Một lần bất chợt, tôi được đọc một bài thơ với giọng điệu và từ ngữ thân thương, nhẹ nhàng, giàu cảm xúc như một câu chuyện kể:
![]() |
Nữ thanh niên xung phong vác pháo phục vụ các trận đánh vào mục tiêu đầu não ở khu vực nội đô trong Mậu Thân 1968 - Ảnh: TƯ LIỆU
|
“Chuyện kể rằng: Em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom…”
Ngỡ như đó là tiếng vọng về từ nơi nào xa lắm, tôi đã nghe bài thơ với một cảm xúc lạ, một chút bồi hồi. Giữa gian nan thời chiến, sao con người vẫn lạc quan, chiến đấu ngoan cường, không ngần ngại hy sinh tất cả, đốt cháy cả dãy Trường Sơn kia, đốt cháy cả tuổi thanh xuân phơi phới, cả khát khao cháy bỏng mà khi “nằm dưới đất sâu” thì “đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng”.
Tươi mát và đau thương, nhẹ nhàng và sâu lắng. Đó là “Khoảng trời - Hố bom” của nữ nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ viết năm 1972. Câu chuyện về nữ thanh niên xung phong đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ thông đường xe chạy và cảm xúc riêng của nhà thơ trước vẻ đẹp của người con gái ấy.
Xin được nhớ về “em, cô gái mở đường” trong bài thơ “Khoảng trời - Hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ. Bằng sức trẻ, tình yêu Tổ quốc, “em” cháy bùng trong đêm, trong mắt nhà thơ, hoài niệm trong lòng bạn đọc như ngọn đuốc sáng ngời khiến những người đi sau “em” “gặp hố bom nhắc chuyện người con gái”. Sự hy sinh vô bờ không thể cân đo đong đếm bởi độc lập tự do được đánh đổi bằng nước mắt và máu. “Một nấm mộ nắng ngời bao sắc đá”.
Khoảng trời bình yên xoa dịu nước mắt và vết thương đau trong lòng người. Em về đất, em hòa vào đất trời, em thành sông thành suối, thành linh hồn đất Việt.
“Đất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau.
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh”
Lịch sử ghi nhận chiến công của em, ghi nhận chiến công bao nhiêu thanh niên tuổi 19, đôi mươi, là học sinh, sinh viên của các trường trung học, đại học đã theo tiếng gọi Tổ quốc, xông pha vào trận mạc, góp phần tạc nên bức tượng đài bi hùng về truyền thống “dựng nước, giữ nước”.
“Em, cô gái mở đường”, tôi và người đọc cảm thấy gần gũi, đồng cảm với nhau như có một sợi dây vô hình nào đó kéo gần khoảng cách, từ những người xa lạ trở thành đồng đội, đồng chí; khoảng cách về thời gian giữa thế hệ xưa và nay; khoảng cách tâm hồn giữa triệu triệu người đọc với những con người quả cảm. Với đồng đội, “em” là động lực để họ vững tay súng hiên ngang đối mặt kẻ thù một sống một còn. Với thế hệ sau, “em” là tấm gương sáng ngời soi mình kế tục và phát huy truyền thống dân tộc.
“Hỡi Mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?”
Thế hệ “em” là thế hệ “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi/ Nào có sá chi đâu ngày trở về” trong không khí “đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Tôi nhớ em, nhớ cả mười nữ thanh niên xung phong đã ngã xuống ở ngã ba Đồng Lộc, bất chấp hiểm nguy để bảo vệ tuyến đường huyết mạch từ hậu phương ra tiền tuyến ở mảnh đất Hà Tĩnh. Mười khuôn mặt trẻ trung, tươi sáng, mười cặp mắt trong treo. Các cô sống mãi với tuổi hai mươi rất đẹp của thời khốc liệt mà hào hùng.
Tôi nhớ Đặng Thùy Trâm, “Có một người con gái tuổi hai mươi/ Xa Hà Nội ra chiến trường khói lửa/ Lòng thiết tha về cuộc sống hòa bình/ Một lương y như là từ mẫu”, nữ bác sĩ với tâm hồn “không phải chỉ có lửa đạn” đã hy sinh ở tuổi 28 trong lúc làm nhiệm vụ bị địch phục kích; cô bất tử cùng cuốn nhật ký đi qua lửa đạn… Làm sao nhớ hết, ghi nhận hết sự hy sinh của lớp lớp đàn anh đàn chị. Cho tôi xin phút giây mặt niệm, thắp ném hương cầu mong cho linh hồn họ mãi mãi bình yên.
Nhớ chuyện xưa, gợi nghĩ chuyện ngày nay, chuyện về những đồng chí vẫn đang chắc tay súng hướng tầm mắt về phía biển nhằm bảo vệ vùng biển yêu thương. Nơi anh đến là Hoàng Sa, nơi anh tới là Trường Sa. Ở nơi ấy, những người lính đảo đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình, kiên trung, bất khuất nơi đầu sóng ngọn gió để canh giữ và bảo vệ chủ quyền dân tộc. Chuyện đời lính đảo gian nan với con sóng con gió cứ mỗi khi nhắc làm thổn thức trái tim ở nơi đất liền.
Câu chuyện cuộc đời lính chẳng bao giờ có hồi kết. Dù là từ thơ ca, từ lịch sử, từ cuộc sống này, người lính với khó khăn từ công việc, từ cuộc sống sẽ mãi là hình ảnh đẹp sống mãi trong trái tim con người mọi thế hệ. Chuyện cô gái mở đường như cơ hội để tôi trải nghiệm và thấu hiểu nhiều hơn, trân trọng những giá trị thiêng liêng của lịch sử.
ĐỖ NHƯ ĐƯƠNG
(Chi đoàn PC64, Công an Phú Yên)