Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Hiện nay, nước ta tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển.
![]() |
Cha mẹ đưa con đọc sách sẽ giúp con có đời sống tinh thần phong phú và nuôi dưỡng tâm hồn. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM |
Nhiều chính sách dân số được ban hành
Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến công tác dân số và đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để định hướng cho công tác này. Việc đưa chính sách dân số phát triển đi vào cuộc sống đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, được các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện và nhận được sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân. Nghị quyết 04-NQ/HNTƯ (năm 1993) về chính sách DS-KHHGĐ đã đưa ra mục tiêu tổng quát thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, tạo điều kiện để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Theo đó, mục tiêu cụ thể mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con, để tới năm 2015 bình quân trong toàn xã hội một cặp vợ chồng có 2 con; thế nhưng kết quả đạt được vượt mức kế hoạch, mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu nghị quyết đề ra. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng.
Bộ Y tế nhận định, thời kỳ dân số vàng, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi năm 2016, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về DS-KHHGĐ của các cấp, ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ DS-KHHGĐ được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Từ những kết quả đạt được, năm 1999, Liên Hợp Quốc đã tặng Giải thưởng Dân số cho Việt Nam.
Ngày 25/10/2017, Nghị quyết 21-NQ/TƯ của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã khẳng định phương hướng chiến lược mới cho công tác dân số của Việt Nam. Theo đó, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số.
Để hiện thực hóa Nghị quyết 21-NQ/TƯ, ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1092/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
Bên cạnh các chính sách dân số đã được ban hành, Đảng, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách đặc thù nhằm nâng cao đời sống của bà con vùng dân tộc thiểu số, trong đó có Chương trình định canh định cư, Chương trình 134, 135, các chương trình thuộc Nghị quyết 30a... Mới đây, tháng 7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 76/2024/NĐ-CP, nâng mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi...
Đạt nhiều kết quả đáng khích lệ
Có thể thấy, các chính sách dân số đi vào cuộc sống đã giúp cho công tác dân số đạt được những kết quả đáng tự hào. Theo Tổng cục Thống kê, dân số trung bình của Việt Nam năm 2023 là 100,3 triệu người và là quốc gia thứ 15 trên thế giới có dân số hơn 100 triệu người. Chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm mạnh và cơ bản duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây. Tỉ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình tăng do những thành tựu phát triển của y học và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện. Năm 2023, tuổi thọ trung bình của dân số cả nước là 73,7 tuổi.
Tại Phú Yên, Sở Y tế cũng đã triển khai kế hoạch đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số và phát triển. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 21-NQ/TW của Trung ương Đảng; Kế hoạch 60-KH/TU, ngày 11/4/2018 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 120/KH-UBND, ngày 18/5/2018 của UBND tỉnh tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của toàn bộ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đối với việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Mở rộng toàn diện nội dung truyền thông, giáo dục cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển KT-XH; duy trì mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
Để chuyển trọng tâm chính sách dân số từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định kiện toàn và đổi tên Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ thành Ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo là đại diện các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan, đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.
Cùng với đó, Sở Y tế triển khai chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo đó, tập trung duy trì vững chắc mức sinh thay thế đã đạt được hiện nay của tỉnh. Năm 2023, ước tính tổng tỉ suất sinh của tỉnh ở mức 2,07 con. Điều này cho thấy tỉnh Phú Yên đã đạt mức sinh thay thế, đồng thời muốn đạt mục tiêu giữ vững mức sinh thay thế trong thời gian đến cần có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, ban ngành, đoàn thể, cá nhân, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp để can thiệp nhằm duy trì mức sinh thấp, hợp lý, đồng đều giữa các vùng miền.
Phú Yên cũng đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng (tỉ số phụ thuộc chung 37,3% đến dưới 50%). Tỉ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 72,9%, tỉ trọng dân số dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi lần lượt là 17,3% và 9,8%, lực lượng lao động đang trong thời kỳ đông đảo nhất, khi mà cứ có một người phụ thuộc thì có hai người trong độ tuổi lao động. Đây là cơ hội và thách thức cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Lê Xuân Bích cho biết: Để chuyển trọng tâm chính sách dân số từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định kiện toàn và đổi tên Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ thành Ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo là đại diện các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan, đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Cùng với đó thường xuyên cập nhật thông tin, thông tin chuyên đề về dân số và phát triển, thông tin phục vụ lồng ghép dân số trong phát triển, biện pháp phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học, về thực trạng, động thái dân số đến lãnh đạo các sở, ban ngành, hội đoàn thể trên toàn tỉnh.