Tăng thuế thuốc lá góp phần tăng sức khỏe người dân

Thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, hô hấp mạn tính... Việc tăng thuế không chỉ giúp giảm tỉ lệ hút thuốc mà còn góp phần tăng thu cho ngân sách quốc gia. Số tiền thu thêm từ thuế thuốc lá có thể được đầu tư cho các chương trình y tế, giáo dục, và đặc biệt là các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đồ họa: YÊN LAN

Quan trọng hơn, việc giảm số người hút thuốc sẽ giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho ngành Y tế, tiết kiệm chi phí điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm các bệnh liên quan đến thuốc lá gây ra cái chết cho 104.300 người Việt Nam, trong đó gần 19.000 ca do hút thuốc lá thụ động. Những người này không hút thuốc nhưng vẫn trở thành nạn nhân của khói thuốc lá vì sống hoặc làm việc gần người hút. Đáng lo ngại, phần lớn nạn nhân đang ở độ tuổi lao động, là trụ cột của gia đình và là lực lượng sản xuất quan trọng của xã hội.

Việt Nam hiện có hơn 15 triệu người hút thuốc, thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ người hút thuốc cao trên thế giới. Một trong những nguyên nhân khiến thuốc lá phổ biến là giá bán quá rẻ. Trên thị trường, có tới hơn 40 loại thuốc lá nội địa được bán với giá dưới 10.000 đồng/gói. Với mức giá này, ngay cả học sinh, sinh viên và người có thu nhập thấp cũng dễ dàng tiếp cận.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, thuốc lá còn gây ra những thiệt hại kinh tế rất lớn. Hằng năm, ước tính người dân Việt Nam chi khoảng 49.000 tỉ đồng để mua thuốc lá. Chi phí điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra lên tới 16.400 tỉ đồng. Cộng thêm những thiệt hại gián tiếp như mất năng suất lao động và tử vong sớm, tổng tổn thất do thuốc lá gây ra ước tính hơn 108.000 tỉ đồng mỗi năm, tương đương hơn 1% GDP quốc gia.

Điều đáng nói là số thu từ thuế thuốc lá hiện nay chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với thiệt hại mà xã hội phải gánh chịu. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 39% giá bán lẻ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (khoảng 59%), và chưa bằng một nửa so với khuyến nghị của WHO (75%).

Việc đánh thuế thuốc lá đang áp dụng theo tỉ lệ phần trăm trên giá xuất xưởng - một mức giá rất thấp so với giá bán thực tế ngoài thị trường. Từ năm 2006 đến nay, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ tăng khoảng 20%, tức chưa đến 1,1% mỗi năm. Trong khi thu nhập của người dân tăng lên theo thời gian, giá thuốc lá lại gần như không thay đổi, thậm chí rẻ đi theo tương quan thu nhập. Hậu quả là sản lượng tiêu thụ thuốc lá trong nước đã tăng trở lại từ năm 2021.

Các chuyên gia y tế và các tổ chức quốc tế như WHO, Ngân hàng Thế giới đều thống nhất rằng, tăng giá và tăng thuế thuốc lá là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm tỉ lệ hút thuốc. Thống kê cho thấy, khi giá thuốc lá tăng 10%, mức tiêu thụ giảm khoảng 5% tại các nước đang phát triển, và nhóm thanh thiếu niên hoặc người có thu nhập thấp phản ứng mạnh hơn, với mức giảm có thể lên tới 10%.

WHO khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp, tức là kết hợp giữa thuế tỉ lệ hiện có với thuế tuyệt đối - một mức thu cố định theo từng gói thuốc. Thuế tuyệt đối giúp kiểm soát giá tốt hơn và tránh việc người tiêu dùng chuyển sang mua thuốc rẻ hơn khi giá tăng. Nếu áp dụng thuế tuyệt đối ở mức 5.000 đồng/gói từ năm 2026 và tăng dần lên 15.000 đồng/gói vào năm 2030, tỉ trọng thuế trong giá bán lẻ thuốc lá sẽ tăng lên khoảng 65%, tiệm cận với mức khuyến nghị của WHO.

Thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, hô hấp mạn tính... Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng tới bản thân người hút mà còn gây hại cho những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi. Tăng thuế thuốc lá là một trong những biện pháp hiệu quả, dễ triển khai, mang lại lợi ích rõ rệt, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hướng tới một tương lai không khói thuốc.

Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) năm 2025, WHO chọn chủ đề “Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo” nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải phơi bày những chiêu trò quảng cáo tinh vi, sai sự thật để mở rộng thị trường tiêu thụ của ngành công nghiệp thuốc lá, đặc biệt là trong giới trẻ. Hãy tỉnh táo để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

- Không sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá hay nicotine nào, kể cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

- Bảo vệ bản thân và người thân tránh tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động trong mọi không gian sống.

- Không tin vào quảng cáo đánh lừa và cùng lan tỏa lối sống lành mạnh, không khói thuốc.

(Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh)

 

NGỌC VIỆT

Ý kiến của bạn