Theo các chuyên gia tim mạch, sự tăng huyết áp do stress có thể gây nên đột quỵ hoặc tim bị tấn công và các mạch máu cũng có thể bị tổn thương. Vậy cần phải làm gì để đề phòng các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, giảm thiểu biến chứng đột quỵ có thể xảy ra ở những người bị tăng huyết áp?
![]() |
Đồ họa: YÊN LAN |
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) không chỉ xảy ra ở những người cao tuổi mà xảy ra cả ở những người trẻ, có trường hợp chỉ mới ngoài 20. Đây là một trong những biến chứng hết sức nguy hiểm của bệnh tim mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành... và cả bệnh đái tháo đường.
Nhận diện các yếu tố nguy cơ
Tăng huyết áp được chia làm 2 loại là tăng huyết áp nguyên phát (bệnh tăng huyết áp) và tăng huyết áp thứ phát (huyết áp tăng do một bệnh nào đó). Để phòng ngừa và điều trị hiệu quả bệnh tăng huyết áp, nhất là tăng huyết áp nguyên phát, thì phải biết được các nguyên nhân, từ đó có biện pháp giảm các yếu tố nguy cơ.
Nguyên nhân của tăng huyết áp nguyên phát đến nay vẫn chưa xác định rõ ràng, các yếu tố nguy cơ được đề cập như di truyền, béo phì, lối sống kém lành mạnh, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, ăn quá nhiều muối, thần kinh bị mệt mỏi căng thẳng kéo dài do áp lực... Các yếu tố nguy cơ như dinh dưỡng, sử dụng chất kích thích, thừa cân béo phì... được đề cập rất nhiều trong các tài liệu y học, tài liệu giáo dục sức khỏe. Gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội nghị chuyên đề về căng thẳng và tăng huyết áp. Nhiều nhà khoa học đã có những tham luận chuyên sâu về mối liên quan giữa căng thẳng với cao huyết áp và đưa đến kết luận: Giảm căng thẳng góp phần cải thiện sức khỏe của tim mạch.
Giảm stress đóng vai trò rất quan trọng trong giảm thiểu bệnh tim mạch và nhiều bệnh khác.
Khi cơ thể bị căng thẳng sẽ giải phóng các hormone làm cho tim đập nhanh hơn, mạnh hơn và mạch máu co lại. Những hoạt động này làm tăng áp lực máu lên thành mạch (tăng huyết áp) trong một thời gian. Tuy chưa có bằng chứng nào chứng minh căng thẳng là nguyên nhân gây tăng huyết áp kéo dài nhưng phản ứng với căng thẳng theo những cách không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ tim bị tấn công và đột quỵ, như uống quá nhiều ruợu, cà phê; ăn thực phẩm không lành mạnh; ăn quá nhiều; ít vận động thể lực. Các bệnh tim mạch cũng có thể dẫn đến căng thẳng.
Các hormone mà cơ thể sản xuất ra khi căng thẳng có thể làm tổn thương các mạch máu, tình trạng này có thể dẫn đến bệnh tim mạch. Khi người bệnh bị trầm cảm hay rối loạn lo âu lại là nguyên nhân làm họ quên uống thuốc hạ huyết áp hay điều trị các bệnh tim mạch khác.
Giảm stress để bảo vệ trái tim
Stress làm tăng huyết áp trong thời gian ngắn và khi stress mất đi, huyết áp sẽ trở lại như trước khi bị stress. Tuy nhiên, sự tăng huyết áp do stress có thể gây nên đột quỵ hoặc tim bị tấn công và các mạch máu cũng có thể bị tổn thương, từ đó ảnh hưởng đến các cơ quan, bộ phận khác như thận, mắt, não... Những tổn thương do tăng huyết áp do stress nếu lặp đi lặp lại nhiều lần cũng giống như tổn thương do tăng huyết áp trong thời gian dài. Vì vậy giảm stress đóng vai trò rất quan trọng trong giảm thiểu bệnh tim mạch và nhiều bệnh khác.
Hiện có nhiều biện pháp có thể thực hiện để giảm stress, tùy theo điều kiện, sở thích và mục tiêu của từng người. Các chuyên gia khuyến cáo rằng tập thể dục 30 phút mỗi lần, 3-5 lần mỗi tuần có thể giảm được stress. Đặc biệt, ở những người bị tăng huyết áp, việc tập thể dục sẽ giúp quản lý được stress, cải thiện sức khỏe và giảm được huyết áp.
Bên cạnh đó, người bị stress cần điều chỉnh lịch trình làm việc cho phù hợp. Nếu làm việc quá nhiều, lịch làm việc dày đặc trong ngày, bạn sẽ ít có thời gian cho việc vận động thể lực... Những điều đó là nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp. Nên tập thở sâu, thở chậm để giúp thư giãn và từ đó cảm giác lo âu cũng giảm đi. Tập yoga và thiền cũng giúp giảm lo âu. Ngoài ra, người bị stress cần ngủ đủ giấc (7-8 giờ mỗi ngày); ngủ quá ít có thể làm trầm trọng các vấn đề về sức khỏe. Đồng thời hãy làm những việc mà bạn thích thú để giảm lo âu, từ đó giảm được huyết áp.