Các quốc gia ở khu vực Bắc Mỹ tiếp tục hứng chịu tác động từ chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
![]() |
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Toronto, Canada, ngày 16/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong đó, Canada đứng trước nguy cơ kinh tế suy thoái sâu bất chấp thuế nhập khẩu được điều chỉnh giảm, còn Mexico vẫn chưa đạt được thỏa thuận miễn thuế đối với các ngành công nghiệp chủ chốt như thép, nhôm và ôtô.
Phóng viên TTXVN tại Ottawa dẫn báo cáo ngày 21/4 của công ty dự báo kinh tế toàn cầu Oxford Economics cho rằng, mặc dù các mối đe dọa về thuế quan đã giảm bớt, nhưng sự bất ổn về kinh tế sẽ làm giảm tiêu dùng và đầu tư, dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp cao hơn và thậm chí gây ra tình trạng giảm phát trong thời gian ngắn.
Điều này khiến Canada có thể rơi vào suy thoái sâu hơn dự đoán ban đầu. Oxford Economics dự báo trong 6 tháng cuối năm 2025, Canada có thể mất tới 200.000 việc làm và tỉ lệ thất nghiệp sẽ đạt đỉnh ở mức 7,7%.
Theo Giám đốc phụ trách mảng kinh tế Canada của Oxford Economics, ông Tony Stillo, mặc dù Mỹ áp mức thuế quan thấp hơn đối với một số mặt hàng của Canada nhưng dự đoán kinh tế Canada sẽ không tránh khỏi suy thoái sâu hơn do nhu cầu toàn cầu yếu hơn vì mức thuế cao hơn của Mỹ đối với phần còn lại của thế giới.
Oxford Economics lưu ý rằng mức thuế quan thấp hơn so với dự kiến ban đầu do hầu hết các mặt hàng tuân thủ Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), vẫn được miễn thuế.
Trong đó, các mặt hàng như thép, nhôm cũng như phụ tùng ôtô không có xuất xứ Mỹ sẽ có thể được miễn trừ đáng đáng kể. Tuy nhiên, mức thuế quan rộng 25% vẫn áp dụng cho tất cả các mặt hàng khác không thuộc USMCA.
Ngoài ra, việc Canadaphản ứng bằng cách áp thuế trả đũa với mức 25% đối với khoảng 95 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ sẽ tác động đến giá tiêu dùng ở trong nước.
Trong khi đó, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum hôm 21/4 thừa nhận đã không đạt được thỏa thuận giảm thuế nhập khẩu của Mỹ đối với thép, nhôm và ngành công nghiệp ô tô nước này trong cuộc điện đàm tuần trước với người đồng cấp Donald Trump.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, phát biểu họp báo cùng ngày, Tổng thống Sheinbaum cho biết các nhà chức trách Mexico vẫn đang đối thoại về chủ đề thuế đối với mặt hàng thép, nhôm và ôtô.
Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào, nhưng đã có sự trao đổi cả ở cấp bộ trưởng, giữa Bộ Thương mại Mỹ và Bộ Kinh tế Mexico, cũng như cấp Tổng thống.
Người đứng đầu Chính phủ Mexico bày tỏ mong muốn chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Trump sẽ miễn thuế đối với ô tô, nhôm và thép nhập khẩu từ Mexico giống như các mặt hàng tuân theo USMCA.
Nữ Tổng thống nhấn mạnh Mexico đang thâm hụt thương mại thép và nhôm với Mỹ do nước này nhập khẩu mặt hàng đó nhiều hơn xuất khẩu, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của USMCA.
Trong diễn biến khác, theo Bloomberg, ngày 22/4, Thái Lan, nước đang tìm kiếm sự nới lỏng từ kế hoạch của chính quyền Trump áp thuế 36% lên hàng hóa của nước này, cho biết các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng dự kiến diễn ra trong tuần này đã bị hoãn lại.
Người phát ngôn chính phủ Jirayu Houngsub cho biết lịch đàm phán đã được điều chỉnh, và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira, trưởng đoàn đàm phán của Thái Lan, sẽ công bố thêm chi tiết vào cùng ngày.
Ông không đưa ra lý do cho việc hoãn cuộc đàm phán vốn dự kiến diễn ra vào ngày 23/4. Ông Pichai cũng không tới Seattle tuần trước để gặp các doanh nhân Mỹ như đã thông báo trước đó.
Bộ trưởng Thương mại Pichai Naripthaphan, thành viên đoàn đàm phán, phát biểu rằng chính phủ hy vọng sẽ đạt được "kết quả tốt đẹp" khi các cuộc đàm phán diễn ra bởi hai nước có mối quan hệ song phương "tốt đẹp và lâu dài".
Cùng ngày 21/4, Chính phủ Mỹ thông báo ý định áp mức thuế lên tới 3.521% đối với các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Đông Nam Á. Đề xuất này còn phải chờ sự phê chuẩn cuối cùng từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) tại cuộc họp diễn ra vào tháng 6 tới.
Quyết định này là kết quả của cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp do nhiều công ty sản xuất năng lượng mặt trời tại Mỹ và quốc tế tiến hành khoảng 1 năm trước. Các công ty này cáo buộc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã gây tổn hại nghiêm trọng đến thị trường nội địa, đặc biệt lo ngại về sản phẩm của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc nhưng được sản xuất tại các quốc gia Đông Nam Á.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các mức thuế mới này đặc biệt nhắm đến “trợ cấp xuyên quốc gia” - một hình thức trợ cấp mà các công ty tại một quốc gia nhận được từ chính phủ của một quốc gia khác. Trong số các công ty bị áp thuế có Jinko Solar và Trina Solar của Trung Quốc.
Dự kiến, mức thuế được đề xuất đối với Campuchia có thể lên tới 3.521%, trong khi các sản phẩm của Jinko Solar xuất khẩu từ Malaysia chịu thuế 40%, từ Việt Nam chịu thuế 245%; sản phẩm của Trina Solar chịu thuế 375% nếu xuất khẩu từ Thái Lan và hơn 200% nếu từ Việt Nam.
Những mức thuế này chưa bao gồm mức thuế cơ bản 10% mà chính quyền Trump đã áp dụng từ đầu tháng 4 đối với phần lớn hàng hóa từ các đối tác thương mại chính.
Nếu được thông qua, các mức thuế này có thể tạo ra tác động lớn đến chuỗi cung ứng năng lượng sạch toàn cầu, đồng thời làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.