Mận mùa nào cũng đơm hoa, mùa nào cũng kết trái - cứ tuần hoàn như thế. Tôi tự tay cuốc đất, trồng cây mận trước nhà. Mười năm, tròn mười năm chẵn, cứ mận có trái thì hái, thì ăn, có người thấy cây mận hoa bung từng chùm đặc gậc thì hỏi, khoảng bao lâu thì mận ăn được, tôi lắc đầu không biết. Chuyện như đùa, mới hôm qua, sau trận mưa kèm lốc xoáy, mận rụng lổn ngổn đỏ đất tôi mới hay: Đầu tháng năm là mùa mận chín.
Mận ra hoa khoảng chừng sau nửa tháng Giêng. Hoa mận không rực rỡ, nằm lấp ló sau những chiếc lá to nên thường khi mận ra hoa, gia chủ vô tâm vô tư như tôi ít biết. Có chăng là nhờ một buổi sáng cuối xuân, tôi ngỡ ngàng thấy trước cửa nhà, hoa mận rụng trắng một góc vườn. Chạy ra nhìn, không dám đặt chân lên chỗ hoa rụng, ngửa mặt lên cây mận, ngắm những cánh mận trắng xanh, khẽ rung rinh sau những chiếc lá, tôi thương cái đẹp mong manh, dễ vỡ. Rồi như một sở thích, mỗi buổi sáng tôi đứng tựa cửa, nhìn lớp lớp hoa mận rơi rụng, không nỡ cầm chổi quét dọn, sợ làm bẩn đi cái đẹp.
Mận ra hoa, mận cho trái. Những trái mận sởn sơ, nhẵn bóng. Trái mận vườn nhà, hơi chua, ngòn ngọt, có cả một chút chát nữa. Một chén muối, một rổ mận, ăn trong tích tắc. Mận không có hương vị đặc biệt nhưng được cái, ăn mận nhiều, bụng vẫn nhẹ, không thấy ngán nên đã ăn mận thì thường ăn được nhiều. Mỗi lần khều mận cho lũ trẻ trong xóm, tôi thường cho cả rổ.
Mẹ tôi lên nhà chơi, thấy cây mận trĩu quả, mẹ vô lấy bao ni lông, bọc lại những chùm trái to để tránh ong chích, sâu đục. Mẹ bảo, khi nào mận chín thì hái bán, lấy tiền lẻ cho con ăn quà vặt. Tôi ứ ư không chịu, gióng cổ nói, cây nhà lá vườn thì nên chia phát, tụi nhỏ nó mừng. Mẹ dạy rằng, phần nào cho thì cho, phần nào bán thì bán, năng nhặt thì chặt bị… Tôi vâng vâng dạ dạ nhưng rồi mận chín, tôi cũng phân phát cho lũ trẻ trong xóm, vì mỗi lần thấy lũ nhỏ đứng từ xa trầm trồ cây mận, tôi thấy tuổi thơ của mình hiện về, không nỡ bán chi trái mận.
Tôi không thuộc thế hệ ăn đói ăn khát nhưng nhà tôi nghèo, ngày nhong nhóng ba bữa cơm, ăn no là mừng rồi, mơ gì chuyện bánh trái. Vườn nhà ông Năm có cây mận, mùa trái chín, lũ trẻ chúng tôi lao xao bên rào, thấy trái nào rụng thì nhào vô lượm liền. Chưa hết đâu, còn có tiết mục chờ ông ngủ trưa, đứa canh đứa leo lên hái trộm. Hôm nào xui xẻo thì bị ông Năm vác roi chạy ra, có đứa bị bầm đít vì ông tới nhà mắng vốn…
Trẻ con bây giờ ăn uống đầy đủ (có khi thừa mứa), đứng dòm trái mận chín cũng vì đói con mắt, ăn chưa chắc đã thấy ngon nhưng thèm thì cứ thèm. Tôi còn nghĩ, trẻ con thì đứa nào cũng muốn được yêu, cho trái mận vườn nhà để các em ngoan ngoãn hơn vì thấy mình được người lớn yêu thương.
Chẳng phải mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ tình người ở lại sao!?
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN