Hạt lúa - hạt ngọc

Hạt lúa - hạt ngọc

Chúng ta đã lớn lên, đã theo ông cha đi xa lắm, đã đến mọi miền từ cái nôi văn minh lúa nước sông Hồng. Theo bước chân người đi mở cõi, cây lúa đã góp phần hình thành nên làng mạc, phố phường.

Chúng ta đã lớn lên, đã theo ông cha đi xa lắm, đã đến mọi miền từ cái nôi văn minh lúa nước sông Hồng. Theo bước chân người đi mở cõi, cây lúa đã góp phần hình thành nên làng mạc, phố phường. Từ hạt lúa bé tẹo, từ tấc đất khai hoang cộng với gian lao nhọc nhằn dân tộc mình cha trước con sau, đời nối đời, nghiệp nối nghiệp, miệt mài vun đắp nên dải đất hình chữ S thân yêu này.

lua140111.jpg
Ảnh minh họa: Internet

“Ai về Bắc, ta đi với. Thăm lại non sông giống Lạc Hồng. Từ độ mang gươm đi mở cõi, Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” đã làm nên tên tuổi lẫy lừng: “Thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ. Nhà thơ chiến sĩ ấy không chỉ biết làm thơ, đánh giặc mà còn rất giỏi lao động sản xuất, xây dựng kiện toàn chiến khu Đ trong đó có việc trồng lúa, trồng hoa màu.

Nghề trồng lúa không chỉ mang lại sự no đủ, phồn vinh mà còn là một nét đẹp văn hóa đã được người Việt khắc họa vào tục ngữ, ca dao: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” - một hình ảnh rất đẹp nhưng không kém phần triết lý: “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Cây lúa đã gắn kết với người nông dân như ruột rà, máu thịt. Là cây lương thực chính của người Việt, từng nắm vai chủ đạo điều phối đời sống, kinh tế đất nước trong một thời gian dài. Quá trình phát triển của cây lúa gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc.

Trước đây lúa gạo chỉ có thể giúp người nông dân không phải đói, thì ngày nay nó là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước. Nó có thể làm cho đời sống người nông dân khá lên, giàu lên từ chính đôi bàn tay giỏi giang của mình.

Ngâm và ủ lúa giống cho lên mộng rồi gieo xuống ruộng đã chuẩn bị sẵn. Qua một đêm thì mộng đã “đứng” được, nghĩa là rễ đã bám vào đất. Một chồi xanh bé tẹo vừa nhú lên, cặp lá mầm đầu tiên hé mở, cây mạ đang hình thành. Mạ lớn rất nhanh, sau mười ngày thì có thể đem cấy ra ruộng. Sở dĩ người ta phải làm vậy, vì cây mạ cần có không gian để phát triển bằng cách “đẻ nhánh” quanh gốc chính, hình thành bụi lúa.

Khi nhánh lúa đã “tròn mình” hay lúa “đang thì con gái” là lúc cánh đồng đẹp nhất. Với màu xanh mượt như nhung trải dài ra tận chân trời, lao xao rì rào uốn lượn theo vũ điệu của gió, của mùa màng.

Hết thời gian này thì cây lúa “đứng cái”, “ôm đòng”. Đòng đòng non ăn rất ngon bởi nó có nhiều hương vị, ngọt ngọt, beo béo, thơm thơm. Đòng đòng phát triển nhanh thành bông lúa. Bông lúa hay gié lúa có nhiều hoa lúa do hoa cũng là quả, là vỏ lúa non dẹp lép, xanh ngọc. Hoa nở là lúc vòi nhụy thò ra ngoài, vòi nhụy có nhiều lông tơ. Hoa tự thụ phấn để thành hạt gạo sau này.

Không như mùi thơm nồng nồng của lúa đã chín, hoa lúa có mùi thơm dìu dịu của sữa, của tình thương yêu, thoang thoảng thôi nhưng quyến rũ vô cùng.

Khi còn nhỏ, tôi chưa hình dung được hoa lúa ra sao dẫu rằng ngày ngày tôi vẫn vui đùa bên nó. Ngày đó tôi nghĩ hoa lúa là cả nhánh lúa trìu trĩu hạt, ngây thơ và dễ thương như không ít người bây giờ vẫn nghĩ.

Hoa lúa có mà như không bởi nó không khoe màu sặc sỡ như các loài hoa khác, nó trở nên vô hình trước sự vô cảm của tha nhân.

Như người tài hoa lỗi lạc nhưng khiêm nhường, thông minh nhất nhưng tự nhận mình là không biết gì, âm thầm dâng hiến cho đời.

Trước đồng lúa xanh bát ngát, trước sự cần cù gian lao vất vả của đồng bào mình, lòng tôi rộn lên niềm yêu thương vô hạn. Tôi như nhìn thấy tương lai rực hồng từ những bông lúa mơn mởn tươi xanh kia, để rồi hình dung ra tiếng cối, tiếng chày rộn rã của một vụ mùa bội thu. Tiếng cối, tiếng chày ấy mở ra những trang đời mới, sung túc hơn, đủ đầy hơn. Mở ra những hội hè thâu đêm suốt sáng, những trận cười triền miên, làm thăng hoa thêm cuộc sống vốn đã rất đáng yêu này.

Thay cho tiếng nhạc, lời ca xập xình là điệu hò mộc mạc nhưng vô cùng ngọt ngào của các nàng thôn nữ mà chỉ một lần nghe thôi cũng đủ làm cho người ta nhớ hoài: “Mạ úa cấy lúa chóng xanh, gái dòng chóng đẻ sao anh hững hờ”. Thật là tha thiết. Thật là trữ tình, dễ làm cho người ta xiêu lòng nhận là quê hương thứ hai.

LÝ THỊ MINH CHÂU

Từ khóa:

Ý kiến của bạn