Đi qua những mùa hoa cỏ

Đi qua những mùa hoa cỏ

Nếu có người thử đặt câu hỏi “Hoa có từ lúc nào trên đời này?”, thì tôi, bạn hoặc bất kỳ ai đó thật khó tìm được một câu trả lời chính xác. Nhưng hoa tượng trưng cho cái đẹp, điều ấy hiển nhiên, không ai có thể chối cãi, và không ai có thể tưởng tượng nổi

Nếu có người thử đặt câu hỏi “Hoa có từ lúc nào trên đời này?”, thì tôi, bạn hoặc bất kỳ ai đó thật khó tìm được một câu trả lời chính xác. Nhưng hoa tượng trưng cho cái đẹp, điều ấy hiển nhiên, không ai có thể chối cãi, và không ai có thể tưởng tượng nổi, cuộc sống của con người sẽ thế nào nếu một ngày trên thế giới không có hoa.

Minh họa: HUY BÌNH

Trong nền thi ca cổ xưa của Trung Hoa và Ấn Độ, số tác phẩm đề cập đến vẻ đẹp của hoa rất nhiều. Riêng tác phẩm được coi là một trường thi trữ tình mang tên Ly tao của Khuất Nguyên - một nhà thơ ở nước Sở, thời Chiến Quốc), bài thơ chỉ 373 câu với 2.900 chữ nhưng trong đó đã đề cập tới hơn 100 loài hoa khác nhau. Còn ở nước ta, từ cổ chí kim, các thi nhân nói về hoa cũng không ít, có kể chắc cũng không kể xuể.

Nhân loại quý hoa. Mỗi người quý một loài hoa và ngợi ca một loài hoa. Thậm chí có người chỉ ngợi ca một khía cạnh nào đó của hoa. Giới làm văn, làm sử ở nước ta nhiều người còn nhớ chuyện vào năm Mậu Thìn (1868), vua Tự Đức cử đoàn sứ bộ sang triều cống nhà Mãn Thanh, dẫn đầu là chánh sứ Lê Tuấn (đỗ Hoàng Giáp năm 1853); phó sứ là Nguyễn Tử Giản (Hoàng Giáp năm 1884); phó sứ thứ hai là cử nhân Hoàng Tịnh.

Trong chuyến đi này, cả ba người đã được viên tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ đón tiếp rất trân trọng và mỗi người được tặng đôi câu đối. Câu đối của Nguyễn Tử Giản được tặng là: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm. Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Mười năm chọn bạn như tìm thanh kiếm cổ. Một đời chỉ cúi đầu lạy hoa mai).

Có những loài hoa tưởng như bình thường nhưng đã làm lay động lòng người, chẳng hạn như hoa cải trong bài thơ Gió tết phương Nam của nhà thơ Tường Linh:

Bóng mẹ bên vồng hoa cải xưa

Lạnh lùng cơn bấc mé sông đưa

Màu vàng hoa lẫn màu nâu áo

Mây lợp vòm cao rắc phấn mưa.

Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu, trong thơ ông xuất hiện rất nhiều loài hoa và tất cả đều rạo rực, đều tràn trề nguồn yêu đương. Hai câu thơ dưới đây trong bài Nguyên Đán của ông là một ví dụ:

Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi

Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.

Thậm chí, khi ghen có người cũng nghĩ đến hoa. Mấy câu thơ trong bài thơ Ghen của Nguyễn Bính là một điển hình:

Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai

Đừng hôn dù thấy đóa hoa tươi

Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ

Đừng tắm chiều nay bể lắm người

Bây giờ ở các thành phố, hoa xuất hiện rất nhiều. Đặc biệt, chừng hai mươi tháng Chạp trở đi, ra khỏi nhà một đoạn ta có thể bắt gặp hoa. Những lề đường rộng, những khu vực đất trống, sân nhà… bỗng chốc trở thành nơi trưng bày vô số chậu hoa để chờ khách. Không chỉ có hoa mai, hoa hồng, hoa cúc, hoa lan, thược dược, mãn đình hồng, thủy tiên..., những năm gần đây còn xuất hiện biết bao loài hoa rất lạ nhập từ nước ngoài về, đủ màu, đủ sắc, có loại đẹp đến ngỡ ngàng, đẹp đến nỗi làm bước chân ta bịn rịn…

Dẫu vậy, tôi tin sẽ có rất nhiều người giống tôi, luôn nghĩ về những mùa hoa cỏ. Đúng thế, đã từng sống ở làng quê, mấy ai lại không bồi hồi nhớ về những mùa hoa cỏ, những mùa hoa tự nhiên chốn hương đồng gió nội như bài thơ mà nhà thơ Quang Sang từng viết:

có bao loài hoa chúng mình chưa thuộc tên

nhưng mãi hiện lên khi mùa xuân tới

ơi, những loài hoa của nhớ nhung vời vợi

của thời tuổi thơ chân đất bên đồng

của những chiều chạy nhảy ở bến sông

nghe bờ bên kia

tiếng trống thập thùng vào mùa lễ hội…

Quê tôi ở miền Trung - một vùng quê gần núi đầu nguồn một con sông, nơi có nhiều ngọn đồi chập chùng nối tiếp nhau, ngọn cao, ngọn thấp và những thửa ruộng bậc thang nhìn xa cứ thấy nghiêng nghiêng. Đó là vùng quê nghèo, đất cằn cỗi; mùa hạ nắng như lửa đốt, đông đến gió lạnh từ núi thổi ra tê tái thịt da. Ấy thế mà khi mùa xuân về, cùng với đủ loại cây cỏ mượt xanh, biết bao loài hoa đủ màu, nào trắng, nào vàng, nào hồng, nào tím… cùng nhau đua nở, cứ như có lời hẹn trước. Trên những con đường, những bờ ruộng chỉ mấy tháng trước đầy bùn do lũ lụt, thế mà vào đầu tháng Chạp, từ trong lòng đất, bao nhiêu mầm non đã nhú lên. Những bụi, lùm, qua mùa đông giờ cũng đã thay áo, phủ lên mình bộ cánh mởn mà. Rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó, dưới ánh nắng ấm áp của mùa xuân, các loài hoa lần lượt xuất hiện.

Tôi đoan chắc rằng, trên thế giới này, không nhà khoa học nào có thể thống kê được ở những cánh đồng, ở những bờ bụi của các làng quê có bao nhiêu loài hoa nở vào mùa xuân. Khó, khó lắm, vì quá nhiều. Ở quê tôi, số loài hoa thuộc dạng này lại càng nhiều hơn. Có những loài hoa mà một cánh hoa pha đến ba hoặc bốn màu, trông rất lộng lẫy như hoa giằng xay. Có những loài hoa đêm về tỏa hương thơm ngát cả lối đi như hoa dủ dẻ. Có loài hoa nở trắng trên những mảnh đất dọc lối đi như hoa xuyến chi hay nở vàng thành đám bên triền sông như hoa cúc dại, nở thành rừng như hoa lau hoặc hoa bâng khuâng…

Đi giữa rừng hoa cỏ của mùa xuân ở làng quê là đi giữa muôn sắc màu và giữa muôn mùi hương rất lạ hòa quyện vào nhau, mộc mạc, thanh khiết. Chưa kể mỗi loài hoa còn mang theo một câu chuyện cổ tích hay một truyền thuyết. Này đây, một chàng trai nhà nghèo yêu cô gái nhà giàu có, nhưng duyên không thành vì nhà gái đòi lễ cưới quá lớn. Để rồi bi kịch diễn ra và đôi trai gái qua đời, biến hóa thành hoa xuyến chi. Này đây, một tiên nữ trên thượng giới đánh rơi chén ngọc, bị đày xuống trần gian biến thành loài hoa trân châu kiêu sa…

Đúng vậy, ở làng quê có bao loài hoa không tên hoặc có tên. Cho đến hết tháng Giêng, khi sắc vàng của nắng xuân đang chuyển dần sang trắng, hoa vẫn chưa hết, thậm chí, có những loại hoa vào thời điểm ấy mới bắt đầu thi nhau bung ra, tạo nên những gam màu lộng lẫy như hoa thiên tần hay hoa tam nhụy. Có những loại cây thân gỗ, cao lớn, đã thành cây cổ thụ như mấy cây hoa dung, nở kín các cành, chỗ nào cũng phủ đầy hoa, trắng xóa, trông như những mái tóc bạc khổng lồ đứng bên triền đồi.

 Nhưng đâu chỉ vào mùa xuân mới có hoa. Có nhiều loài hoa nở vào mùa hạ, mùa thu, thậm chí vào mùa đông vẫn có những loài hoa khoe sắc. Này đây, hoa sim, hoa mua nở tím những sườn đồi mùa hạ, và này đây hoa điên điển nở vàng bên mấy bàu nước giữa đồng mùa đông…

 Tuổi thơ chúng tôi đã đi qua những mùa hoa cỏ đậm màu cổ tích ấy. Thật thú vị biết bao, những buổi chiều tung tăng bên sườn đồi, trên những thửa ruộng bậc thang chập chùng, hoặc nghêu ngao trên lưng con trâu dọc theo con mương nhỏ, trên kia là trời xanh vời vợi, vang lừng tiếng chim chiền chiện. Để rồi lớn lên đi xa, ai nấy mang theo bao ký ức êm đềm.

Quê tôi có một phong tục gắn liền với hoa, là tục cúng mười hai Bà Mụ. Khi đứa trẻ chào đời vừa tròn một tháng, dù nghèo, dù giàu, cha mẹ đứa bé bao giờ cũng làm mâm lễ cúng. Mâm lễ bao giờ cũng phải có 13 đĩa xôi, 13 chén chè và 13 bó hoa đồng nội đủ màu. Một để cúng Bà Chúa Thiên Thai, mười hai phần còn lại cúng mười hai Bà Mụ - những tiên nữ đã và sẽ chăm sóc đứa bé từ khi còn là thai nhi cho đến khi bé lớn lên. Cúng xong, người chủ lễ liền cầm một đóa hoa năm cánh được hái từ trong rừng, đưa qua đưa lại trước mặt đứa bé và đọc những câu thơ chứa đầy những ước mơ cho một cuộc đời:

Mở miệng ra có bông có hoa

Mở miệng ra có tài có lộc

Mở miệng ra một đời hạnh phúc

Mở miệng ra nặng nghĩa, nặng tình…

Tôi ra phố đã lâu, vừa rồi về thăm quê đúng vào dịp đứa cháu trong họ tổ chức lễ đầy tháng cho con. Đứa cháu tôi bảo:

- Chú là người trong họ tộc của mình đi ra, biết nhiều. Chú phải giúp cháu chọn hoa cho ngày đầy tháng con của cháu!

Tôi nhận lời rồi cùng đứa cháu lên đồi. Trong những lùm cây lúp xúp, những loài hoa dại đủ sắc màu tưng bừng nở…

HOÀNG NHẬT TUYÊN

Từ khóa:

Ý kiến của bạn