Ký ức hào hùng qua những thước phim lịch sử

Tháng 4 - tháng giao mùa giữa mùa xuân và mùa hạ với ngàn hoa rực rỡ và cũng là tháng của những ký ức lịch sử hào hùng. Những thước phim về tháng 4 không chỉ ghi lại hình ảnh chiến tranh khốc liệt, mà còn là bức tranh sống động về lòng dũng cảm, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Qua ống kính điện ảnh, tháng 4 hiện lên như một cuốn sử thi, đầy bi tráng nhưng không kém phần cảm động.

Một cảnh trong phim Giải phóng Sài Gòn. Ảnh: Nguồn phim
Một cảnh trong phim Giải phóng Sài Gòn. Ảnh: Nguồn phim

Các bộ phim như: Giải phóng Sài Gòn, Những người viết huyền thoại, Mùi cỏ cháy, Đừng đốt... đã tạo nên bức tranh đa chiều về cuộc chiến và hậu chiến, mang đến cảm xúc sâu sắc về con người và cuộc sống, góp phần vào việc giữ gìn những ký ức lịch sử cho thế hệ mai sau.

1. Phim điện ảnh Giải phóng Sài Gòn do Hãng phim Giải Phóng thực hiện, chuyển thể từ tác phẩm Sài Gòn - Bản hùng ca của nhà văn Hoàng Hà, tái hiện chân thực một sự kiện lịch sử vĩ đại. Đạo diễn Long Vân đã khắc họa quá trình giải phóng miền Nam, bắt đầu từ thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột. Sau Buôn Ma Thuột, Huế, Đà Nẵng..., cuộc chiến tiếp diễn với trận đánh then chốt tại ngã ba Dầu Giây, mở đường tiến vào Xuân Lộc, hướng đến Sài Gòn. Các đợt pháo kích đã làm tê liệt sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất. Phim hấp dẫn người xem bởi những diễn biến, sự kiện, nhân vật lịch sử... của cả hai chiến tuyến trong những tháng ngày gần mốc lịch sử 30/4/1975 được tái hiện rất chân thực, súc tích, đầy đủ. Sự sụp đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, nhường chỗ cho nội các Dương Văn Minh, cùng cảnh tượng quân đội Mỹ tháo chạy khỏi Sài Gòn bằng trực thăng, khép lại một giai đoạn lịch sử hào hùng.

Bao trùm lên tất cả những sự kiện này là kế hoạch của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: Tiến vào Sài Gòn bằng 5 mũi, chiếm 5 vị trí trọng yếu nhất, phối hợp với lực lượng biệt động trong thành phố tiến thẳng vào dinh lũy cuối cùng của Việt Nam cộng hòa, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện mà Sài Gòn vẫn còn nguyên vẹn.

Để thực hiện được những “ép phê” cảnh chiến tranh, bộ phim đã sử dụng một số lượng lớn vũ khí, khí tài do Bộ Quốc phòng giúp đỡ. Theo lời đạo diễn Long Vân: Bộ phim đã sử dụng 36 quả đạn kachiusa (giá trị 80 triệu đồng/quả), 40 chiếc xe tăng, 4 máy bay trực thăng bay đi bay lại nhiều lần, 1.000 khẩu AR15, 650 quả đạn pháo đã được bắn, 6 tấn thuốc nổ, 1 tấn thuốc khói, 1.000 bộ quần áo lính ngụy... với 20.000 lượt người tham gia các cảnh quay. Tổng mức đầu tư kinh phí cho bộ phim là 12,5 tỉ đồng. Số lượng lính trong các cảnh phim lên đến 2.000 người.

Bộ phim không chỉ cung cấp thông tin về sự kiện mà còn khắc họa rõ nét tinh thần đoàn kết, kiên cường của người dân Việt Nam. Những cảnh quay hùng vĩ, âm nhạc truyền cảm trong phim đã làm nổi bật được lời kêu gọi “Độc lập - Tự do” mà dân tộc luôn khao khát. Đó là lý do mà Giải phóng Sài Gòn trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức và tâm hồn của mỗi người dân Việt.

Các bộ phim về đề tài chiến tranh là những bài học quý giá đối với thế hệ trẻ. Ảnh: THIÊN LÝ
Các bộ phim về đề tài chiến tranh là những bài học quý giá đối với thế hệ trẻ. Ảnh: THIÊN LÝ

2. Bộ phim Những người viết huyền thoại đã đưa khán giả vào thế giới của những người lính và nhân chứng đã sống qua những cuộc chiến tranh khắc nghiệt. Khác với những thước phim hành động, tác phẩm này khai thác sâu vào tâm lý và cảm xúc con người, cho thấy những di sản mang tính chất văn hóa và cá nhân từ chiến tranh.

Bộ phim do đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thực hiện, lấy cảm hứng từ chiến công lịch sử của tướng Đinh Đức Thiện và các chiến sĩ tiền trạm xây dựng đường ống dẫn xăng dầu thời chiến tranh chống Mỹ. Tác phẩm khắc họa quá trình gian khổ, đầy hy sinh khi vận chuyển xăng dầu trên tuyến đường 5.000km xuyên Trường Sơn (1968-1969). Trước nhu cầu cấp thiết chi viện xăng dầu cho chiến trường miền Nam, những người lính đã vượt qua muôn vàn khó khăn: Đường rừng hiểm trở rải đầy mìn, nguy cơ cháy nổ thường trực, thương vong liên tiếp. Mỗi lít xăng đến được chiến trường đều thấm đẫm mồ hôi và máu xương của hàng vạn chiến sĩ. Hành trình ấy đã tạo nên một huyền thoại hào hùng.

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18 ghi nhận thành tích xuất sắc của bộ phim, trao tặng nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng khán giả bình chọn, phim truyện nhựa xuất sắc cùng hai giải nam, nữ diễn viên chính xuất sắc. Dù kinh phí khiêm tốn - 10 tỉ đồng, trong đó 2/3 dành cho các cảnh cháy nổ hoành tráng - bộ phim về đề tài chiến tranh vẫn chinh phục người xem bằng ý chí và tâm huyết của cả ê kíp.

3. Trong khi đó, Đừng đốt lại đi sâu vào vấn đề hủy diệt và tái dựng, làm nổi bật cảnh báo về việc ngăn chặn những cuộc chiến tranh thông qua một câu chuyện đầy xúc cảm.

Bộ phim được sản xuất vào những năm 2000 do NSND Đặng Nhật Minh đạo diễn và viết kịch bản. Phim được tạo dựng dựa theo cuốn nhật ký nổi tiếng của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, được cô viết từ năm 1968 tới trước khi hy sinh 2 ngày vào năm 1970. Bộ phim không chỉ tôn vinh nữ anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và những người con đất Việt cho “giấc mơ hòa bình độc lập” mà còn kể về hành trình lưu lạc kỳ lạ của cuốn nhật ký trong suốt 35 năm với sức hấp dẫn mới mẻ.

Những thước phim lịch sử không chỉ là tư liệu, mà còn là lời kể, là hồi ức sống động, gắn kết các thế hệ. Mỗi người xem phim, để hiểu hơn về lịch sử, trân trọng hơn những hy sinh mất mát, thêm tự hào về dân tộc mình và tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh từng tâm sự: “Tôi vô cùng hạnh phúc khi trong số khá nhiều kịch bản đệ trình lên Bộ VHTT&DL xét duyệt, kịch bản của tôi đã được chọn. Trong quá trình thực hiện, đến đâu đoàn phim cũng nhận được sự yêu mến của người dân. Đừng đốt là một nén hương tưởng niệm Đặng Thùy Trâm, nữ bác sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc trong cuộc kháng chiến. Đó là tấm lòng những người làm phim chúng tôi”.

Đừng đốt ra mắt tại Liên hoan Phim Fukuoka lần thứ 19 tại Nhật Bản và giành giải khán giả bình chọn. Bộ phim được phát hành cuối tháng 4/2009 tại Việt Nam và được chiếu ở Liên hoan Phim quốc tế ASEM tại Hà Nội giữa tháng 5/2009. Bộ phim cũng đã giành giải Bông sen vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 16 năm 2009 và chiến thắng 6 hạng mục của giải Cánh Diều Vàng năm 2010.

4. Những thước phim lịch sử không chỉ là tư liệu, mà còn là lời kể, là hồi ức sống động, gắn kết các thế hệ. Mỗi người xem phim, để hiểu hơn về lịch sử, trân trọng hơn những hy sinh mất mát, thêm tự hào về dân tộc mình và tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Bà Nguyễn Thị Hoa ở phường 6 (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Khi được xem lại những hình ảnh về những người lính giải phóng quân băng rừng vượt suối, từng bước tiến vào Sài Gòn; khi nghe thấy tiếng súng, tiếng hô vang của chiến thắng; khi nhìn thấy dòng người hân hoan xuống phố, nước mắt tự nhiên cứ thế rơi. Với tôi, đó không chỉ là những thước phim, mà là cả một lịch sử, một ký ức sống động, đầy hào khí và sự hy sinh”.

Còn anh Đào Quang Vũ ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) bày tỏ: “Sinh ra và lớn lên sau ngày 30/4 lịch sử, tôi chỉ biết đến hòa bình, hạnh phúc như một điều hiển nhiên. Nhưng khi xem qua những bộ phim này, tôi mới thấu hiểu ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, của sự thống nhất đất nước. Những bộ phim cách mạng không chỉ là những thước phim, nó là bài học lịch sử quý giá, nhắc nhở tôi phải luôn trân trọng những năm tháng hòa bình, phải sống có trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước, để xứng đáng với công lao của thế hệ cha anh. Hòa bình hôm nay là kết quả của bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của biết bao người con ưu tú của đất nước. Và tôi, một người được sống trong hòa bình, cần phải ghi nhớ và gìn giữ những giá trị ấy!”.

THIÊN LÝ

Ý kiến của bạn