Những ngày qua, bão đổ bộ vào miền Bắc, mưa gió dầm dề trên mái hiên nhà, khiến tôi quặn lòng nhớ về những cơn mưa độ mười năm trước. Khi ấy mái hiên không được lợp tôn như bây giờ, mà chỉ là mái rơm, mái rạ nâu cũ được ngoại đan kết thành tấm. Ngoại đan tranh khéo lắm, hay chăng bàn tay đã trở nên thuần thục qua mấy chục năm vương vào nghề ấy.
Mùa đan tranh thường rơi vào tháng Mười, khi lúa nếp đã đến mùa thơm thơm, vàng ruộm. Mẹ gánh lúa về, đập lúa, rồi giữ cho những bó lúa không bị gãy nát, rối tung. Những bó lúa dùng để đan tranh được phơi dựng vào tường, phơi vừa nắng để rơm vẫn còn độ dẻo dai, chắc nịch. Tranh đã được đan xong sẽ lợp thành hàng trên mái nhà có đỉnh chóp rồi dốc xuống hai bên tựa như hình tam giác. Độ 1 năm, khi mái tranh đã khô úa qua dãi dầu mưa nắng sẽ dỡ xuống, thay bằng 1 mái tranh khác.
Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm. Mái nhà cũng chỉ là mái tranh che trú tạm qua mưa, qua nắng. Mưa qua, nắng hửng, mái tranh bốc lên mùi âm ẩm, ngai ngái. Ngày bão, gió quăng quật những tấm tranh đi, mái nhà chỉ còn lác đác vài tấm ở lại. Gia đình tôi co cụm lại, ngồi ôm nhau dưới sự chở che của tấm tranh còn sót lại. Bỗng thấy thương mái nhà tranh quá đỗi! Bão tan, gia đình tôi lại xúm xít cùng nhau dựng mái tranh mới. Khi ấy, tôi mới cảm nhận được sự đùm bọc của gia đình.
Khi mùi thơm của ngói mới đã dậy lên trên mảnh đất quê nghèo thì mái tranh vẫn thủy chung ở lại cùng gia đình tôi qua nhiều năm tháng nữa. Sáu, bảy năm trời tôi được sống dưới bóng mát của mái nhà tranh bình dị ấy. Nhưng rồi sáu, bảy năm trời qua đi, nhà tôi ngày một đổi khác. Cái sân đất nâu thẳm giờ đã là sân gạch chắc nịch. Mái tranh thay bằng mái ngói. Mùa gió bão chẳng lo nhà ướt lạnh. Chỉ có lòng người như trong cơn mưa này, lại lạnh đi đôi phần vì thương nhớ. Thương nhớ mái nhà tranh tội nghiệp năm xưa. Thương nhớ những giọt gianh rỉ xuống bên hiên. Ôi những mái hiên đã chở che tuổi thơ tôi…
Tôi may mắn được sống trong thuở giao mùa giữa những mái nhà tranh mốc thếch và mái ngói đỏ tươi che kín. Để rồi tôi nhận ra trong cái nhọc nhằn, bần khó của thời thân gỗ làm cột, bùn nâu làm vách lại có những điều bé nhỏ của niềm vui nhen lên, có cái ấm áp của thương yêu đọng lại. Và tôi thấm thía được hơi thở sức mạnh của gia đình mình, quê hương mình đã bật đứng dậy khỏi gian khó để đắp xây nên mái ngói vững chãi hôm nay.
DƯƠNG HẰNG