Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), trên thế giới vừa ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng tại một số quốc gia như Brazil, Anh, Thái Lan... Tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến trung tuần tháng 5, có gần 150 trường hợp mắc COVID-19 được ghi nhận tại 27 tỉnh thành; không có trường hợp nào tử vong.
Mới đây, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ổ dịch COVID-19 xuất hiện ở một trường THPT, qua test nhanh có 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Lực lượng y tế đã tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng và khống chế dịch. Tại tỉnh Đắk Nông, 6 ca COVID-19 vừa được ghi nhận...
Để chủ động ứng phó với bệnh dịch COVID-19, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã đề nghị giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng y tế các bộ, ngành khẩn trương rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19, không để tình trạng ứng phó thụ động, bất ngờ. Đồng thời, các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị y tế, vật tư y tế để tổ chức thu dung, cách ly, chẩn đoán, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn; tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong cơ sở khám chữa bệnh...
Theo BSCKI Châu Trọng Phát, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca mắc COVID-19. Ông cũng nhắc lại rằng năm 2023, COVID-19 đã được điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B - nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong - của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. "Để chủ động phòng, chống bệnh COVID-19, người dân hãy thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế", bác sĩ Châu Trọng Phát nói.
Năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng, chống COVID-19. Về các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu, Bộ Y tế khuyến khích đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp... Đồng thời, người dân nâng cao sức khỏe thông qua chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý; tăng cường thông khí, vệ sinh môi trường khu vực nhà ở, trường học, nơi làm việc; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp cấp tính (ho, sốt, khó thở...). Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu là tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan y tế địa phương.
Hiện công tác giám sát, theo dõi tình hình COVID-19 được tăng cường song song với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Các cơ sở y tế sẵn sàng thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao. Bộ Y tế khuyến cáo: Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở, người dân phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời. Những người đến và về từ các nước có số ca mắc COVID-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống COVID-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.