Những người lặng thầm mưu sinh từ ve chai, lực lượng thu gom rác tái chế phi chính thức, hầu hết là phụ nữ nghèo đang góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường. Thế nhưng, phía sau sự đóng góp ấy là những thiệt thòi ít được ghi nhận.
Để tiếp sức cho nhóm phụ nữ đặc thù này, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) đã phối hợp cùng Hội LHPN tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, vận hành các CLB Phụ nữ thu gom rác tái chế - mô hình nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn.
![]() |
Phụ nữ thu gom ve chai góp phần tích cực vào việc giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường hiện nay. Ảnh: CTV |
Lặng thầm góp sức
Theo Ngân hàng Thế giới, mỗi ngày Việt Nam phát sinh khoảng 70.000 tấn rác thải sinh hoạt - tương đương hơn 25 triệu tấn mỗi năm, và con số này vẫn đang tăng theo tốc độ đô thị hóa, tiêu dùng và du lịch.
Riêng tại Phú Yên, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày lên đến 706 tấn, nhưng chỉ khoảng 78% được thu gom xử lý. Phần còn lại bị chôn lấp tại các bãi rác đã quá tải, đốt lộ thiên hoặc trôi dạt ra sông, biển, gây hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Giữa guồng quay đó, có một lực lượng thầm lặng đang âm thầm góp phần giảm tải cho hệ thống thu gom rác - đó là những người mua bán ve chai và hầu hết là phụ nữ nghèo. Tại Phú Yên, toàn tỉnh có khoảng 1.600 phụ nữ mưu sinh bằng công việc này. Họ chính là lực lượng thu gom rác phi chính thức, đóng vai trò quan trọng trong việc phân loại, tái chế, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường sống.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, lực lượng lao động phi chính thức này thu gom tới 30-40% lượng rác tái chế tại các đô thị. Họ làm việc trong điều kiện nguy hiểm, thu nhập bấp bênh, không bảo hiểm, không chế độ an sinh, sống lặng lẽ, không tiếng nói và thiếu một mái nhà chung để kết nối, sẻ chia.
Nỗ lực đồng hành
Thấu hiểu giá trị đóng góp cũng như những thiệt thòi của nhóm lao động nữ này, GreenHub đã phối hợp cùng Hội LHPN tỉnh tổ chức lớp tập huấn “Công tác quản lý, cơ chế theo dõi - đánh giá - học tập để vận hành CLB Phụ nữ thu gom rác tái chế” cho đội ngũ cán bộ hội cơ sở. Lớp tập huấn không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức, điều hành CLB mà còn mang đến góc nhìn mới về sự chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động của lực lượng này.
Theo bà Nguyễn Bảo Hân, Điều phối viên GreenHub, việc lựa chọn Hội LHPN làm đối tác là bởi tổ chức này có hệ thống vững chắc từ tỉnh đến thôn, đặc biệt là sự am hiểu địa bàn và khả năng tiếp cận người dân. “Chính hội phụ nữ cơ sở sẽ là điểm tựa để nâng đỡ, kết nối và bảo vệ quyền lợi cho nhóm phụ nữ thu gom rác tái chế - để họ không còn đơn độc trên hành trình vì môi trường”, bà Hân chia sẻ.
CLB Phụ nữ thu gom rác tái chế là mô hình nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn. Mô hình này không chỉ tạo ra không gian kết nối, hỗ trợ sinh kế và bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ thu gom rác, mà còn giúp họ được nhìn nhận, được tôn vinh và được trao quyền. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này cần thêm sự hỗ trợ thiết thực từ các tổ chức, chính quyền địa phương cả về tài chính, đào tạo lẫn chính sách bảo vệ quyền lợi cho nhóm phụ nữ lao động đặc thù này.
Tại lớp tập huấn, các chuyên gia đã giới thiệu mô hình CLB Phụ nữ thu gom rác tái chế, hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động, phương pháp theo dõi - đánh giá hiệu quả, đồng thời chia sẻ kiến thức về kinh tế tuần hoàn, xu hướng tái chế và phát triển bền vững.
TS Đinh Thị Thu Trang, chuyên gia quản lý chất thải rắn, nhà sáng lập Mạng lưới quản lý rác thải Việt Nam cho rằng: Cần chính thức công nhận vai trò và đóng góp của lực lượng thu gom rác phi chính thức, nếu muốn hướng đến một hệ thống quản lý rác bền vững.
Tuy nhiên, hành trình xây dựng và vận hành các CLB Phụ nữ thu gom rác tái chế tại cơ sở không hề dễ dàng. Nhiều cán bộ hội cơ sở đã chia sẻ việc tập hợp phụ nữ mua bán ve chai, vốn làm việc rải rác, tự phát là một thách thức không nhỏ.
Chị Trần Thị Ngọc Đỉnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) chia sẻ: Do đặc thù công việc, các chị thường đi sớm về muộn, không có thời gian tham gia sinh hoạt định kỳ. Việc vận động để họ vào CLB, rồi duy trì hoạt động ổn định rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Một số chị em e ngại khi tham gia sinh hoạt tổ chức. Để họ tin tưởng và gắn bó với CLB, cần một quá trình lâu dài, có sự đồng hành, lắng nghe và nhất là các mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực.
Không chỉ chị Đỉnh mà nhiều cán bộ hội cũng cho rằng, việc vận động chị em thu gom rác tái chế phi chính thức tham gia CLB không dễ, vì họ quen làm việc độc lập, sợ mất thời gian hoặc ảnh hưởng đến thu nhập. Nếu như không có kinh phí duy trì sinh hoạt định kỳ hay hỗ trợ vật chất ban đầu, không có cơ chế hỗ trợ cụ thể, rất khó để mô hình duy trì lâu dài…