Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các sở, ban ngành, hội đoàn thể, địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó tạo việc làm, đa dạng hóa sinh kế, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
![]() |
Mô hình chăn nuôi bò giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo. Ảnh: NGỌC HÂN |
Năm 2024, các địa phương đã triển khai 124 dự án giảm nghèo bền vững, với các mô hình nuôi bò, dê, dúi, cá, gà, chồn, làm muối sạch và trồng mía…
Hỗ trợ vật nuôi, kỹ thuật
Gia đình ông Lê Văn Kiên (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gia đình ông được hỗ trợ 3 triệu đồng để mua con giống và xây dựng chuồng trại nuôi dúi. Tuy dúi là vật nuôi mới, nhưng gia đình ông Kiên vẫn chọn với hy vọng thoát nghèo. Sau gần 1 năm tiếp cận với loài gặm nhấm này, bước đầu đã mang lại hiệu quả. Ông Kiên cho biết: Dúi dễ nuôi, nhanh phát triển, thức ăn có sẵn ở vùng nông thôn, miền núi nên chi phí thấp. Nuôi dúi cũng ít tốn công chăm sóc, nhưng lại có giá trị kinh tế cao.
Còn gia đình bà La Thị Bích (xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa) đang nuôi 4 con bò vỗ béo và sinh sản, trong đó phân nửa được Nhà nước hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình khác. Nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi nhốt đúng quy trình, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ nên bò phát triển tốt. Gia đình bà đã thoát nghèo trong năm 2024. Bà Bích chia sẻ: "Ở vùng nông thôn miền núi, nuôi bò rất thích hợp. Nếu chăm sóc tốt, bò ít bệnh, 1 năm bò có thể đẻ 1 lứa. Tôi nuôi bò vỗ béo bằng cách cắt cỏ cho nó ăn, rồi nấu cháo từ rau muống, cám gạo cho ăn thêm nên bò nhanh lớn, khoảng 1 năm là xuất chuồng”.
Theo ông Ngô Bình Thịnh, Chủ tịch UBND thị trấn Hai Riêng, đối với người dân miền núi, trồng mía, trồng sắn chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Do vậy, những hộ nghèo, cận nghèo không có đất sản xuất thì nuôi bò hay các loại vật nuôi khác mang lại nguồn thu nhập cao, mới có dôi dư, tích lũy. Địa phương rất quan tâm đến việc bà con triển khai các mô hình chăn nuôi giảm nghèo, nên đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi phù hợp, giúp người dân có cơ hội thoát nghèo bền vững.
Nhân rộng các giải pháp
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, việc xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng thụ hưởng. Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Các trường hợp tham gia dự án được đáp ứng theo nhu cầu, nguyện vọng; thường xuyên được kiểm tra, giám sát các nội dung, hoạt động và được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Qua đó nâng cao trình độ, từng bước thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững”.
Toàn tỉnh phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2025 còn 1,42%, tương ứng giảm 2.711 hộ nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2025. Theo đó, mục tiêu của chương trình nhằm giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Toàn tỉnh phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2025 còn 1,42%, tương ứng giảm 2.711 hộ nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%.
“Để đạt mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tiền điện, vay vốn tín dụng ưu đãi, giáo dục, BHYT... cho người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện các dự án giảm nghèo như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ việc làm bền vững; giảm nghèo về thông tin…”, ông Sơn cho biết thêm.