Đưa hoạt động nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững

Nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên đang phát triển, tạo việc làm và sinh kế ổn định cho người dân ven biển. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi trồng thủy sản hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản nhằm phát triển theo hướng bền vững.

Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân (hàng đầu, thứ 2 từ phải qua) cùng các đại biểu xem tôm hùm được gắn thẻ truy xuất nguồn gốc vùng nuôi. Ảnh: ANH NGỌC
Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân (hàng đầu, thứ 2 từ phải qua) cùng các đại biểu xem tôm hùm được gắn thẻ truy xuất nguồn gốc vùng nuôi. Ảnh: ANH NGỌC

Tạo sinh kế ổn định cho người dân

Phú Yên có bờ biển dài khoảng 189km, với diện tích vịnh biển khoảng 14.685ha, đầm phá khoảng 4.225ha và hơn 2.000ha bãi triều, cửa sông… là khu vực tiềm năng, thế mạnh để đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS).

NTTS ở Phú Yên đã tạo việc làm cho hơn 16.500 lao động, ổn định sinh kế và mang lại thu nhập cao cho cộng đồng dân cư ven biển. Hàng năm, sản lượng thủy sản nuôi của tỉnh đạt hơn 11.000 tấn, cung cấp cho tiêu dùng nội địa và là nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, với giá trị sản xuất đạt khoảng 1.540 tỉ đồng/năm.

Những kết quả đạt được trong NTTS thời gian qua đóng góp chung cho sự phát triển KT-XH của tỉnh, nâng cao đời sống cho cộng đồng cư dân, cơ sở hạ tầng khu vực ven biển cũng được cải thiện đáng kể.

 

Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế hiện nay trong NTTS cũng như những khó khăn, thách thức phải đối mặt trong thời gian tới là rất lớn. Phú Yên đang triển khai những giải pháp, biện pháp phù hợp, kịp thời giải quyết những tồn tại, khó khăn nhằm hướng tới NTTS theo hướng bền vững.

Theo UBND TX Sông Cầu, hiện trên địa bàn thị xã có khoảng 4.000 hộ dân với khoảng 10.000 lao động đang tham gia NTTS, trong đó chủ yếu nuôi tôm hùm lồng bè. Năm 2024, TX Sông Cầu có khoảng 129.320 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng hơn 2.190 tấn, giá trị thu được trên đơn vị mặt nước NTTS khoảng 1,55 tỉ đồng/ha/năm.

Để phát triển NTTS theo hướng bền vững, ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết: Thị xã đang triển khai sắp xếp, giao khu vực biển, mặt nước để NTTS lồng bè tại các vùng nuôi, tiến tới chấm dứt tình trạng NTTS không phép, trái phép trên đầm, vịnh. Địa phương đang hình thành vùng nuôi biển xa bờ với diện tích khoảng 1.380ha, đầu tư công nghệ nuôi phù hợp với từng đối tượng nuôi.

"Sông Cầu cũng đang kiện toàn 129 tổ cộng đồng NTTS theo quy chế tự chủ, tương trợ, hỗ trợ sản xuất, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo vệ môi trường, bảo vệ ANTT. Ngoài ra, thị xã còn triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải từ NTTS lồng, bè; đầu tư hạ tầng ven bờ phục vụ NTTS; ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển NTTS vùng biển xa bờ; chuyển đổi lồng bè nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu", ông Phan Trần Vạn Huy cho biết.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, tổng diện tích thả nuôi thủy sản ao đìa trên địa bàn tỉnh năm 2024 khoảng 2.670ha và nuôi trên đầm, vịnh khoảng 4.880ha, tổng sản lượng NTTS đạt 18.690 tấn (tăng 37,2% so với năm 2020). Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1ha mặt nước NTTS đạt khoảng 1,2 tỉ đồng, cao gấp 10,9 lần so với giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1ha đất trồng trọt (110 triệu đồng/ha).

Hướng đến sản xuất an toàn, bền vững

Để phát triển bền vững, UBND tỉnh vừa ban hành Đề án tổng thể phát triển ngành NTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Mục đích của đề án này nhằm rà soát, đánh giá lại tổng thể tiềm năng, lợi thế phát triển NTTS của tỉnh; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; khắc phục những khó khăn, tồn tại trong giai đoạn vừa qua và định hướng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và sản xuất an toàn, bền vững.

Mục tiêu của đề án là thống kê, kiểm soát được toàn bộ lồng bè NTTS trong đầm, vịnh, trên biển và diện tích nuôi trên bờ để sắp xếp các vùng nuôi phù hợp với sức tải môi trường, đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, không xung đột, mâu thuẫn với hoạt động của các ngành kinh tế khác.

Áp dụng được công nghệ mới, tiên tiến vào NTTS để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Phát triển các mô hình nuôi xen ghép đa đối tượng để tận dụng cơ sở thức ăn tự nhiên, bảo vệ môi trường.

Ứng dụng được công nghệ mới trong vật liệu làm lồng bè nuôi trên biển theo hướng thân thiện với môi trường, tăng khả năng chống chịu với gió bão. Hình thành các khu vực sản xuất, ương dưỡng giống tập trung để cung cấp đủ cho nhu cầu nuôi thương phẩm. Quản lý được số lượng, chất lượng con giống nhập khẩu, khai thác tự nhiên và sản xuất trong tỉnh trước khi đưa vào nuôi thương phẩm...

Định hướng của tỉnh là hệ thống hạ tầng thiết yếu vùng nuôi tập trung được nâng cấp, đầu tư mới hoàn thiện để phục vụ sản xuất, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, thu gom, xử lý rác thải, nước thải, các trạm bờ phục vụ nuôi biển.

Thực hiện nghiêm các quy định, cơ chế, chính sách của trung ương và địa phương về NTTS. Hình thành các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, quản lý hiệu quả môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và ứng phó kịp thời với tác động của biến đổi khí hậu đến NTTS. Phát triển, mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm phù hợp với năng lực NTTS của tỉnh, gắn với việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm NTTS để giảm các rủi ro về tiêu thụ sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất.

Ông Nguyễn Tri Phương cho biết thêm, trong đề án, việc sắp xếp lại diện tích NTTS trên địa bàn tỉnh sẽ theo lộ trình giảm dần để chuyển đổi diện tích sang các ngành kinh tế khác. Theo đó, tổng diện tích NTTS của tỉnh năm 2025 khoảng 4.990ha, trong đó nuôi ao đìa khoảng 1.940ha và nuôi lồng bè ở đầm, vịnh, vùng biển hở, hồ thủy điện, thủy lợi khoảng 3.050ha. Đến năm 2030, tổng diện tích NTTS của tỉnh khoảng 3.700ha, trong đó nuôi ao đìa gần 1.210ha và nuôi lồng bè ở đầm, vịnh, vùng biển hở, hồ thủy điện, thủy lợi khoảng 2.490ha.

Hiện nay, các quy hoạch không gian biển, tài nguyên vùng bờ và quy hoạch địa phương cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành. Các địa phương sớm đẩy nhanh quy hoạch chi tiết vùng nuôi để lên bản đồ số, triển khai giao mặt nước NTTS ổn định cho người dân.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), để phát triển nghề NTTS ổn định và bền vững, các địa phương cần tập trung rà soát, sắp xếp lại vùng nuôi, tổ chức đăng ký NTTS lồng bè, tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư, ứng dụng công nghệ nuôi thương phẩm theo hướng bền vững, nuôi vùng biển xa bờ, nuôi trong các trang trại trên bờ, chuyển đổi từ nuôi lồng truyền thống sang lồng HDPE thích ứng với biến đổi khí hậu và chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Phú Yên phấn đấu giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm NTTS năm 2025 đạt khoảng 90 triệu USD (tôm hùm 65 triệu USD, tôm nước lợ 20 triệu USD, thủy sản khác 5 triệu USD); năm 2027 đạt khoảng 95 triệu USD (tôm hùm 65 triệu USD, tôm nước lợ 20 triệu USD, thủy sản khác 10 triệu USD); đến năm 2030 đạt khoảng 100 triệu USD (tôm hùm 70 triệu USD, tôm nước lợ 13 triệu USD và thủy sản khác 17 triệu USD).

Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chỉ đạo: UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng kế hoạch chi tiết và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển ngành NTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đạt hiệu quả.

UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức sắp xếp lại lồng bè, các vùng NTTS được phê duyệt trong đề án; xây dựng kế hoạch phát triển NTTS, thu mua bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm NTTS tại địa phương; tăng cường đầu tư, hỗ trợ phát triển NTTS. Đồng thời, vận động người dân chủ động tháo dỡ lồng bè nằm ngoài các vùng được phép phát triển NTTS. Thực hiện cam kết đối với các vùng chồng lấn, không làm thay đổi hiện trạng, xây dựng các công trình kiên cố; sẵn sàng bàn giao để thực hiện nhiệm vụ AN-QP khi có yêu cầu đối với các vị trí này.

ANH NGỌC

Ý kiến của bạn