Trách nhiệm của người nổi tiếng đối với công chúng

Những người nổi tiếng với lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội và tầm ảnh hưởng rộng rãi, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận và tạo ảnh hưởng đến hành vi của công chúng. Họ không chỉ đơn thuần là những người trong giới giải trí, mà còn là những hình mẫu được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ ngưỡng mộ và tin tưởng. Chính vì vậy, trách nhiệm của họ đối với xã hội là vô cùng to lớn.

Hoa hậu Thùy Tiên (ngoài cùng bên trái) cùng livestream bán kẹo Kera. Nguồn: Internet

Vụ việc liên quan đến sản phẩm kẹo rau Kera của Quang Linh Vlogs - một youtuber “triệu view” với hình ảnh chân chất, mộc mạc; cùng sự tham gia của Hằng Du Mục - một tiktoker được mệnh danh là “chiến thần livestream” với những phiên bán hàng trực tuyến đạt doanh thu khủng và hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên - một hoa hậu được giới truyền thông săn đón gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm mà những người nổi tiếng gánh vác đối với công chúng. 

Bài học đắt giá

Sự việc bắt đầu vào cuối năm 2024, khi hàng loạt bài đăng, livestream quảng cáo rầm rộ về sản phẩm kẹo rau Kera được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội. Đây là sản phẩm do Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt (CER Group) công bố, sản xuất tại Công ty CP Asia Life (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Lê Tuấn Linh là tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của CER Group, còn Quang Linh Vlogs (Phạm Quang Linh, thành viên HĐQT) và Hằng Du Mục (Nguyễn Thị Thái Hằng, Chủ tịch HĐQT) được cho là những người nắm cổ phần.

Sản phẩm được quảng cáo với những công dụng thần kỳ, như: Hỗ trợ điều trị bệnh, tăng cường sức khỏe... Đặc biệt, phát ngôn của Quang Linh Vlogs khẳng định: “Một viên kẹo tương đương một đĩa rau luộc” trên một phiên livestream bán hàng khiến nhiều người tiêu dùng tin tưởng và đặt mua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công dụng của sản phẩm không như quảng cáo, thậm chí còn gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng.

Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định rõ về các hành vi bị cấm như: Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố

Mới đây, Công an tỉnh Đắk Lắk đã chính thức khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số cá nhân liên quan đến việc sản xuất và quảng cáo sản phẩm kẹo rau này, bao gồm cả những người nổi tiếng đã tham gia quảng bá sản phẩm. Theo đó, Công an tỉnh này đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với Nguyễn Thúc Thùy Tiên từ ngày 15/3-15/5. Trong khi đó, Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du Mục), Phạm Quang Linh (tức Quang Linh Vlogs) và 3 người khác bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam. Những người này bị bắt về tội lừa dối khách hàng và sản xuất hàng giả là thực phẩm, theo khoản 2 Điều 198 và Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Như vậy, chỉ sau 4 tháng kể từ ngày ra mắt, kẹo rau trở thành tâm điểm của một vụ việc khiến dư luận đặc biệt chú ý, dẫn đến loạt biện pháp xử lý từ cơ quan chức năng, cùng những bước trượt dài của nhiều người được yêu mến trong giới giải trí và mạng xã hội.

Nâng cao trách nhiệm

Theo luật pháp Việt Nam, hành vi quảng cáo sai sự thật về chất lượng, công dụng hàng hóa, sản phẩm là hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Cụ thể, khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định rõ về các hành vi bị cấm như: Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, hiện nay có rất nhiều sản phẩm, từ sữa, thực phẩm chức năng đến mỹ phẩm, được người nổi tiếng quảng cáo tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Nhiều người nổi tiếng, lợi dụng sức ảnh hưởng của mình để quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhằm thu lợi bất chính. Hành động này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của họ. Việc thiếu kiểm chứng thông tin, quảng cáo cường điệu, thổi phồng công dụng của sản phẩm là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả đáng tiếc này.

Các chuyên gia cho rằng: Trước khi tham gia vào bất kỳ hoạt động quảng cáo nào, họ cần phải tự kiểm chứng thông tin một cách kỹ lưỡng, đảm bảo sản phẩm hoặc dịch vụ được quảng bá là chất lượng và an toàn. Việc chỉ vì lợi ích kinh tế mà thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng là điều không thể chấp nhận được. Việc xây dựng hình ảnh đẹp đẽ song hành với trách nhiệm xã hội phải được đặt lên hàng đầu. Tính minh bạch và trung thực trong mọi hoạt động của người nổi tiếng cần được duy trì để giữ vững sự tin tưởng của công chúng.

Anh Nguyễn Ngọc Hiếu, một người tiêu dùng cho rằng: “Sự việc này cho thấy vẫn còn một lỗ hổng lớn trong việc quản lý và giám sát quảng cáo. Hiện nay, việc kiểm duyệt quảng cáo trực tuyến vẫn còn nhiều hạn chế, tạo kẽ hở cho các hoạt động quảng cáo thiếu kiểm soát và thiếu trách nhiệm. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, xây dựng khung pháp lý chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và ngăn chặn những hành vi quảng cáo thiếu minh bạch”.

THIÊN LÝ

Ý kiến của bạn