Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác địa phương

Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuy An đã tích cực tham mưu địa phương ủy thác vốn từ ngân sách qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Điều này tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Giải ngân vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã An Hòa Hải (huyện Tuy An). Ảnh: LÊ HẢO

Đòn bẩy giảm nghèo

Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tuy An, từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, huyện Tuy An đã nghiêm túc triển khai thực hiện. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH không ngừng tăng lên qua từng năm.

Tính đến đầu năm 2025, tổng vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuy An đạt gần 17,4 tỉ đồng, trong đó số vốn chuyển các năm là 16,5 tỉ đồng, lãi nhập nguồn 878 triệu đồng. Riêng năm 2024, ngân sách huyện ủy thác 3 tỉ đồng và năm 2025 là 4 tỉ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Nguồn vốn ủy thác đã góp phần quan trọng nâng tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn huyện lên 655,3 tỉ đồng, chiếm 13,5% dư nợ toàn tỉnh, là đơn vị có dư nợ cao nhất, với 12.718 khách hàng còn dư nợ. Từ nguồn vốn này, 3.756 lao động trên địa bàn huyện có việc làm, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Chị Phạm Thị Trúc, hộ vay vốn tại xã An Thọ chia sẻ: “Nhờ được vay 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH, gia đình tôi có tiền mua bò về nuôi. Chúng tôi mua 1 con bò vỗ béo, 1 con bò sinh sản; vừa có thể nuôi bán lấy tiền đầu tư xoay vòng, vừa để bò sinh sản, lời được bê con. Sau hơn 2 năm vay vốn, thu nhập của gia đình tăng lên, chúng tôi có điều kiện nuôi con ăn học đầy đủ”.

Còn bà Ngô Thị Ẻn ở xã An Hòa Hải, cho hay: Trước đây, vì không có vốn nên chồng tôi đi làm thuê cho ghe nhà khác, thu nhập bấp bênh. Được NHCSXH cho vay giải quyết việc làm, gia đình sắm sõng nhỏ, đi lưới ven bờ. Làm ăn có đồng ra đồng vào, chúng tôi dành dụm rồi đầu tư thêm để mua chiếc ghe máy nhỏ, chuyển sang đi mành cá, mành tôm, cải thiện sinh kế. Từ chỗ chỉ đủ ăn, gia đình giờ đã có thu nhập ổn định.

Đồ họa: VIỆT AN
Đồ họa: VIỆT AN

Chủ động tham mưu

Để đạt được kết quả trên, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuy An luôn chủ động trong công tác tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát huy hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn huyện.

Theo ông Nguyễn Văn Tuệ, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuy An, đơn vị luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh để kịp thời tham mưu Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện về nguồn vốn ủy thác hàng năm. Đặc biệt, việc phối hợp chặt chẽ với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện giúp bố trí ngân sách đúng thời điểm, chuyển vốn về ngay đầu năm để kịp giải ngân cho hộ vay.

Chúng tôi xác định nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội là kênh quan trọng hỗ trợ người nghèo và các đối tượng yếu thế. Việc ủy thác vốn từ ngân sách địa phương là trách nhiệm và cũng là giải pháp thiết thực để hỗ trợ người dân. Do vậy hằng năm, huyện đều đưa nội dung này vào kế hoạch phát triển KT-XH và bố trí nguồn lực phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Tuy An

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, thông tin tuyên truyền luôn được tăng cường. Hằng quý, các phiên họp Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đều đưa nội dung thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW vào nghị quyết. Hội nghị sơ kết, tổng kết định kỳ đều có đánh giá riêng về hiệu quả sử dụng nguồn vốn địa phương, đồng thời kịp thời khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng phát huy vai trò trong công tác quản lý vốn ủy thác, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và thu hồi nợ đúng hạn.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Tuy An cho biết: “Chúng tôi xác định nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội là kênh quan trọng hỗ trợ người nghèo và các đối tượng yếu thế. Việc ủy thác vốn từ ngân sách địa phương là trách nhiệm và cũng là giải pháp thiết thực để hỗ trợ người dân. Do vậy hằng năm, huyện đều đưa nội dung này vào kế hoạch phát triển KT-XH và bố trí nguồn lực phù hợp. Địa phương cũng luôn phối hợp chặt chẽ với ngân hàng và các hội đoàn thể để đảm bảo đồng vốn đến đúng nơi, đúng người, phát huy hiệu quả tối đa”.

Thời gian tới, thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư và Kế hoạch 277-KH/TU ngày 12/02/2025 của Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuy An tiếp tục tham mưu Huyện ủy, UBND huyện về việc bố trí nguồn vốn ủy thác hằng năm. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác của huyện đạt tỉ lệ 15% trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.

“Với nền tảng vững chắc từ kết quả đạt được, cùng sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các hội đoàn thể và sự đồng hành của người dân, tín dụng chính sách xã hội tại Tuy An sẽ tiếp tục phát huy vai trò là “bệ đỡ” cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần xây dựng huyện Tuy An ngày càng phát triển”, ông Nguyễn Văn Tuệ khẳng định.

LÊ HẢO

Ý kiến của bạn