Không biết ai đã đưa ra chủ trương “quy hoạch dân cư” vùng quê tôi. Trước kia làng tôi nằm dưới lòng thung lũng, cách xa đường cái khoảng vài ba cây số. Gọi là đường cái, và từ cuối thế kỉ thứ 19 là “đường quan báo” từ huyện xuống tỉnh, có các trạm dịch, nhưng vẫn chỉ là đường xuyên sơn, nhiều chỗ quanh co chật hẹp, dốc thẳm vực sâu.
Làng tôi, tên nôm na là Bằng Đá, giấy tờ viết là làng Thạch Trụ. Trên đỉnh đồi hướng tây bắc có một khối đá lớn bằng phẳng, gọi Bằng Đá là đúng, họa chăng nó chỉ là đế, không thể là trụ, các cụ chuyển sang chữ Hán thành Thạch Trụ chắc có ý muốn nâng lên một tầm cao hơn, hay nghĩ rằng đế là dấu tích của trụ thuở nào xa xưa? Dưới chân đồi Bằng Đá dòng suối lớn phình rộng, dân làng không gọi là bàu mà gọi là bến: Bến Càn. Riêng bọn chúng tôi đặt cho nó cái tên theo Đường thi là bến Tang Càn.
Làng Bằng Đá nằm chênh chếch theo hướng đông nam – tây bắc. Hai dây ruộng từ trên cao trông xuống giống như hai dấu ngoặc mở đóng, các cụ cho là đôi rồng uốn lượn, một đuôi rồng gác lên Đất Cây Xoài, một đuôi rồng cuốn tròn Rộc Tre, hai đầu rồng cùng cúi xuống uống nước bến Tang Càn. Chính giữa là một gò đất trải dài thế hổ phục mang tên Gò Cây Si. Liền bên ruộng là đất thổ liên tiếp mãi đến những ngọn đồi bao bọc chung quanh làng, ra xa nữa bát ngát những trảng bằng tranh đế lau sậy. Nhà cửa rải rác trong đất thổ, phân thành ba xóm gọi theo việc canh tác chính: Xóm Vườn, Xóm Thổ, Xóm Ruộng, nhưng dù làm thổ hay làm ruộng xóm nào cũng có vườn cau, giếng nước.
Trang lứa chúng tôi sáu bảy đứa, gia đình khá giả có, trung trung có, tôi ít tuổi hơn hết, sinh ra, lớn lên, chơi thân với nhau không biết tự lúc nào. Ban đầu chung trường chung lớp, thầy giáo mặc đồ Tây trắng, đội mũ cối trắng, kiêm dạy từ lớp năm đến lớp ba, dẫn chúng tôi ra tận tỉnh lỵ Sông Cầu thi bằng Sơ học yếu lược. Về sau, có đứa xong bậc tiểu học ở nhà giúp cha mẹ làm ruộng làm thổ, có đứa hết bậc trung học đệ nhất cấp, có đứa bậc đệ nhị cấp. Chúng tôi vẫn thân thiết nhau, không phân biệt nam nữ, gia cảnh, học lực, chung các sinh hoạt thiếu niên, cắm trại, đốt lửa, ca múa vui chơi. Cho đến tuổi thanh niên mười tám vẫn nguyên vẹn hồn nhiên, hết lòng quý mến nhau mà không ai nói yêu ai, có lẽ tình cảm đối với nhau vượt lên trên cả tình yêu bình thường, trong sáng hơn tình yêu bình thường.
Thế rồi lần lượt mấy đứa có chồng, có vợ, ra đi. Còn lại Kim, Hậu và tôi ngoéo tay nhau hẹn rằng không bỏ cuộc chơi. Nhưng năm 22 tuổi Kim lại lấy chồng xa xứ, cũng như phần đông con gái làng đã coi đó là số mạng sẵn định. 20 tuổi, tôi ra đi gọi là giấc mộng sông hồ. Chỉ có Hậu lấy vợ người làng, nên chúng tôi ngầm giao ước rằng anh là người giữ làng, là định điểm Thạch Trụ để chúng tôi gặp nhau mỗi dịp về. Nhưng không phải tại anh, do chiến tranh ác liệt, năm 1960 anh cùng dân làng tản cư. Bom đạn giội xuống, Xóm Vườn, Xóm Thổ, Xóm Ruộng không còn một nhà nào, những ngôi lá mái ba gian đồ sộ, những túp nhà thấp nhỏ, tất cả đã cháy rụi, vườn chuối xác xơ, ngọn cau gãy đổ, bờ tre cụt ngọn, làng tôi biến thành vùng đất hoang vu, cỏ dại ngập lút ruộng đồng, gai góc xóa mất đường đi. Chúng tôi tan tác mỗi đứa một nơi, chỉ còn liên lạc với nhau bằng thư, lá thư nào cũng da diết nỗi nhớ. Mười lăm năm, những số phận của những con thuyền phiêu bạc…
Sau năm 1975 Hậu hồi cư. Mấy bạn khác đã thành dân Bình Dương, Long Khánh, Gia Lai, Ninh Thuận, Qui Nhơn … Mỗi người đều có về làng, nhưng chưa một lần ai được gặp ai, chỉ biết về nhau qua Hậu, nghe anh tả người này thế này, người kia thế nọ. Cũng chưa ai có thời gian ở lại để đến thăm dấu tích nơi xóm cũ nay biến thành khu sản xuất, trồng trọt hoa màu. Làng dời lên Đất Cây Xoài, một trảng rộng sát bên đường cái, ngay chỗ hồi nào là ngả rẽ, nhà cửa chen chúc như nơi phố thị, cách nhau bằng một hàng rào hay bức tường xây. Tôi tự hỏi: Tại sao không dùng Đất Cây Xoài làm khu sản xuất, khu dân cư vẫn giữ y, để nhà cửa ấm áp và sinh động hơn nhờ ruộng lúa, bờ tre, hàng cau, vườn chuối, để làng có các xóm, bởi vì làng mà không có xóm thì cái ý niệm “làng xóm” không còn! Thật đáng tiếc! Tôi nói ý ấy với bà con, nhiều người bảo rằng đó cũng là ý của họ, nhưng chủ trương chung cấp trên là đưa tất cả dân lên ở dọc đường.
Tin Hậu qua đời đến thật đột ngột khiến tôi sững sờ. Tôi sắp xếp công việc để về Thạch Trụ ngay, nghĩ rằng sẽ gặp đủ những khuôn mặt ngày xưa. Nhưng chỉ có Kim và tôi đứng bên nhau vái quan tài Hậu. Anh được an táng nơi đám đất phía sau nhà cũ, nhìn thấy hòn Bằng Đá và bến Tang Càn. Đường đi bây giờ hoàn toàn khác lạ, người bạn gái đã quên hết, tôi vừa cố nhớ, vừa chỉ dẫn cho Kim. Điểm đặc biệt ngày xưa tôi dùng đánh dấu cảnh vật là một cây lớn trên đỉnh đồi Giồng Lớn, nay cây không còn, thấy ngọn đồi nào cũng tương tự giống nhau. Buổi chiều tôi và Kim xuống un khói bên mộ Hậu. Anh hiền lành, ngay thẳng, là người lớn tuổi hơn hết, là trung tâm của cả nhóm, là vạch nối với từng người. Cái chết của Hậu gây chấn động mạnh trong lòng chúng tôi. Anh mất đi mang theo một phần trong mỗi chúng tôi. Thương tiếc Hậu cũng là thương tiếc tuổi trẻ của chính mình. Cái mong ước gặp đủ bạn bè ngày xưa tại nhà Hậu, rồi dắt nhau cùng thăm cảnh cũ không bao giờ có được nữa. Ngồi bên nhau chúng tôi nhắc chuyện thuở nào…
… Nhà Hậu bây giờ gần bên gốc xoài, do cây xoài này mới có tên Đất Cây Xoài. Cây xoài gốc lớn, thân cao, tán rộng, cành lá sum sê, là tài sản chung của cả làng. Đến mùa xoài già dân làng lên đây hái đem về. Những người leo trèo giỏi lên cây khoèo, hái, rung cho trái rụng xuống, những người khác đứng dưới đất lượm gom lại, chia nhau. Hậu là một người leo trèo giỏi, thường nhắc bạn khác về tính chắc của các loại cây để cẩn thận đề phòng: “xoài giòn, mít dẻo, me dai”. Mùa xoài là mùa chim rừng cá suối. Con chim gầm ghì lấp lánh màu cánh bạc trong nắng mai, con chim ngựa duyên dáng chòm lông ức màu đỏ, con chim xanh hiền lành những ngón chân hồng như chưa bao giờ dẫm lên bùn đất. Suối đủ loại cá, hàn nhao, trắng rằn, trắng chỉ, cá sốc, cá đa, cá tràu, cá trê… Dĩa nước mắm ăn cháo cá, ăn bánh tráng cá ta băm vào nhiều xoài cho thêm vị chua thanh…
… Lần ấy chúng tôi cùng đi, không nhớ là đi đâu, đi sớm lắm. Buổi trưa nắng gắt, đêm khuya thật lạnh và trời sáng đầy sương. Sương trắng khắp các nơi, sương ướt đẫm những ngọn tranh, ngọn đế, làm cho áo quần chúng tôi ướt đẫm, ngón tay tê cóng. Chúng tôi phải hô nhau cùng chạy, cùng reo to lên. Một phần vì màn sương xóa mờ cảnh vật, một phần mắt nhắm mắt mở sợ ngọn tranh ngọn đế quất nhằm, thế là chúng tôi va vào nhau, ngã bổ nhào lên nhau. Kéo nhau đứng dậy chạy lên khỏi Rộc Tre thì phương đông ửng hồng báo hiệu một ngày nắng to đổ lửa.
… Có những ngày mùa hè rủ nhau bắt cá bến Tang Càn. Ven bờ nước cạn đến đầu gối, thả lưới, úp nôm, rồi bơi vào chỗ sâu chính giữa, té nước, đuổi bắt, dìm nhau, lặn trốn. Cứ mặc nguyên quần áo ướt như thế lên nằm phơi nắng cho khô, hai tay khoanh kê dưới đầu làm gối, mỗi lúc nghiêng trở cử động tiếng sỏi sạn lại sạo dưới thân. Đi chăn trâu bò thì gài gà rừng, gà sao, gài cuốc, bứt mây, bứt dây kim cang thắt rế. Chiều gom trâu bò về, qua giồng cao nhìn xuống thấy những cuộn khói nhỏ tỏa lên từ những mái nhà tranh, ruộng và thổ đều trơ gốc rạ vàng. Trâu bò về chuồng không đi trên đường làng mà đi theo những đường riêng, gọi là truông bò, nền truông đầy bũn, phân trâu bò vương vãi, những bụi cây hai bên truông bị đuôi trâu bò quệt vào cũng hăng hắc mùi phân pha lẫn với mùi nồng nồng của đám khô đã hái hết trái thân đang khô rã. Đứa nào sau khi đóng cổng chuồng cũng về nhà xách gàu chạy ngay xuống giếng tắm, để sau bữa cơm chiều, chặp tối lại gặp nhau.
… Có lúc hoàng hôn xuống, trời dần dần tối, tôi ngồi nơi bậc thềm nhìn sang Gò Cây Si. Đây là nơi lũ chốc mào về ngủ buổi tối. Chim bay từng bầy, ban đầu còn thấy rõ, về sau chỉ là một mảng mờ mờ di động, quầng đi quầng lại, đáp xuống lùm cây, rồi bay lên, quầng đi quầng lại, tiếng kêu xao xác. Hết bầy này đến bầy khác, không bao giờ chúng chịu đậu yên ngay, phải năm lần bảy lượt xao xác. Khi những bầy chim dừng cánh hẳn, không còn bay lên đáp xuống nữa thì trời vừa tối hẳn, nhà nhà cùng thắp đèn, ở thôn quê gọi là lúc đỏ đèn…
Quên hết năm mươi năm trong đó một nửa thời gian bị cuộc đời quăng quật đến xác xơ, tưởng đâu khoảng tháng ngày dài dẳng ấy chỉ là một giấc mơ không thật để vẫn còn tuổi mười sáu – đôi mươi, tôi và Kim mải nói với nhau những chuyện cũ không thứ tự, không mạch lạc, không ý nghĩa như thế thì Kim đập vào vai tôi, tay chỉ. Nơi hòn Bằng Đá ấy, mỗi khi thời tiết sắp thay đổi, đang nắng sắp mưa hay đang mưa sắp nắng, khi giữa đêm khuya lỗ tai nghễnh ngãng của các cụ già gạn lọc được âm thanh nghe ra tiếng hàn đổ ồ ồ tận ngọn nguồn nơi núi xa… thì từ dưới chân hòn Bằng Đá bốc lên những đám khói mờ mờ, là là trên mặt Bến Càn rồi bay lên đỉnh đồi, giống hệt như sương, người dân ở đây không nói sương xuống, sương rơi mà nói “Bến Càn lên sương”. Chợt nhận ra ánh nắng vàng nhạt tươi thắm chiều cuối năm lúc nãy còn le lói khắp nơi giờ không còn nữa, mặt trời đã khuất núi, bến Tang Càn lên sương trắng đục, hơi lạnh từ rừng xa nhè nhẹ… tôi đọc câu thơ Lư Chiếu Lân: Phù hương nhiễu khúc ngạn – Viên ảnh phú hoa trì (Hương nổi vờn bờ nước – Bóng tròn phủ mặt ao).
Không phải như tuổi hai mươi, mà chính là tuổi hai mươi còn mãi.
TRƯỜNG SƠN HẠ
(Tặng BẢO THIẾU GIU)