Thời gian gần đây, tình trạng làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn cho nhiều cá nhân và tổ chức. Nhiều vụ án liên quan đến việc làm giả giấy tờ đất đai đã bị phát hiện, nhưng vẫn còn không ít người sập bẫy do thiếu cảnh giác.
Nhiều vụ việc bị phát hiện
Ngày 12/3 vừa qua, lực lượng công an đã bắt quả tang Nguyễn Văn Võ Quá (43 tuổi, trú xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) khi đang nhận tiền của chị M trong một hợp đồng mua bán đất đai, mà Quá đã dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) giả để lừa chị M; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Võ Quá về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam này đã được Viện KSND tỉnh phê chuẩn.
![]() |
Hình ảnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị làm giả. Ảnh: CTV |
Theo điều tra ban đầu, để có tiền trả nợ, Nguyễn Văn Võ Quá chào bán 2 diện tích đất rừng trồng keo cho anh K và chị M. Sau khi thỏa thuận thống nhất việc chuyển nhượng, hai người này đặt cọc và yêu cầu Quá làm thủ tục sang tên trước khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng. Sau đó, thông qua mạng xã hội, Quá đặt làm giả hai GCNQSDĐ.
Vào tháng 6/2024, Quá đã sử dụng một trong hai GCNQSDĐ giả này chuyển nhượng 11,5ha đất tại thôn Lãnh Vân (xã Xuân Lãnh) cho anh K với số tiền 740 triệu đồng. Đến tháng 3/2025, Quá dùng GCNQSDĐ giả còn lại chuyển nhượng 21,8ha đất ở thôn Phú Giang (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) cho chị M với số tiền 870 triệu đồng. Ngày 12/3, khi đang nhận tiền từ chị M, Quá bị công an bắt quả tang tại chỗ.
Trong một vụ án khác, vào giữa tháng 1/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TX Đông Hòa (trước khi bỏ công an cấp huyện) cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Dũng Khái (40 tuổi, trú TX Đông Hòa) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Dù không có nghề nghiệp nhưng Lê Dũng Khái lại tự nhận mình đang làm việc tại bộ phận cấp GCNQSDĐ và nhận làm hồ sơ tách thửa. Lợi dụng một số người dân có nhu cầu, Khái đề nghị đưa trước tiền để làm hồ sơ (từ 10-180 triệu đồng/hồ sơ). Với thủ đoạn này, từ tháng 12/2022-8/2024, Khái đã lừa 9 người dân trên địa bàn TX Đông Hòa và TP Tuy Hòa, chiếm đoạt gần 400 triệu đồng.
Trước đó, TAND tỉnh cũng đã tuyên phạt bị cáo Văn Tiến Đức (33 tuổi, trú TP Tuy Hòa) 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Theo nội dung vụ án, vào tháng 10/2019, do thua lỗ trong kinh doanh, Đức nợ tiền ngân hàng và nhiều người khoảng 2 tỉ đồng.
Đầu năm 2021, Đức làm quen với một người trên mạng xã hội (không xác định nhân thân, lai lịch) chuyên làm giả giấy tờ.
Sau đó, Đức cung cấp các thông tin có liên quan đến GCNQSDĐ của mình đang thế chấp tại một chi nhánh ngân hàng tại TP Tuy Hòa để đặt làm giả 4 sổ đỏ với giá 1,2 triệu đồng.
Từ tháng 12/2021-5/2023, Đức nói dối mình bị dính nợ xấu do mua tivi trả góp nên vay ngân hàng không được. Tin lời Đức, 4 người ở TP Tuy Hòa đồng ý cho Đức thế chấp sổ đỏ giả. Đức đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1,1 tỉ đồng của 4 người này.
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc làm giả giấy tờ đất trên địa bàn Phú Yên.
Nâng cao tinh thần cảnh giác
Hiện nay, việc mua bán GCNQSDĐ giả xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội và internet, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân và sự minh bạch của thị trường bất động sản, trở thành vấn nạn đáng lo ngại. Chỉ cần gõ cụm từ “dịch vụ làm giả sổ đỏ” trong vòng vài giây sẽ có rất nhiều trang web làm GCNQSDĐ giả hiện ra với lời mời chào có mức giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Những kẻ lừa đảo ngang nhiên quảng cáo dịch vụ làm GCNQSDĐ giả với cam kết giống thật 100%, có dấu mộc, chữ ký giống y bản gốc… Điều đáng nói công nghệ làm giả tinh vi, khiến việc phân biệt giấy tờ thật giả đối với nhiều người trở nên khó khăn hơn. Các đối tượng thường sử dụng máy móc hiện đại, kỹ thuật in ấn tiên tiến để tạo ra giấy tờ giả có hình thức rất giống với bản gốc. Nếu không nhờ các cơ quan chức năng kiểm tra trên hệ thống quản lý nhà nước về đất đai thì rất khó để phát hiện đây là giấy tờ giả.
Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, hàng loạt vụ án liên quan đến việc làm giả giấy tờ đất đai đã bị phát hiện, nhưng vẫn còn nhiều người sập bẫy do thiếu cảnh giác và không kiểm tra kỹ tính pháp lý của tài sản trước khi giao dịch.
Người có hành vi làm, sử dụng GCNQSDĐ giả để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị truy tố hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình phạt cao nhất đối với hành vi này là phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra còn có thể bị truy tố tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức với hình phạt cao nhất là phạt tù 3-7 năm.
Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017
Thủ đoạn của số đối tượng này hết sức tinh vi, chúng nắm rõ các thông tin về thửa đất, vị trí, địa chỉ; sau đó làm giả GCNQSDĐ, rồi rao bán những lô đất “ma”, lừa đảo những người nhẹ dạ. Chúng tìm người môi giới hoặc cá nhân có nhu cầu để bàn bạc, thống nhất mức giá và sau khi nhận được tiền cọc thì biến mất; thậm chí chúng bán cả mảnh đất không thuộc quyền sở hữu của mình, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn…
Bên cạnh việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; để tránh rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo, mỗi cá nhân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước khi giao dịch nhà đất và phải có sự kiểm chứng giấy tờ thật kỹ lưỡng tại các cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện giao dịch mua bán.