Kiên trì, tận tâm, trách nhiệm, đó là công việc của những người làm công tác truyền thông BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh. Họ vẫn lặng thầm cống hiến, ngày đêm miệt mài mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện, BHYT đến với từng người dân để dệt lưới an sinh xã hội, góp phần mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT.
![]() |
Nhân viên Công ty Truyền thông cộng đồng Phú Yên đang nhập dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT. Ảnh: LỆ VĂN |
Tích cực tuyên truyền
Bén duyên với ngành BHXH gần 11 năm, năm 2016, chị Nguyễn Thị Minh Thơm được giao đảm nhận công tác thu của BHXH TX Đông Hòa. Đến nay, chị vẫn chưa quên được những ngày đầu tiên loay hoay tìm hướng đi trong công việc "dệt lưới" an sinh này. Chị Thơm chia sẻ: Ban đầu trở thành tuyên truyền viên, tôi khá bỡ ngỡ, nhưng sau nhiều tháng bám cơ sở gặp từng hộ dân, từ đối tác tuyên truyền, tôi đã coi công việc này không chỉ để đạt chỉ tiêu được giao, mà quan trọng hơn là tạo cầu nối, góp phần chuyển tải chính sách, chế độ BHXH, BHYT đến với người dân.
Khác với chị Thơm, mong muốn lúc đầu của chị Nguyễn Thị Nguyệt (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) là được tham gia BHXH để sau này có lương hưu. Chỉ đến khi BHXH tỉnh tổ chức hội nghị về BHXH, BHYT tại phường Phú Thạnh, chị mới bắt đầu tham gia và trở thành tư vấn viên. Thấy anh chị em ruột, rồi bà con nội ngoại, những người thân của mình chưa biết tới BHXH tự nguyện, chưa biết tích lũy để sau này có lương hưu nên chị lấy trường hợp của mình để tư vấn cho người thân trong gia đình. Không chỉ tự mình tham gia BHXH tự nguyện, chị Nguyệt còn tìm cách chia sẻ đến nhiều người để rồi trở thành một cộng tác viên tích cực tuyên truyền BHXH, BHYT.
Từ đó, chị Nguyệt trở thành nhân viên thu BHXH, BHYT của UBND phường Phú Thạnh, hiện chị là nhân viên thu của Công ty TNHH Truyền thông cộng đồng Phú Yên, một tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT lớn nhất trong số 17 tổ chức dịch vụ thu đang hoạt động ở Phú Yên. Chị Nguyệt kể: “Hầu như ngày nào tôi cũng chạy xe máy tới các gia đình để giúp bà con đến hạn đóng phí BHXH tự nguyện, BHYT”.
Theo kinh nghiệm của chị Nguyệt, những người buôn bán nhỏ ở phường Phú Thạnh thuộc diện dễ vận động nhất. Còn với những gia đình khác, dù không có điều kiện như người buôn bán nhỏ, song họ cũng cố tích cóp phòng thân, nên có thể vận động tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, nhiều người đi làm cho những doanh nghiệp chế biến hạt điều cũng chủ động dành dụm tham gia BHXH tự nguyện cho người thân... Khó nhất là những người làm nông nghiệp, bởi thu nhập của nhóm này vừa thấp, vừa bấp bênh. Những trường hợp này, chị phải chịu khó đi thu từng tháng để bà con có thể đóng được. Thậm chí khi tới hạn đóng phí, chị cẩn thận nắm chắc danh sách để nhắc bà con, giúp mọi người không bị động khi tới hạn. Đặc biệt, với những trường hợp phát sinh sự cố đột xuất nên hụt tiền phí, chị Nguyệt cho tạm ứng trước, để quá trình đóng của bà con được liên tục...
Theo thống kê của BHXH tỉnh, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 17 tổ chức dịch vụ với 940 nhân viên và 42 cộng tác viên. Họ chính là những cánh tay nối dài đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân.
Những năm qua, chính sách an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, trong đó có BHXH, BHYT là các trụ cột chính. Do vậy, mọi người dân ở tất cả các thành phần kinh tế sớm tham gia BHXH, BHYT để được hưởng các quyền, lợi ích từ chính sách an sinh xã hội này.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Phan Ngọc Luận
Đưa chính sách an sinh tới người dân
Những năm qua, để tạo sự hài lòng, lan tỏa sâu rộng chính sách an sinh đến người dân, ngành BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tổ chức mọi lúc, mọi nơi và mọi đối tượng. Nhờ đó, chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước được đông đảo người dân, nhất là ở vùng sâu, xa, đồng bào DTTS đón nhận, tích cực tham gia và từng bước nâng cao tỉ lệ bao phủ BHXH, BHYT toàn dân.
Theo bà Huỳnh Lệ Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông cộng đồng Phú Yên, dù đã được truyền thông, vận động nhưng một số người dân vẫn chưa hiểu sâu về chính sách BHXH, BHYT. Do vậy, khi xem các thông tin trên mạng xã hội, người dân rất dễ nhầm lẫn giữa BHXH và các bảo hiểm thương mại khác. Khi đến tuyên truyền, vận động, người dân sợ bị lừa, sợ bị mất tiền nên cứ nghe đến BHXH là họ không tin tưởng, né tránh.
“Để người dân hiểu rõ về các chính sách BHXH, BHYT cần đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, nhất là khu vực vùng sâu, vùng đồng bào DTTS khó khăn. Bên cạnh đó, để truyền thông sâu rộng, nhân viên tổ chức dịch vụ thu cần nghiên cứu kỹ các văn bản ngành BHXH cung cấp, từ đó đưa ra những quyền, lợi ích thiết thực để tuyên truyền, vận động người dân tham gia”, bà Hằng cho biết thêm.
Ông Phan Ngọc Luận, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho hay: Thời gian đến, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ BHXH các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh truyền thông, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền cũng như chia sẻ trên mạng xã hội về chính sách an sinh; phối hợp tổ chức hội nghị trực tiếp truyền thông, đối thoại, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc của người dân, người lao động về các chính sách an sinh. Qua đó không chỉ lan tỏa sâu rộng, giúp người tham gia hiểu, thực hiện đúng mà còn tạo niềm tin, sự hài lòng đối với người dân khi tham gia, thụ hưởng các chính sách an sinh của Đảng, Nhà nước.