Nhật Bản thông báo kết quả đàm phán thuế quan với Mỹ

Ngày 18/4, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya cho biết đàm phán thuế quan giữa Nhật Bản và Mỹ bước đầu đã có tiến triển tích cực, làm cơ sở để có các cuộc thảo luận sâu hơn vào cuối tháng này.

Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ngày 16/4 (theo giờ Mỹ), Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Ryosei Akazawa, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản, đã có cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau đó tiến hành đàm phán với phía Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Jamieson Greer.

Trong cuộc gặp Tổng thống Trump, ông Akazawa đã chuyển thông điệp của Thủ tướng Shigeru Ishiba về việc Nhật Bản muốn đạt được thỏa thuận toàn diện càng sớm càng tốt nhằm củng cố nền kinh tế của Nhật Bản và Mỹ.

Tổng thống Trump đã có những đánh giá thẳng thắn về tình hình hiện tại của Mỹ trong tổng thể kinh tế thế giới, về chính sách thuế quan của Mỹ và khẳng định thảo luận với Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu. Hai bên xác nhận các cuộc thảo luận sẽ được tiếp tục giữa hai chính phủ.

Tại các cuộc đàm phán sau đó, ông Akazawa đã tuyên bố các biện pháp thuế quan của Mỹ là vô cùng đáng tiếc và trình bày lập trường của Nhật Bản về tác động đối với ngành công nghiệp Nhật Bản và đối với việc mở rộng đầu tư, tạo việc làm cho cả hai nước.

Ông Akazawa cũng kêu gọi Mỹ xem xét lại các biện pháp thuế quan dự kiến sẽ áp dụng đối với Nhật Bản.

Kết thúc đàm phán, hai bên đã nhất trí các điểm sau: Thứ nhất, hai bên sẽ tiến hành thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng nhằm đạt được thỏa thuận sớm nhất có thể. Thứ hai, các cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra trong tháng này. Thứ ba, các cuộc thảo luận cũng sẽ tiếp tục ở các cấp làm việc, ngoài cấp bộ trưởng.

Ngoại trưởng Iwaya cũng từ chối bình luận về mối liên hệ giữa đàm phán thuế quan với việc chia sẻ chi phí quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh thỏa thuận liên quan đến chi phí này vốn sẽ hết hạn vào tháng 3/2027, sẽ được khởi động thảo luận vào đầu năm sau với các thủ tục bình thường.

Trong diễn biến khác, Indonesia sẽ tăng nhập khẩu thực phẩm và hàng hóa của Mỹ, đồng thời giảm đơn đặt hàng từ các nước khác. Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto tại Washington ngày 18/4.

Bộ trưởng Airlangga đang có mặt tại Washington trong phái đoàn cấp cao của Indonesia để đàm phán với các đối tác Mỹ về mức thuế đối ứng 32% mà Chính quyền của Tổng thống Donald Trump dự định áp với hàng hóa nhập khẩu từ Indonesia sau khi giai đoạn tạm hoãn 90 ngày hiện nay kết thúc.

Phía Indonesia đề xuất tăng thêm 19 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có khoản 10 tỉ USD mua năng lượng, để thu hẹp quy mô thặng dư thương mại với Washington và tránh khoản thuế đối ứng sẽ bị áp dụng.

Ngoài ra, Indonesia cũng có kế hoạch mua nông sản, bao gồm lúa mỳ, đậu nành và bã đậu nành, đồng thời tăng mua các tư liệu sản xuất của Mỹ.

Bên cạnh đó, Indonesia dự kiến sẽ khai thác những khoáng sản quan trọng, đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, đồng thời đưa ra thêm ưu đãi cũng như hỗ trợ các công ty Mỹ đang hoạt động ở Indonesia trong vấn đề giấy phép. Hai nước dự kiến sẽ hoàn tất đàm phán trong 60 ngày tới.

Cùng ngày 18/4, theo hãng tin Yonhap, Chính phủ Hàn Quốc đề xuất ngân sách bổ sung trị giá 12.200 tỉ won (8,59 tỉ USD) nhằm bình ổn giá và hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ chốt đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thế giới, trong bối cảnh bất ổn gia tăng do chính sách thuế quan mới của chính quyền Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp cấp thứ trưởng nhằm đánh giá xu hướng giá cả, Thứ trưởng Tài chính Kim Beom Suk cho biết dù giá dầu toàn cầu đang có xu hướng giảm, nhưng giá hàng hóa và thực phẩm vẫn ở mức cao.

Ngân sách bổ sung mới nhất bao gồm khoản 1.500 tỉ won để thực hiện các biện pháp bình ổn giá và hỗ trợ sinh kế, trong đó có 70 tỉ won trợ giá cho các mặt hàng nông sản và thủy sản.

Chính phủ có kế hoạch tiếp tục trợ giá cho bắp cải, củ cải và các sản phẩm chủ chốt khác. Theo Bộ Tài chính, các cuộc thanh tra tại chỗ cũng sẽ được tiến hành để giám sát giá nông sản và các kênh phân phối trứng nhằm ngăn giá cả tiếp tục leo thang.

Giá tiêu dùng của Hàn Quốc trong tháng 3 vừa qua đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức 2% trong tháng 2. Trước đó, Ngân hàng trung ương dự báo giá tiêu dùng năm 2025 sẽ tăng 1,9%.

Trong khi đó, số liệu do Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố cùng ngày 18/4 cho thấy các lô hàng sản phẩm thép xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 3 đạt 340 triệu USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng thép xuất khẩu giảm trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp mức thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 12/3 vừa qua.

Giới quan sát cho rằng rất khó để đánh giá tác động do chính sách thuế quan mới của Mỹ đối với xuất khẩu thép của Hàn Quốc bởi các giao dịch thường được thực hiện trước đó vài tháng, nhưng vẫn có thể có một số ảnh hưởng nhất định.

Các nhà sản xuất thép Hàn Quốc đang đưa ra các biện pháp đối phó với mức thuế quan mới của Mỹ. Một số công ty có kế hoạch tăng sản lượng thép tại Mỹ.

Công ty Hyundai Steel Co. dự kiến đầu tư 5,8 tỉ USD để xây dựng một nhà máy thép lò hồ quang điện tại bang Louisiana vào năm 2029. Đây sẽ là cơ sở sản xuất đầu tiên của công ty ở nước ngoài.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Ý kiến của bạn