Sống như biển cả

Sống như biển cả

Gia đình tôi không theo nghề biển, song cha tôi rất tự hào mỗi khi nhắc đến những người bạn làm nghề biển của ông. Ông nói, nhờ họ mà mình có được sức khỏe dẻo dai và nghị lực để vượt qua thử thách trong những năm đầu đưa gia đình đến vùng đất mới lập nghiệp.

Gia đình tôi không theo nghề biển, song cha tôi rất tự hào mỗi khi nhắc đến những người bạn làm nghề biển của ông. Ông nói, nhờ họ mà mình có được sức khỏe dẻo dai và nghị lực để vượt qua thử thách trong những năm đầu đưa gia đình đến vùng đất mới lập nghiệp.

Ngày ấy, cha tôi là một cậu bé ốm yếu, còi cọc. 17, 18 tuổi nhưng ông chịu thua trước những việc nặng nhọc. Ông buồn rất nhiều khi thấy bạn cùng lứa khi thì lên rừng đốn củi, lúc phụ cha mẹ cuốc đất trên những ngọn đồi lởm chởm đá sỏi, trong khi ông chưa lên tới quá nửa ngọn đồi đã thở hộc tốc, đôi chân nhũn lại, không chút sức lực. Với ông, đó là những tháng ngày ông thấy mình vô dụng nhất.

Nội tôi có một căn nhà ngói ba gian nằm trên con đường chạy dọc hạ lưu một con sông lớn. Từ chỗ này xuôi thuyền dọc ra cửa biển không xa lắm. Dân trong xóm, ngoài việc tận dụng dòng phù sa màu mỡ của lòng sông để trồng hoa màu, còn lại buôn bán lặt vặt trên bờ, dưới nước. Đám choai choai như cha tôi bấy giờ có thể quá giang những chiếc ghe nhỏ chuyên buôn bán ấy để về cửa biển, nơi hai con nước ngọt mặn gặp nhau. Tôi giống cha ngày ấy, thường thắc mắc vì sao hai luồng nước trái vị lại có thể hòa vào nhau dễ dàng như vậy. Phải chăng cả biển cả bao la và dòng sông ngọt mát đều chấp thuận sự sắp bày bao dung của mẹ thiên nhiên!

Cha bắt đầu thích biển từ dạo ấy. Biển lắng nghe tiếng lòng rũ rượi của một đứa trẻ luôn bị mặc cảm vô dụng chi phối như cha.

 Đứng trước biển, cha nghe lòng mình nhẹ lại ít nhiều. Cha có vài người bạn học chung trường làng thuở bé, kiếm sống bằng con cá con tôm nước mặn. Tình cờ gặp lại họ sau gần 10 năm, cha ngỡ ngàng trước sức vóc tráng kiện và tinh thần thép của những cậu trai ấy. Họ xa đất liền mười bữa nửa tháng là chuyện bình thường. Trong lúc cha chưa từng bước xuống thuyền để thử cảm giác đứng trên con sóng nhấp nhô vì quá yếu ớt và mong manh.

Cho đến một lần, cha trốn nhà theo gia đình bạn ra khơi. Một cậu bé èo uột như ngọn cây thiếu nắng sẽ thế nào trước những đợt say sóng liên tiếp nối nhau hành hạ? Cha sợ và muốn chạy biến về nhà. Người bạn đã vỗ vai khẳng định cha sẽ làm được, thổi vào cha niềm tin rằng hãy mạnh dạn thử thách mình.

Kỷ niệm ấy, cha khắc sâu vào tâm khảm, xem nó là một bước ngoặt lớn trong đời. Ông kể đã chao đảo, vật vờ như một bóng ma trên tàu. Nhưng rồi, một ngày nọ, ông đã ngồi vững và miếng lương khô không còn rơi vãi. Đôi chân yếu đã trở thành hai trụ cột vững chắc giúp cha vững tay kéo lưới. Cha đã cười giòn tan và nhảy cẫng vui mừng khi mẻ lưới no đầy. Cha đi lại trên thuyền như người chủ thuần thục trong chính căn nhà của mình. Nước da bủng beo giờ đây được tắm đầy nắng gió, trở nên rắn chắc lạ thường. Cha tưởng như có một nguồn năng lượng lớn chảy cuồn cuộn trong thân thể mà trước nay chưa từng cảm giác. Cha muốn lao động, muốn thử sức làm chủ thiên nhiên, muốn một mình đứng vững giữa trời đất.

Cha không có duyên với biển. Cha gặp mẹ tôi lúc chính sách vận động bà con về miền núi đang chín muồi. Cha nghĩ rằng, vùng đất ấy sẽ là nơi gia đình nhỏ của ông an cư. Ông phải có trách nhiệm với quê hương mình. Cha tôi đã sống và lao động đúng nghĩa. Ông khiến mảnh đất cằn cỗi ngoan cố năm nào giờ ngoan ngoãn cho hoa thơm, trái ngọt. Dù vậy, đâu đó trong trái tim ông vẫn lưu giữ biển cả, một người bạn bên ông lúc cần nhất.

Bây giờ, khi ghi lại những dòng hồi tưởng của cha, tôi biết rằng, ông muốn con mình phải biết yêu lao động, biết nỗ lực và trân quý những giá trị mà lạch suối, con sông và biển cả mang về…

PHẠM HẢI DƯƠNG

Từ khóa:

Ý kiến của bạn