Canada tìm kiếm giải pháp cho căng thẳng thương mại với Mỹ

Ngày 6/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng mới đắc cử của Canada Mark Carney đã có cuộc gặp đầu tiên tại Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Thủ tướng Canada Mark Carney (phải) tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Washington, D.C., ngày 6/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Mặc dù hai nhà lãnh đạo đã có những cuộc thảo luận "sâu rộng và mang tính xây dựng" nhưng những bất đồng sâu sắc về thuế quan và đề xuất gây tranh cãi về việc sáp nhập Canada vào Mỹ vẫn phủ bóng lên mối quan hệ song phương.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, cuộc hội đàm diễn ra chỉ ít ngày sau khi ông Carney giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Canada.

Mặc dù cuộc gặp được đánh giá là có không khí ôn hòa hơn so với các lần tương tác giữa ông Trump và cựu Thủ tướng Canada Justin Trudeau, song vẫn tồn tại những khác biệt lớn, đặc biệt về vấn đề thuế quan và chủ quyền quốc gia.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump tiếp tục khẳng định lập trường không dỡ bỏ mức thuế cao đang áp dụng đối với hàng hóa Canada, trong đó có mức thuế 25% đối với thép, nhôm và ôtô ngoài phạm vi của Hiệp định Thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).

Ông Trump thậm chí tiếp tục đề cập tới khả năng Canada trở thành “bang thứ 51” của Mỹ - một ý tưởng mà Thủ tướng Carney bác bỏ thẳng thừng, khẳng định Canada không phải để bán.

Dù vậy, cả hai nhà lãnh đạo vẫn thể hiện thiện chí đối thoại. Thủ tướng Canada cho biết các cuộc thảo luận diễn ra "sâu rộng và mang tính xây dựng", dù không đạt được đột phá rõ rệt trong việc gỡ bỏ các biện pháp thương mại.

Ông đánh giá tiến trình đàm phán về thuế quan giữa Mỹ và Canada vẫn “phức tạp” song khẳng định đã có “một số tiến triển”.

Hai bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục đối thoại trong thời gian tới và gặp lại tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến diễn ra ở Alberta, Canada.

Ông Carney cũng bày tỏ mong muốn đàm phán lại các điều khoản trong Hiệp định USMCA khi thỏa thuận này kết thúc vào tháng 7/2026. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết USMCA "sẽ sớm kết thúc," đồng thời bày tỏ mong muốn ký một thỏa thuận thương mại mới với Canada.

Căng thẳng leo thang từ tháng 3 sau khi Mỹ áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả hàng hóa và 10% đối với năng lượng và kali không thuộc phạm vi điều chỉnh của USMCA. Ngoài ra, các sản phẩm thép, nhôm cũng như các dòng ôtô không thuộc phạm vi của USMCA nhập khẩu từ Canada cũng bị áp thuế lên tới 25%.

Để đáp trả, Canada cũng đã áp dụng mức thuế 25% đối với các loại xe không tuân thủ USMCA và các khoản phí bổ sung đối với gần 60 tỉ CAD (43,6 tỉ USD) đối với các sản phẩm thép và nhôm, cũng như hàng tiêu dùng như nước trái cây, rượu mạnh, máy tính, quần áo và mỹ phẩm.

Theo Cục Thống kê Canada, kim ngạch thương mại song phương đã giảm trong tháng 3.

Chuyến công du của Thủ tướng Carney đến Mỹ diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương đang đối mặt với nhiều thách thức.

Trước thềm hội đàm, Thủ tướng Carney đã đăng tải một video trên nền tảng X, nhấn mạnh: “Canada và Mỹ mạnh mẽ nhất khi hai bên cùng hợp tác và công việc đó bắt đầu ngay bây giờ”. Mặc dù còn nhiều bất đồng, cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Carney được xem là bước khởi đầu cho một giai đoạn thương lượng mới giữa hai nền kinh tế lớn tại Bắc Mỹ.

Trong diễn biến khác, Mỹ và Trung Quốc thông báo sẽ cử phái đoàn đến Thụy Sĩ trong tuần này để khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại song phương, trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan đến các biện pháp thuế quan đáp trả lẫn nhau giữa hai nước.

Nếu diễn ra, các cuộc gặp này sẽ đánh dấu lần tiếp xúc chính thức công khai đầu tiên giữa quan chức cấp cao của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhằm tháo gỡ căng thẳng thương mại đang có nguy cơ tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu.

Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), Bộ trưởng Tài chính nước này Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer sẽ đại diện cho Mỹ tham dự các cuộc họp diễn ra trong hai ngày 10-11/5. Các cuộc họp này nhằm đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Phát biểu trên chương trình “The Ingraham Angle” của kênh truyền hình Fox News, Bộ trưởng Bessent cho biết mục tiêu chính của vòng đàm phán lần này là "giảm leo thang" căng thẳng, chứ chưa hướng đến một thỏa thuận thương mại toàn diện. Ông lưu ý: “Chúng tôi phải giảm leo thang trước đã, rồi mới có thể tiến xa hơn”.

Trong khi đó, Tân Hoa xã ngày 7/5 dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Phó Thủ tướng Hà Lập Phong với tư cách là người phụ trách các vấn đề kinh tế và thương mại Trung - Mỹ, sẽ đại diện cho phía Trung Quốc tiến hành cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent.

Cuộc gặp diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Hà Lập Phong tới Thụy Sĩ theo lời mời của chính phủ nước này, từ ngày 9-12/5.

Sáng 7/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC - Ngân hàng trung ương) đã công bố một loạt biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh các mức thuế cao do chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đang gây áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu.

Thống đốc PBOC Pan Gongsheng thông báo lãi suất cho vay đối với các ngân hàng thương mại sẽ được giảm thêm 0,25 điểm phần trăm, đưa mức lãi suất xuống còn 1,5%. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương cũng quyết định cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5 điểm phần trăm.

Theo ông Pan Gongsheng, quyết định này sẽ bơm khoảng 1.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương khoảng 138,9 tỉ USD) thanh khoản dài hạn vào hệ thống tài chính.

Việc hạ lãi suất và tỉ lệ dự trữ bắt buộc nhằm tăng cường khả năng cho vay của các ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu bị suy giảm do căng thẳng thương mại với Mỹ kéo dài.

Các nhà kinh tế cho rằng biện pháp này sẽ góp phần ổn định thị trường tài chính và tạo động lực cho nền kinh tế Trung Quốc đối phó với những rủi ro từ bên ngoài.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Ý kiến của bạn