Xứ Nẫu quê mình

Xứ Nẫu quê mình

Mình không biết từ bao giờ Phú Yên có biệt danh xứ Nẫu. Hôm trước, có người bạn hỏi: Nẫu là sao? Mình nhớ đến bài Trách thân, bài dân ca Phú Yên rất phổ biến. Nẫu chê tui nghèo, nẫu không ở nữa. Ừ, người ta chê tui nghèo, người ta không yêu tui nữa, nẫu bỏ tui đi. Để biết thêm xứ Nẫu quê mình, bạn hãy một lần “mục sở thị” Phú Yên.

Mình không biết từ bao giờ Phú Yên có biệt danh xứ Nẫu. Hôm trước, có người bạn hỏi: Nẫu là sao? Mình nhớ đến bài Trách thân, bài dân ca Phú Yên rất phổ biến. Nẫu chê tui nghèo, nẫu không ở nữa. Ừ, người ta chê tui nghèo, người ta không yêu tui nữa, nẫu bỏ tui đi. Để biết thêm xứ Nẫu quê mình, bạn hãy một lần “mục sở thị” Phú Yên.

Xu-nau.jpg

Cuối dòng sông Ba- Ảnh: NGUYÊN TRƯỜNG

Có nhà thơ quê mình viết: “Quê tôi nằm giữa hai đèo/Nam là đèo Cả, bắc là Cù Mông”. Đèo Cả là ranh giới giữa Phú Yên với Khánh Hòa, còn qua khỏi đèo Cù Mông là quê hương đất võ Bình Định. Theo truyền thuyết, năm 1471, khi đưa quân nam tiến đến đèo Cả, vua Lê Thánh Tông lên ngọn Thạch Bi Sơn (Đá Bia) trên đỉnh đèo Cả khắc chủ quyền nước Việt lên đấy. Ngày nay, theo quốc lộ 1, từ TP Hồ Chí Minh hướng về khúc ruột miền Trung, qua khỏi TP Nha Trang khoảng 80km, bạn gặp đường đèo kỳ vĩ dài hơn 10km, uốn lượn bên bờ biển Đông. Đấy là đèo Cả, cực nam của xứ Nẫu. Từ trên đèo nhìn xuống vịnh Vũng Rô, bạn sẽ nhớ đến sự kiện lịch sử Tàu Không số tiếp tế vũ khí, thuốc men từ miền Bắc cho chiến trường Nam Trung Bộ - Tây Nguyên trong những năm chống Mỹ cứu nước. Nơi đây có mũi Điện, nơi đón tia nắng đầu tiên của thềm lục địa, vươn ra đỡ lấy ngọn hải đăng kỳ vĩ; bên dưới là bãi Môn hoang sơ, cát mịn tinh nguyên như thiếu nữ đang say giấc nồng.

Xứ Nẫu có núi Nhạn sông Đà nằm ngay trong lòng TP Tuy Hòa (tỉnh lỵ Phú Yên). Trong truyện cổ tích của Nguyễn Đổng Chi, trên núi Nhạn có nhiều đàn chim nhạn bay về đậu trên tháp. Hồi nhỏ, tụi mình hay lên núi Nhạn hái chim chim dúi dẻ, trái nhãn lồng về cho chim ăn, nhất là chim chóc mào, thích ăn nhãn lồng lắm. Bây giờ, mỗi lần về quê, lên núi Nhạn, vươn tầm mắt nhìn về trời nam, nhìn xuống phố dưới chân núi, nhìn con sông Đà ôm lấy làng rau Ngọc Lãng, lòng thấy yên ả. Ngày trước, cầu Đà Rằng bắc qua sông Ba là cây cầu dài nhất miền Trung, hơn 1 cây số với 21 nhịp rất đẹp. Tuổi thơ của mình là những ngày háo hức bẻ mía, hái trộm dưa leo trồng trên các soi đất ven con sông này. Rồi bơi lội thỏa thích, nằm dài dưới chân cầu nhìn ngược lên, đếm xe qua lại rồi ngắm những cánh buồm căng gió ngược xuôi trên con sông lớn nhất miền Trung, ẩn khuất trong những bụi lau hoang dại, mờ dần nơi chân trời. Đắm chìm, mải mê miên man trong mơ ước một ngày đi khắp bốn biển năm châu, say sưa đến lúc tắt nắng lúc nào không biết.

Phú Yên có nhiều bãi biển đẹp. Tuổi học trò, cả lớp kéo nhau ra Long Thủy, Mỹ Á tắm biển, uống nước dừa. Rồi trên đường chạy về, tấp vào lề đường ăn dưa hấu, dưa gang, hoặc ào ào kéo về nhà thằng Tường học cùng lớp ở gần đó ăn sắn nước. Mình chưa biết châu chấu tàn phá như thế nào, chứ bọn mình ào qua là bay hết một luống sắn nước của má thằng Tường. Má nó, vừa nhai trầu, vừa giã muối ớt, cười móm mém, bảo: “Ăn đi con, ăn đi con!”. Mỗi sáng sớm, bà chất những chùm sắn nước lên xe ngựa về chợ phố, tiếng vó ngựa trong sương sáng lóc cóc lóc cóc, sao thật bình yên!

Sau này có xe máy, chạy ra đầm Ô Loan, đứng trên đỉnh đèo Quán Cau ngắm đầm xanh ngắt biển trời. Sò huyết Ô Loan ngon nổi tiếng. Sò tươi nướng lên chấm muối tiêu chanh đưa lên miệng cắn một miếng vừa giòn vừa ngọt, thật không đâu bằng. Ba mình kể, có lần ông và bạn bè thuê một chiếc ghe, khi hoàng hôn buông xuống, trời se se lạnh, sương mờ che mặt đầm, trên ghe mang theo bếp lửa than, nướng sò huyết lên, chấm với muối tiêu chanh, chiêu một ly đế, quả là phong lưu.

Phú Yên còn nhiều bãi biển đẹp, càng ra phía bắc càng đẹp, có thể kể đến gành Đá Đĩa, ghềnh Đỏ, vịnh Xuân Đài… Cái đẹp của bãi cát vàng, rừng dừa xanh, những hàng cây phi lao duyên dáng, núi nhấp nhô xoãi dài ra biển, thật đẹp. Ra đến TX Sông Cầu, núi và biển liền nhau trải màu xanh vô tận.

Lúa nương thơm dẻo, nên gà ta ở đây rất ngon. Đường xa, ghé Sông Cầu, bạn thích ăn con gà nào thì chỉ. Chủ quán bắt lên làm ngay món lòng xào giá mướp cho bạn nhâm nhi. Bạn thích gà luộc hay gà nướng đều có ngay. Đặc biệt cơm gà Phú Yên rất ngon. Gạo thơm nấu với nước luộc gà, cơm chín vừa tới, vàng ươm. Thịt gà luộc lên, xé từng miếng nhỏ, rải đều lên đĩa cơm, ăn với một ít giá chua, hành chua, vài cọng rau răm, rưới chút nước mắm. Vị thịt ngọt lịm xen chút chua chua, chút mặn mà của nước chấm, chút bùi bùi của cơm, cắn một tép tỏi nồng nồng, trái ớt xanh cay cay, xem như cuộc đời chỉ cần có thế. Nước mắm ăn cơm gà được pha chế rất đặc biệt, là điểm khác biệt nhất so với loại cơm gà tứ xứ. Chị cả nhà mình nấu cơm gà rất ngon. Mỗi lần giỗ ba, má, chị luôn nấu cơm gà.

Bây giờ, mỗi lần mình về quê, mình như vua. Bà chị cả, mấy đứa em gái, rồi đến đám cháu, luôn miệng hỏi muốn ăn gì. Cái câu trả lời tốn kém nhất là… ăn gì cũng được. Thế là bao giờ điểm tâm cũng có cơm gà, bánh canh cá thu, bánh hỏi, bánh xèo mắm nêm; buổi chiều thì chả dông, bánh cuốn chả ram, chấm nước mắm pha đậu phụng, lại thêm món cá ngừ đại dương cuốn cải cay chấm tù tạt cay nồng sộc lên mũi, chảy nước mắt thế mà ăn no hồi nào không biết. À, đến Phú Yên, bạn phải thưởng thức cho được món cá ngừ tươi sống kiểu Nhật Bản này. Đây là nơi xuất phát của nghề câu cá ngừ đại dương và cách ăn cá ngừ với nhiều gia vị cầu kỳ chỉ có ở xứ Nẫu.

À, nói về cà phê thì Đắk Lắk phải gọi xứ Nẫu bằng “sư phụ”. Buổi sáng se lạnh, ngồi chờ từng giọt cà phê nóng, nghe nhạc Trịnh Công Sơn có thể quên chuyện nợ xấu ngân hàng hay không phải lo chuyện vợ… không chính chủ.

Xứ Nẫu có rừng, có biển, có sông, có núi, có đồng lúa mênh mông câu hò. Mình xa nhà gần 25 năm, vẫn nhớ như in cái xóm Gò của thế giới tuổi thơ. Có lẽ, trong từng gốc cây, góc phố luôn đong đầy kỷ niệm khó quên. Những kỷ niệm thúc giục mình thường xuyên quay về.

Quê hương chỉ có một thôi mà.

Tháng 12/2013.   

HUỲNH KIM TƯỚC

Từ khóa:

Ý kiến của bạn