguyên si mà.
- Em ấy bị tai nạn ở đâu hả mẹ?
- Không biết! Nghe mẹ nó bảo đêm hôm kia có lấy xe đi đâu một chút rồi về. Khi về cũng im lặng ngủ, nhưng sáng ra thì tay sưng phù.
- Ăn cơm xong mẹ rửa chén dùm, con đi thăm cậu ấy đây!
- Thăm nom gì nữa, sáng ba nó chở ra bến xe đi Bình Dương rồi còn.
- …….
(Tấn là em, em họ. Nói em họ, nghe thiệt gần nhưng nếu đem gia phả họ Nguyễn ra dòm thì đã xa lắc xa lơ rồi. Bà con xa kiểu đại bác bắn… bảy ngày cũng không tới í. Nếu không phải chung tuổi, chung lớp, chung trường, và chung thích… mùa mưa thì chắc tới chừng xuống lỗ cũng không biết chị em chi đâu. Vậy nên bạn đừng kinh ngạc vì lúc tôi kêu Tấn, khi lại “cậu em” nha.
Tấn mình dây, da dẻ hồng hào, mắt mũi thanh tú. Vẻ thư sinh như Lương Sơn Bá của cậu em là đích nghía của mấy mỹ nhân trong trường. Các nàng chắc là “gai” tôi lắm lắm. Thì tại Tấn với tôi cứ như “chim liền cánh, cây liền cành” vậy. Tối nào cậu em cũng qua nhà tôi chơi. Chuyện gì cũng kể tôi nghe. Từ chuyện từng lén hôn má một cô bé, rồi trốn mẹ hút thuốc, thậm chí đến chuyện bị… mộng tinh cũng kể luôn. Tôi cũng ý thức được trọng trách của một bà chị nên “cắn răng” nghe, có lúc còn ra vẻ bề trên, đạo mạo “dạy dỗ” hắn.
Thân thiết tới cỡ nào thì cũng là chị, em. Gia phả họ Nguyễn đã ghi rõ ràng, rạch ròi thứ lớp rồi. Mày lớn rồi, cũng có bạn có bầu chứ giờ cứ chị chị em em với thằng Tấn miết na? Má tôi đấy, má rằn rực khi tôi với Tấn cứ thậm thụt. Mà nhiều lúc tôi cũng thấy bực chứ nói chi mẹ. Tấn là em, em họ, tôi khắc cốt ghi tâm điều ấy. Em họ là em họ, chơi thân đã đành nhưng cũng cho tôi làm bạn với thằng con trai người dưng nữa chứ. Tôi rốt cuộc cũng là cô bé dậy thì, tim cũng thoi thoi khi thấy một chàng trai lén dòm mình thôi. Còn Tấn, chỉ từ khi lên lớp 10 mới bắt đầu chơi thân với chị họ tôi chứ tiểu sử hắn cũng đâu có vừa, hồi lớp 9 cũng rung động với một nàng khác lớp rồi. Vậy mà chẳng ý tứ chi ráo, nếu tôi và cậu đi học chung đường về, lỡ có gã nào lò dò theo tôi thì Tấn “dọa” cho mấy câu xanh rờn, đằng nào cũng xách dép chạy không kịp. Giữ tui đặng ướp muối phơi khô rồi cho vô viện bảo tàng chắc. Còn lệnh: “Đừng có bạn trai nghen, có tui là đủ rồi!”. Trời! Rối kiếm với cậu em luôn á!)
Tôi học trường tỉnh. Tấn cũng thi đậu nhưng không học, một hai vô Bình Dương làm. Thiệt chẳng hiểu cậu em có mưu đồ gì nữa. Chị em mỗi đứa một nơi. Thấy thiếu thiếu. Chuyện cũng không có gì lạ đúng không bạn? Ngày nào cũng gặp, cũng cười, có khi giận hờn những chuyện vớ vẩn. Giờ tự dưng mỗi đứa một nơi, mất liên lạc. Đi làm thì cũng gửi địa chỉ đặng liên lạc chớ? Tôi có làm gì đắc tội đâu, tự dưng nghỉ chơi - lãng nhách. Mà đôi lúc tôi cũng thấy mình khùng khùng sao á. Nhiều lần tự hỏi, không biết cậu em với nhỏ Mẫn giờ sao rồi. Mẫn là cô lớp phó học tập, đang là sinh viên trong thành phố. Hồi học, nàng luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt với Tấn. Tôi nhiều hồi muốn quạu nha, cứ y như không có nàng nào được quyền để ý cậu em tôi vậy. Chán bà chị tôi thiệt, tự dưng vô duyên ác. Không hiểu nổi mình nữa.
- Sao bà lại ở đây, tưởng đi tiễn thằng Tấn rồi chớ ? - Tôi gặp Hải, bạn cùng lớp, cũng là thằng bạn thân duy nhất của Tấn trong một buổi trường tôi giao lưu với học viện ngân hàng.
- Làm gì tiễn đưa trời?
- Nó đăng ký xuất khẩu lao động bên Hàn. Mới đi hồi sáng chớ mấy.
- Gì kỳ vậy?
- Nó nói trốn bà đấy!
- …
***
Mưa, lại mưa, lại nhớ. Tôi vẫn thích tiếng mưa rơi. Có điều, tiếng mưa bây giờ xa lắc…