Ngày 18/4, phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đã kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép ngay lập tức để chấm dứt hoàn toàn lệnh phong tỏa Dải Gaza của Israel được áp đặt từ ngày 2/3.
![]() |
Người dân Palestine đứng trên đống đổ nát của những tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN |
Trưởng đoàn đàm phán của Hamas, ông Khalil al-Hayya, nhấn mạnh rằng “cộng đồng quốc tế cần phải can thiệp ngay lập tức và gây sức ép cần thiết để chấm dứt lệnh phong tỏa bất công áp đặt lên người dân của chúng tôi ở Dải Gaza".
Ông al-Hayya tố cáo “hơn 2 triệu người đang phải chịu nạn diệt chủng do nạn đói và thiếu thốn mọi nhu cầu cơ bản của cuộc sống, những quyền được coi là hợp pháp và được luật pháp và luật nhân đạo quốc tế bảo đảm, mà không được phép áp đặt bất kỳ hạn chế hay điều kiện nào".
Trước đó ngày 17/4, phong trào kháng chiến Palestine đã từ chối một đề xuất mới do Israel đưa ra với lý do rằng thỏa thuận này có “những điều kiện bất khả thi", trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza hiện đã bước sang tháng thứ 18.
Theo một nhà lãnh đạo của phong trào Hamas, đề xuất này bao gồm việc trao đổi 10 con tin Israel còn sống để đổi lấy lệnh ngừng bắn trong 45 ngày, thả các tù nhân Palestine bị Israel bắt giữ và cho phép đưa viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.
Hamas cho rằng Israel sử dụng các thỏa thuận từng phần như một vỏ bọc nhằm trì hoãn việc bắt đầu các cuộc đàm phán về việc thực hiện giai đoạn hai của thỏa thuận ngừng bắn Gaza, trong đó quy định việc chấm dứt xung đột và rút các lực lượng Israel khỏi Gaza.
Lời kêu gọi của Hamas được đưa ra sau khi LHQ cảnh báo về tình hình ngày càng tồi tệ hơn và tình trạng thiếu hụt thuốc men cùng các nhu yếu phẩm khác ở vùng lãnh thổ ven Địa Trung Hải đang bị phong tỏa của Palestine.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cảnh báo trong đầu tuần này rằng Dải Gaza đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất, kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bắt đầu vào ngày 7/10/2023. Trong một tuyên bố, OCHA cho biết không có nguồn cung nào đến Gaza trong vòng 45 ngày qua.
Trước đó ngày 16/4, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz đã một lần nữa loại trừ khả năng cho phép viện trợ vào Dải Gaza, tuy nhiên không nêu rõ lý do của quyết định này.