Trong báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, hiện nước ta có 14,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Tới năm 2030, con số này sẽ tăng lên xấp xỉ 18 triệu người, cao hơn dự báo trước đó.
Từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
![]() |
Bác sĩ khám mắt cho người cao tuổi tại Trạm Y tế Phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa). Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM |
Tốc độ già hóa dân số nhanh
Năm 2024, số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người. Con số này cao hơn dự báo trước đây (17,2 triệu người). Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 13 năm nữa, cứ 5 người dân Việt Nam sẽ có một người trên 60 tuổi.
Bộ Y tế nhận định, Việt Nam đang ở trong thời kỳ già hóa nhanh, do tuổi thọ người dân tăng cao và mức sinh giảm. Theo đó, tuổi thọ người Việt không ngừng gia tăng, năm 2023 tăng lên 74,5 - cao hơn gần 1 tuổi so với trung bình 4 năm trước đó; năm 2024 tiếp tục tăng lên 74,6 tuổi. Trong khi đó, mức sinh của người Việt Nam ngày càng giảm. Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, tổng tỉ suất sinh của Việt Nam là 1,91 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với mức thấp kỷ lục năm 2023 (1,96). Đây là mức sinh thấp nhất quan sát được từ trước đến nay. Tổng tỉ suất sinh của khu vực thành thị là 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,08 con/phụ nữ). Tổng số có 32 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ); có 25 tỉnh, thành phố có mức sinh dao động xung quanh mức sinh thay thế và 6 địa phương có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế (cao hơn 2,5 con/phụ nữ).
Phú Yên cũng đang ở thời kỳ già hóa dân số (năm 2023: tỉ lệ người trên 60 tuổi là 14,2%, trên 65 tuổi là 9,8%). Sở Y tế đề nghị ngành chức năng và các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Đối với tỉnh Phú Yên, hiện tại cũng đang ở thời kỳ già hóa dân số (năm 2023: tỉ lệ người trên 60 tuổi là 14,2%, trên 65 tuổi là 9,8%). Sở Y tế đề nghị ngành chức năng và các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Theo số liệu từ Trung tâm Y tế huyện Tây Hòa, toàn huyện có 20.121 người từ 60 tuổi trở lên (chiếm 14,43% dân số), điều này cho thấy Tây Hòa đang trong giai đoạn già hóa dân số, nhu cầu người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe là vô cùng lớn.
Phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa) có 1.000 người cao tuổi. Ngành Y tế tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh. Y sĩ đa khoa Nguyễn Thị Lộc, Trưởng trạm Y tế phường Hòa Xuân Tây cho hay: Trạm y tế khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi để lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, qua đó hướng dẫn người cao tuổi các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các bệnh thường gặp để người cao tuổi biết cách phòng bệnh.
Huyện Sơn Hòa có 6.552 người từ 60 tuổi trở lên (chiếm 10,04% dân số). Công tác chăm sóc người cao tuổi, toàn huyện có hơn 8.672 lượt người cao tuổi được thu dung khám và điều trị các bệnh lý. Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức truyền thông, tư vấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho 350 người cao tuổi.
![]() |
Trẻ sơ sinh vừa chào đời. Ảnh: INTERNET |
Chăm lo sức khỏe cho tuổi già
Ngoài khuyến nghị cải thiện chính sách sử dụng hiệu quả nguồn cung lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi, về lâu dài cần nghiên cứu các giải pháp để tăng tuổi nghỉ hưu. Theo Tổng cục Thống kê, cần mở rộng hệ thống BHXH theo hướng thúc đẩy triển khai hệ thống BHXH đa tầng, đa trụ cột. Điều này nhằm nâng cao mức độ bao phủ toàn diện của hệ thống, góp phần nâng cao mức sống của người hưởng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, hệ thống chăm sóc y tế, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi cần được quan tâm. Theo đó, cần hướng đến chiến lược chuẩn bị đầy đủ tài chính và sức khỏe cho tuổi già từ xa, từ sớm; vận động nhóm dân số trẻ đang hoạt động kinh tế tham gia BHXH để chuẩn bị cho tuổi già đầy đủ hơn. Điều đó sẽ giúp nhóm này có lương hưu, không phải tất bật kiếm tiền và hài lòng với cuộc sống hơn, theo Tổng cục Thống kê.
GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội của Đại học Kinh tế Quốc dân, chia sẻ rằng nếu 36 tuổi mới bắt đầu lo cho tuổi già thì đã là hơi muộn. Bởi nếu tuổi trẻ không có ý thức giữ gìn sức khỏe, hút thuốc lá, uống bia rượu từ năm 16, 18 tuổi thì đến khi 36 tuổi đã có thâm niên 20 năm duy trì thói xấu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng sức khỏe, nguy cơ bệnh tật.
Ông Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch thích ứng với già hóa dân số và đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Theo đó, sở yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành chức năng địa phương, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức được già hóa dân số. Các ban ngành liên quan tuyên truyền vận động, tạo phong trào cho người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng về việc thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, nâng cao kỹ năng tự chăm sóc và phòng bệnh của người cao tuổi.