Ngày 18/5, Sky News Arabia đưa tin phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza đã đề xuất trao trả một nửa số con tin còn sống cùng một số thi thể để đổi lấy lệnh ngừng bắn kéo dài 2 tháng.
![]() |
Khói bốc lên sau đòn không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 16/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngoài yêu cầu ngừng bắn tạm thời, Hamas còn đặt điều kiện phải nối lại các hoạt động viện trợ nhân đạo ngay lập tức.
Ngoài ra, Hamas cũng muốn có sự đảm bảo mạnh mẽ từ phía Mỹ về việc nối lại đàm phán về kết thúc chiến tranh trong thời gian ngừng bắn tạm thời, đồng thời Israel phải ngừng đưa ra các điều kiện cũng như không được gây trở ngại cho hoạt động viện trợ nhân đạo.
Bên cạnh đó, Hamas muốn Israel cho phép thân nhân của các thủ lĩnh nhóm này được rời khỏi Gaza và sẽ không bị truy đuổi. Hamas còn bày tỏ sẵn sàng từ bỏ vũ khí sau khi trao lại quyền kiểm soát Gaza.
Những thông tin trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ đạo nhóm đàm phán "dốc toàn lực" để đạt được thỏa thuận giải cứu con tin. Trước đó, các cuộc đàm phán tại Qatar rơi vào bế tắc và nhóm đàm phán được trao toàn bộ "quyền tự do hành động".
Trong khi đó trên thực địa, lực lượng y tế Gaza ngày 18/5 cho biết Israel tiếp tục không kích phía Nam dải Gaza khiến ít nhất 24 người Palestine thiệt mạng trong khu lều trại dành cho các gia đình di tản ở Khan Younis.
Quân đội Israel chưa bình luận về thông tin trên nhưng trước đó, nước này thông báo đã phát động giai đoạn đầu của chiến dịch tấn công quy mô lớn vào Gaza mang tên “Cỗ xe ngựa của Gideon".
Chiến dịch nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Israel ở Gaza, bao gồm giải thoát các con tin và đánh bại Hamas.
* Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) - tổ chức do Mỹ và Israel hậu thuẫn với dự kiến bắt đầu hoạt động tại Dải Gaza vào cuối tháng 5 này, đã thừa nhận không thể cung cấp đủ lương thực cho những nhóm dân thường dễ bị tổn thương nhất trong khu vực.
Trong một tuyên bố, GHF nhấn mạnh để đảm bảo tất cả người dân Gaza - bao gồm cả những người già yếu, tàn tật hoặc hạn chế di chuyển, có thể tiếp cận được với viện trợ lương thực, GHF cần mở rộng cơ chế phân phối ngoài phạm vi hiện tại của mô hình đang triển khai.
Liên hợp quốc và nhiều tổ chức cứu trợ quốc tế đang từ chối hợp tác với GHF với lập luận rằng tổ chức này không thể giải quyết nạn đói tại Gaza và việc hợp tác có thể làm suy yếu tính trung lập của các tổ chức nhân đạo trong các cuộc xung đột khác trên thế giới.
Phần lớn lo ngại xoay quanh quy trình phân phối của GHF, vốn yêu cầu các chủ hộ gia đình Palestine phải tự đến nhận các thùng hàng viện trợ nặng tới 20kg. Chính sách này bị cho là sẽ loại bỏ khả năng tiếp cận của những người bị bệnh, già yếu, người khuyết tật... vốn không đủ sức đi đến các trung tâm phân phát.
Được thành lập vào đầu năm nay, GHF phối hợp chặt chẽ với Israel trong việc giám sát phân phối hàng viện trợ nhân đạo tại Gaza để phong trào Hamas không thể lợi dụng các khoản viện trợ này.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietrnam+)