Biển xanh mênh mông với những con sóng nhè nhẹ vỗ vào bờ, ai tới vùng biển này cũng thấy yên bình và thư thái. Người người khắp nơi đổ về đây để hòa mình vào làn nước, để thấy mình nhỏ bé trước bao la, để có cảm giác người cần người hơn. Từng đôi, từng đôi nắm tay nhau đi trên cát, trao nhau ánh mắt, nụ cười tình tứ. Biển xóa bỏ những ngăn cách và gắn kết yêu thương.
Chị Tư bước đi trên cát, những đụn cát hằn dưới chân chị nặng trịch. Cuộc sống mưu sinh nơi bãi biển trung tâm thành phố này gắn với cuộc đời chị gần 35 năm nay. Chị cũng không nhớ từ khi nào, chỉ biết chị sinh ra trên cát ở một làng chài nghèo ven thành phố. Theo thời gian, thành phố mở rộng, gia đình chị thuộc diện người thành phố chính cống nhưng đời sống thì vẫn vậy, bì bõm 3 bữa đủ no. Biển là nơi ba má chị bám víu mưu sinh, là nơi vợ chồng chị tìm thấy miếng cơm manh áo để lo cho đàn con nhỏ. Ngày trước, nơi đây chỉ có mỗi nghề đi biển, những người phụ nữ như má chị tiễn chồng lên thuyền ra khơi. Rồi ngóng trông, có những chuyến, cá về ăm ắp đầy khoang, lấp lánh trong màu cá bạc là mồ hôi rịn nắng và muối biển của những người đàn ông như cha chị, là niềm vui rưng rưng ngấn lệ của những người vợ như mẹ chị khi thấy chồng bình yên trở về. Có những chuyến, biển cuốn phăng tất cả, mộ cát nhiều hơn, những người phụ nữ thất thần vô hồn chạy ra biển gào khóc đòi người, những đứa trẻ nhờ cá muối, mà muối nhiều hơn cá lầm lũi lớn lên.
18 tuổi, chị lấy chồng như bao cô gái làng chài khác. Chồng chị chẳng đâu xa lạ, là hàng xóm, là bạn học với chị. Cả hai cứ hồn nhiên lớn lên bên nhau, tới tuổi cặp kê thẹn thùng trước nhau và yêu nhau, lấy nhau. Anh đi biển, chị ở nhà mớ rau, mớ cá nuôi con và chờ chồng. Từ khi ra ở riêng, chị đâm ra sợ biển nổi gió, nổi giông và có bão. Ngày trước, mỗi khi trời động, thấy má ôm khư khư cái đài cát sét, chỉ để nghe ngóng tin tức dự báo thời tiết, chị đã trêu má:
- Chàng mới đi có mấy ngày mà nàng đã nóng ruột rồi đây… Hi hi
- Cha cô, cô cứ cười tôi, lấy chồng đi là biết ngay thôi.
* * *
Mưa lớn, nước ở đâu kéo về ầm ầm, biển dâng cao tới tận khu rừng dương chắn sóng như muốn nuốt sâu vào thành phố. Mới hôm qua, chị còn nghe điện của chồng, rằng chỉ chiều tối nay là tàu anh về tới bến. Vậy mà chỉ từ đêm đến sáng, áp thấp nhiệt đới nhanh chóng chuyển thành bão, điện thoại chị không còn gọi được cho anh. Không biết bấu víu vào ai, chị một mình đội mưa đội gió ra miếu thần Nam Hải khấn vái. Bão tan, thuyền đi 10 người về được 2, không thấy chồng chị đâu. Má chị đã đắp mộ cát cho anh, chỉ có chị là không chịu, chị vẫn cứ tin anh sẽ trở về. Cũng từ đó, chị không còn bán cá ngoài bến mà chiều chiều ra bãi tắm bán đồ ăn vặt cho khách du lịch. Những người bán buôn cùng chị thì kêu chị là cá hố có bước chân nặng trịch như voi bởi mỗi bước dậm nghỉ của chị bao giờ cũng lún sâu xuống cát. Ngoài tư thế chào khách mua đồ, chị lúc nào cũng sẵn tư thế quay ngược lại hướng ra biển, chỉ để chờ một phép màu từ biển cả mênh mông ngoài kia, vì thế mà chị luôn ghìm chân cố đứng vững trên cát. Lần nào cũng vậy, bán hết đồ, chị lại ngồi với biển và chị đưa cả hai con ra ngồi cùng mình. Ai cũng thấy biển bình yên chỉ có chị thấu hiểu những con sóng ngầm luôn chực chờ dưới lớp nước tĩnh lặng kia. Thằng hai hỏi chị:
- Má chờ ai vậy má?
- Má chờ ba con…
* * *
Thành phố quy hoạch cho phát triển du lịch, nghề bán hàng rong của chị bị cấm. Chị không có vốn thuê mặt bằng mở bán nên phải xoay sang muối cá làm mắm. Con gái làng biển ai cũng biết nghề này, nhưng từ trước tới nay chị chỉ muối ăn trong nhà, ngon hay dở gì cũng được chấp nhận. Giờ làm mắm bán, chị không biết bà con và khách hàng có chấp nhận. Chị có sẵn kinh nghiệm chọn cá, giờ chỉ học đổ muối làm sao cho vừa cá. Mấy mẻ mắm đầu, bán cũng có người mua nhưng toàn phải bán giá rẻ, tính ra làm chỉ đủ thu hồi vốn, chẳng có công. Má chị thương con, 70 tuổi rồi vẫn cặm cụi đi tới từng nhà chào bán mắm cho chị. Lần nào má bán cũng hết mắm, về nhà vui vẻ động viên chị làm tiếp. Nhiều lúc chị định bỏ nghề nhưng thấy bán túc tắc cũng được, mà bỏ rồi chẳng biết làm nghề gì nên chị lại cố.
Đang lúi húi sau nhà, chị nghe tiếng khóc của con ở đầu ngõ. Anh em thằng hai đùa nhau thế nào, ngã nhào vô hàng rào trước cổng, quần áo toàn mùi mắm. Vừa bước ra, mùi hăng hắc, thum thủm của mắm xộc vào mũi chị. Hai con chị như vừa bị nhúng từ hũ mắm ra. Chị đâu có để mắm ngoài này… Chị vạch rào nhìn vô chỗ con ngã, những chai mắm của chị dồn đống lại đó. Chị hiểu ra, miệng thốt được một tiếng:
- Má!!!
Các con chị thấy mẹ khóc thì hốt hoảng khoanh tay trước ngực:
- Má ơi, con xin lỗi má, từ nay con không đùa ngã nữa.
Chị vừa thay quần áo cho con và dọn gọn gàng đống chai nước mắm ngoài cổng trông như cũ thì má chị về. Như mọi lần, bà hồ hởi:
- Bán hết rồi đó con à, làm thêm đi con, mà lần sau con cho thêm chút muối nữa nhé, mắm hơi lạt nên bà con sợ để không được lâu.
Chị cười tươi với má như mọi khi, rồi lẻn ra đầu ngõ xem lại đống mắm. Chiều má cầm đi 5 chai, giờ chỗ này có thêm 4 chai. Má đi từ 1 giờ trưa tới 6 giờ tối mới bán được 1 chai mắm. Mắt chị nhòa lệ, chảy xuống má, mặn mặn nơi đầu lưỡi… Thì ra từ trước tới nay, chỉ có má là khách hàng của chị.
Phải thay đổi nếu không trước sau chị cũng không trụ được với nghề, nhưng chị cũng đã cố hết sức; cũng là cá và muối thôi tại sao chị làm không có người mua. Chị quyết tâm bỏ công tìm hiểu xem mắm người ta làm thế nào mà vừa thơm vừa sánh vàng, trông bắt mắt mà hợp vị giác. Cũng không mất nhiều thời gian và mẻ mắm thứ 10 chị quyết định làm như cách nhiều người vẫn làm. Chị lên thành phố tìm mua thứ bột hóa chất màu trắng. Chị múc thử một ca mắm, dùng đầu đũa nhúng vô thứ bột đó rồi hòa vào mắm, chỉ một phút sau mắm đã chuyển màu vàng sánh và thơm lừng. Một trăm chai mắm chị vừa đóng hoàn tất, gọi lái buôn tới xem hàng, lần này khách hàng không từ chối nữa mà ưa ngay. Người ta đặt cọc toàn bộ tiền và hẹn 12 giờ trưa có người mang xe tới chở. Chị không nghĩ được gì nhiều, chị cần tiền để lo cho 2 con và tuổi già của má. Thiên hạ làm được chị cũng làm được, có sao đâu. Chị thoáng hoang mang trong lòng, dùng hóa chất pha vào mắm, ảnh hướng tới sức khỏe mọi người là điều tối kỵ của dân biển. Nhưng cuộc sống mưu sinh, mắm hóa chất bên ngoài cũng đã tràn vào làng rồi…
- Đừng làm thế con à, tội đó con…
Tiếng má chị nhẹ nhàng từ trong nhà nói ra. Thì ra má biết tất cả. Rồi má tiếp:
- Mình cứ làm thật, trông xấu xí nhưng sạch, không hại đến ai, rồi cuối cùng mọi người cũng nhìn ra thôi. Hơn nữa con chưa chắc tay nghề, chất lượng chưa thực ngon, nên bà con chưa mua nhiều. Mình phải chấp nhận con à…
Chị ngắt lời má:
- Nhưng con không thể để má cứ lấy tiền tiết kiệm tuổi già ba để lại mà mua mắm động viên con. Các cháu má cũng cần có tiền để đi học.
- Dù nghèo con cũng không được làm thế, hại sức khỏe người là thất đức lắm. Với lại con bán được mẻ mắm này, thậm chí cả chục mẻ sau, nhưng trước sau gì cũng có người biết, rồi người ta quay lưng lại với mình mãi mãi, chẳng bền lâu được đâu con. Lúc con còn trẻ, má chẳng cho con ăn học bằng người, cũng không cho con được cái nghề đủ kiếm sống nên giờ dù má có mất toàn bộ số tiền tiết kiệm này nhưng đổi được con thạo nghề cha ông là má mừng. Nghe má, đổ hết đi, làm lại từ đầu con à. Con cũng nên ra mộ thằng Tư thắp cho nó cây nhang, 5 năm rồi còn gì, con phải buông bỏ để nó còn siêu thoát.
Chị đào hố rồi cùng má hủy hết số mắm đó, chị trả lại toàn bộ số tiền đặt cọc cũng như tiền bồi thường cho khách. Chị mua hương hoa, nấu cho anh bát canh cá chua anh vẫn thích. Tới tận hôm nay, chị mới đủ dũng cảm ra mộ anh, thắp nhang cho anh. Cũng chừng ấy thời gian chị mới chấp nhận được anh không còn bên chị trên cõi đời này.
* * *
Chị dọn dẹp khu làm mắm, lát gạch hoa sạch sẽ, trang bị thêm các thùng gỗ lớn để muối mắm theo công thức mới. Chị nếm những giọt mắm đầu tiên sau nhiều tháng cặm cụi học nghề, thấy khác hẳn, vị mặn mòi của biển tan nơi đầu lưỡi.
Nước mắm chị Tư được mọi người biết tới, bắt đầu có mối ở ngoài tỉnh.
Một doanh nhân nước ngoài đi du lịch thăm làng chài quê chị, thấy mắm nhà chị làm sạch và ngon đã đầu tư kinh phí cho chị mở rộng sản xuất, lắp đặt dây chuyền đóng chai hiện đại và làm đầu mối tiêu thụ ra thị trường ngoài nước, lợi nhuận chia đều 50-50. Mẻ hàng đầu tiên, nước mắm chị Tư có mặt ở một siêu thị của nước ngoài, chị đã không kìm nổi nước mắt. Đứng trước biển, gió lộng cuốn theo vị mặn mòi của đại dương như ôm lấy chị, biển lấy đi của chị nhiều thứ nhưng cũng bù đắp xứng đáng cho những nỗ lực của chị. Hơn hết, những người phụ nữ quê chị không còn bập bềnh như những con sóng ngoài khơi kia nữa, họ đã có việc làm từ những nhà máy chế biến nước mắm, chế biến cá… Phía xa xa, có một người đàn ông luôn sẵn sàng đợi chị mở lòng.
BẠCH VÂN